Bí ẩn nổi tiếng trên tác phẩm điêu khắc tại Đại bản doanh CIA

Lê Ngọc |

Tác phẩm điêu khắc Kryptos tại Đại bản doanh CIA vẫn ẩn chứa một bí mật nổi tiếng thế giới chưa có lời giải suốt mấy thật kỷ qua.

Cuối những năm 1980, nghệ sĩ người Mỹ Jim Sanborn được giao nhiệm vụ tạo một tác phẩm điêu khắc để đặt tại Đại bản doanh của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Langley (Virginia). Ý thức được sản phẩm của mình sẽ được các quan chức tình báo hàng đầu thế giới nhìn thấy mỗi ngày, người nghệ sĩ đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính đố chữ. Sanborn tiết lộ, tác phẩm điêu khắc chứa câu đố này trùm lên câu đố kia, sẽ chỉ có thể giải được sau khi bốn đoạn đã mã hóa được giải mã.

Được ra mắt vào ngày 3/11/1990, phần chính tác phẩm điêu khắc là một khung bằng đồng hình chữ S cao 3,6m, rộng 6m, giống như một cuộn hoặc một mảnh giấy nhô lên từ một chiếc máy in, chứa gần 2.000 ký tự là các chữ cái tiếng Latin được tác giả khoét thủ công, có tên gọi Kryptos, cùng với các dấu hỏi và được cắt ra khỏi các tấm đồng. Cái tên Kryptos xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là "ẩn" (“hidden”) và chủ đề của tác phẩm điêu khắc là "Thu thập thông tin tình báo" ("Intelligence gathering"). Giá của tác phẩm điêu khắc này vào năm 1988 là 250.000 USD (tương đương 501.000 USD năm 2016).

Bí ẩn nổi tiếng trên tác phẩm điêu khắc tại Đại bản doanh CIA - Ảnh 1.

Đại bản doanh của CIA là nơi đặt tác phẩm nghệ thuật chứa đựng “siêu mật mã”; Nguồn: wtop.com

Có vẻ như vô nghĩa dưới con mắt của những người ngoại đạo, nhưng Kryptos chứa 4 thông điệp riêng biệt được mã hóa và cùng nhau tạo thành một câu đố, mà lúc đầu, theo tác giả, có thể có ai đó sẽ giải mã chỉ trong vài tuần. Thời gian trôi qua, nhân viên của CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và công chúng đã giãi mã thành công 3 trong số 4 thông điệp của bức điêu khắc. Và cho đến nay, Kryptos vẫn sở hữu một trong những bí ẩn nổi tiếng nhất thế giới chưa được giải đáp.

Tác phẩm điêu khắc không chỉ gồm 4 tấm đồng lớn, mà còn có những mẩu mã mooc-sơ (morse) nằm rải rác xung quanh, cũng như một cột gỗ hóa đá, một hồ nước xoáy, các phiến đá granit đỏ và xanh lá cây, thạch anh trắng và nhiều thứ khác. Phần chính của tác phẩm điêu khắc nằm ở góc phía tây bắc của sân Tòa nhà Trụ sở mới, bên ngoài quán cà phê. Bí ẩn đầy thách thức của Kryptos có thể liên quan đến sự tập hợp rộng hơn của các cấu phần và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Điều đáng nói là nghệ sĩ Sanborn trước đó chưa từng có kinh nghiệm viết mật mã và cũng không đặc biệt giỏi toán. Ông chỉ tham khảo hướng dẫn của 2 người là Edward Scheidt - một chuyên gia về mật mã học và là Chủ tịch Trung tâm mật mã CIA trước khi nghỉ hưu, và một nhà văn - rồi mã hoá các thông điệp ẩn bên trong tác phẩm của mình bằng các biểu tượng và ma trận.

Bí ẩn nổi tiếng trên tác phẩm điêu khắc tại Đại bản doanh CIA - Ảnh 2.

Tác phẩm điêu khắc Kryptos trong khuôn viên Đại bản doanh CIA ở Virginia; Nguồn: rhizome.org

Kryptos là tác phẩm điêu khắc mật mã đầu tiên được thực hiện bởi Sanborn. Sau khi “trình làng” Kryptos, ông tiếp tục cho ra đời một số tác phẩm điêu khắc khác với mật mã có nội dung khác, bao gồm tác phẩm mang tên Antipodes - trưng bày tại Bảo tàng Hirshhorn ở Washington, DC; tác phẩm "Mảnh Kryptos không tên" ("Untitled Kryptos Piece") - được bán cho một nhà sưu tập tư nhân; và Cyrillic Projector - chứa các mật mã bằng ký tự tiếng Nga (“Russian cyrillic”) được trích xuất từ một tài liệu mật của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB).

Mật mã trên một bên của Antipodes lặp lại nội dung từ Kryptos. Phần lớn các mật mã ở phía bên kia của Antipodes được sao chép lại trên Cyrillic Projector. Phần mật mã tiếng Nga được tìm thấy trên Cyrillic Projector và Antipodes đã được giải mã vào năm 2003 bởi hai nhà phân tích mật mã độc lập với nhau.

Tác phẩm điêu khắc Kryptos tiếp tục nhận được được quan tâm lớn của nhiều đối tượng, cả nghiệp dư và chuyên nghiệp. 20 năm theo đuổi, mong muốn khám phá siêu mật mã của một "nhà mật mã" nghiệp dư, nhà mật mã học nổi tiếng Elonka Dunin đã tạo ra một website về Kryptos, giúp quy tụ một cộng đồng hàng nghìn thành viên - những người quan tâm và cố gắng giải mã thông điệp cuối cùng của Sanborn; nhiều người trong số họ là những nhà mật mã học chuyên nghiệp, hàng đầu.

Bí ẩn nổi tiếng trên tác phẩm điêu khắc tại Đại bản doanh CIA - Ảnh 3.

1 trong 4 thông điệp này đang là thách thức cân não đối các chuyên gia mật mã thế giới; Nguồn: wikipedia.org

Đoạn mật mã cuối cùng gồm 97 ký tự, được Sanborn hé lộ vào năm 2006 rằng, trong đoạn thứ nhất có chứa manh mối để giải mã đoạn thứ tư; vào năm 2010, ông lại tiết lộ thêm một manh mối khác: các ký tự 64-69 NYPVTT trong phần giải mã ra có nghĩa là BERLIN. Năm 2014, ông tiết lộ thêm: các chữ cái "MZFPK" - các ký tự thứ 70-74 trong đoạn thứ tư, trở thành "CLOCK" sau khi giải mã; chữ thứ 74 là K trong cả bản đã mã hóa và bản giải mã là một ký tự mà có thể mã hóa thành chính nó.

Sanborn cho biết thêm, để phá mã đoạn 4, "nên tìm hiểu sâu hơn về chiếc đồng hồ cụ thể đó", và nói thêm, "có một số đồng hồ thực sự thú vị ở Berlin". Đồng hồ cụ thể được đề cập có lẽ là Đồng hồ Berlin, mặc dù Đồng hồ Thế giới Alexanderplatz là một ứng cử viên khác. Trong một bài báo được xuất bản ngày 29/1/2020 của Thời báo New York, Sanborn đã đưa ra một manh mối nữa: tại các vị trí 26-34, từ này là "NORTHEAST",… nhưng thông điệp thứ tư vẫn là một bí mật đầy thách thức.

Ngay cả giới chuyên gia CIA cũng nói rằng, thông điệp này khó phá, do nó quá ngắn và gây khó khăn cho việc tìm kiếm các chữ cái lặp lại - một yếu tố chủ chốt cho việc giải mã. Thông điệp cuối cùng, vì thế, được xem là “đỉnh Everest của các mật mã”. Nhiều người quan tâm băn khoăn chuyện gì sẽ xảy ra nếu tác giả qua đời khi mật mã chưa được giải mã hoàn toàn.

Hiện, nghệ sĩ Sanborn trên 70 tuổi này đã thiết lập các hệ thống cho phép mọi người kiểm tra các đáp án được đề xuất mà không cần phải liên hệ trực tiếp với ông. Gần đây nhất là một quy trình dựa trên email với phí 50 USD để gửi một đáp án đã được thành lập, nhưng chưa ai thành công.

Năm 2020, nghệ sĩ Sanborn tuyên bố, nếu mã không được phá trước khi ông chết, ông sẽ đưa bí mật về đáp án này ra bán đấu giá khi ông qua đời; ông thậm chí có thể làm điều đó khi còn sống và số tiền gom được sẽ đầu tư cho các nghiên cứu về khí hậu. Người mua có thể tiết lộ bí mật hoặc duy trì bí mật và hệ thống để mọi người đệ trình đáp án của mình. Tuy nhiên, nghệ sĩ-"nhà mật mã" nghiệp dư này vẫn áy náy rằng, giá trị của Kryptos là không xác định và có lẽ phương thức này sẽ mang lại ít kết quả./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại