Ẩn mình trong dãy Himalaya hùng vĩ, lọt thỏm giữa những ngọn núi cao vời vợi là nơi hồ Roopkund ngự trị. Và cái hồ này còn có một tên khác, đó là "hồ Xương Người".
Lý do có cái tên này cũng vì một hiện tượng kinh dị xảy ra với nó mỗi năm. Cụ thể thì hầu hết thời gian trong năm, thung lũng cô đơn rộng gần 40m này chìm trong băng giá. Chỉ khi những ngày hè ấm áp tới, lớp băng tuyết mới tan ra để lộ một cảnh tượng rùng rợn: hàng trăm bộ xương người ló ra, nhiều bộ xương vẫn còn nguyên vẹn chưa bị rơi rụng.
Hàng trăm bộ xương người ló dạng sau khi tuyết tan tại hồ Roopkund.
Những bộ xương này là của ai, điều gì từng xảy đến với họ, cho đến bây giờ vẫn còn là điều bí ẩn.
Bí ẩn cái hồ chứa hàng trăm bộ xương
Một cuộc khảo sát cách đây vài năm đã ước tính niên đại của những bộ xương rơi vào khoảng 1.200 tuổi. Nghiên cứu cũng cho thấy có ba trong năm mẫu bị gãy dập, nghi ngờ do bị va phải mưa đá, dù kết luận này đến này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Ông Éadaoin Harney, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết ông cũng không dám đưa ra lời khẳng định cụ thể: "Nếu nói những người này thiệt mạng với cùng một nguyên nhân thì khó mà tin được."
Trước đó cũng có giả thuyết cho rằng họ đã chết đồng loạt trong một sự kiện thảm khốc cách đây khoảng một nghìn năm.
Tuy nhiên, một phân tích di truyền học do các nhà khoa học Ấn Độ, Mỹ và Đức đã đánh đổ giả thuyết trên. Họ đã thực hiện phân tích ADN của 38 bộ xương và nhận định rằng những người này không chết cùng một thời điểm, mà có lẽ là thiệt mạng trong nhiều sự kiện diễn ra xuyên suốt 1000 năm.
Báo cáo đã dẫn đến "một quan điểm phong phú hơn về lịch sử của vấn đề này" so với những nỗ lực trước đây - theo Jennifer Raff, nhà di truyền học và nhà nhân chủng học tại ĐH Kansas (Mỹ) nhận định.
Vẫn là một bí ẩn lớn sau hàng chục năm nghiên cứu
Hồ Xương Người đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ nay. Thế nhưng, vẫn chưa có kết luận nào chắc chắn về những bộ xương bí ẩn nơi đây.
Đá lở, băng trôi và thậm chí là du khách đã phần nào làm xáo trộn các bộ hài cốt, khiến cho việc giải mã thời điểm và nguyên nhân chết cũng như nguồn gốc của họ càng thêm khó khăn.
"Trong trường hợp này, việc xác định chính xác dường như bất khả thi," - Cat Jarman, nhà sinh vật học tại ĐH Bristol ở Anh nhận xét.
Các bộ hài cốt bị xáo trộn gây khó khăn cho việc nghiên cứu.
Tuy nhiên nhờ phân tích di truyền học, các nhà khoa học cũng đã gỡ rối được phần nào về các mẩu xương lộn xộn kia. Như Niraj Rai - chuyên gia về ADN cổ tại Viện Cổ học Birbal Sahni ở Ấn Độ - và David Reich - nhà di truyền học tại ĐH Harvard đã phân tích ADN hàng chục mẫu xương. Họ xác định các mảnh xương ấy thuộc về 23 đàn ông và 15 nữ.
Dựa trên các chủng người còn sống hiện nay, 38 bộ xương người được phân tích thuộc ba chủng. Trong đó, 23 người có đặc điểm giống với người Nam Á ngày nay. Hài cốt của họ đã có mặt tại hồ Roopkund vào khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10, nhưng không vào cùng một thời điểm.
Một bộ xương được xác định có mối liên hệ với người Đông Á, và 14 bộ còn lại dường như thuộc về người đến từ phía đông Địa Trung Hải, tất cả đều được mang đến đây trong khoảng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Duy có việc tại sao ở cách xa nhau, niên đại cũng khác nhau, mà tất cả lại "quy về 1 mối" thì chẳng có lời giải thích nào phù hợp.
Tại sao những bộ hài cốt có niên đại và nguồn gốc khác xa nhau lại xuất hiện cùng một nơi vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy khả năng dịch bệnh hoành hành, vậy nên các chuyên gia chỉ có thể lờ mờ đoán rằng chính địa hình trắc trở nơi đây đã gây nên cái chết của những người này. Sau đó những người còn sống đã đưa họ đến hồ Roopkund.
Các bộ hài cốt được xác định bao gồm cả trẻ em và người già, nhưng không ai trong số đó có quan hệ huyết thống. Những dấu hiệu hóa học từ hài cốt chỉ ra rằng các nạn nhân có chế độ ăn uống khác nhau, chứng tỏ họ không cùng thuộc một nhóm người.
Cho đến nay cũng không có bất kỳ bản ghi chép nào về hành trình của họ được tìm thấy. Tiến sĩ Rai cho biết nhóm đã lục lại tất cả các tài liệu thu thập được nhưng không tìm được gì tương tự.
Hồ Roopkund nằm trên một tuyến đường hành hương của những người theo Ấn Độ giáo hiện đại. Các chuyên gia nghi ngờ rằng những người gốc Nam Á đã thiệt mạng khi thực hiện chuyến hành hương qua đây.
Hồ Roopkund nằm trên một tuyến đường hành hương của người theo Ấn Độ giáo.
Thế nhưng giả thuyết này lại khó có thể dùng giải thích cho những bộ hài cốt thuộc nhóm người phía đông Địa Trung Hải xa xôi.
"Có khả năng họ là người di cư đến khu vực gần Himalaya," - tiến sĩ Jarman phán đoán. Các yếu tố di truyền cho thấy họ có nét tương đồng với những người đến từ Hy Lạp hoặc đảo Crete ngày nay. Tuy nhiên, phân bổ dân cư hiện tại lại không khớp so với những thế kỷ, thiên niên kỷ trước. Cũng vì thế mà lý do họ đến vùng đất này vẫn là bí ẩn không có lời giải.
Tiến sĩ Jarman cũng đưa thêm giả thuyết có thể vùng hồ này gắn với một niềm tin tôn giáo nào đó, khiến người ta đem người đã khuất đến đây để mai táng; hoặc có thể những nhà thám hiểm xấu số đã bỏ mạng tại nơi đây bởi chính sự hiếu kỳ và niềm đam mê khám khá vùng núi ngoạn mục này.
Có khả năng chính địa hình hiểm trở vùng này đã khiến những người thám hiểm thiệt mạng.
Nhiều giả thuyết đưa ra, nhưng các nhà khoa học vẫn không thể tìm ra căn cứ xác đáng để lập luận. Chính vì thế, dù đã trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, tất cả những gì họ nhận định chỉ dừng ở phỏng đoán.
Cũng vì lẽ đó mà ngày càng nhiều câu chuyện và lời đồn đoán về hàng trăm bộ xương người bí ẩn tại hồ Roopkund được thêu dệt nên.
Tham khảo: The New York Times