Bất kể ai đã học Tiếng Anh đầu biết người Anh không có một từ nào để gọi chung "green" (màu xanh lá cây) và "blue" (màu xanh nước biển). Trong khi Tiếng Việt của chúng ta thì có thể gọi chung hai màu này là màu xanh.
Tiếng Hàn Quốc cũng có một từ gọi chung hai màu xanh là 푸르다 (pureu-da). Trong Tiếng Nhật, họ có từ 青 (Ao) để chỉ xanh dương và xanh lá tùy từng ngữ cảnh. Mặc dù Tiếng Trung Quốc hiện đại có các từ để chỉ riêng màu lục và lam, nhưng trong ngôn ngữ cổ của họ, mọi màu xanh đều có thể được gọi là 靑 (qīng).
Trong Tiếng Nhật, họ có từ 青 (Ao) để chỉ xanh dương và xanh lá tùy từng ngữ cảnh.
Các ngôn ngữ không phân biệt xanh lá cây và xanh dương được các nhà khoa học đặt cho một cái tên là "grue" (kết hợp giữa green và blue). Ngoài tiếng nói của các quốc gia kể trên, danh sách này còn bao gồm: Tiếng Ả Rập, Iran, Tiếng Ai Cập, Tây Tạng, tiếng của người Zulu…
Trong khi hầu hết các hệ ngôn ngữ Roman như Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Đức, Tiếng Ý, Hy Lạp đều tách bạch các màu xanh với nhau. Tiếng Nga, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy. "Câu hỏi là tại sao?", Dan Dediu, một nhà ngôn ngữ học tiến hóa người Romania cho biết.
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports, ông và các đồng nghiệp của mình tại Đại học Lumière Lyon 2 dường như đã giải mã được bí ẩn đã tồn tại hàng ngàn năm trong lĩnh vực ngôn ngữ học này.
Có ba giả thuyết
Chúng ta biết màu sắc là một dải quang phổ chứ không hề tách bạch hoàn toàn như cách chúng ta gọi chúng. Chẳng hạn như màu đỏ nhạt dần sẽ biến thành màu hồng, rồi thành màu cam cuối cùng thành màu vàng.
Dải màu xanh ngược lại bắt đầu từ màu tím, nhạt dần thành xanh lam, xanh ngọc rồi xanh lá cây. Tại ranh giới của các sự chuyển tiếp này, mắt người rất khó phân biệt được các màu sắc. Việc chúng ta gọi một màu nào đó bằng tên của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào từng ngôn ngữ, và tính chủ quan của những người nói ngôn ngữ đó.
Trong nghiên cứu của Dediu, ông cho rằng có một hiện tượng gọi là "thâm tím thủy tinh thể" đã khiến những cộng đồng cổ đại sống ở gần vùng xích đạo, hay những vùng tiếp xúc với nhiều ánh sáng Mặt Trời khó phân biệt được màu xanh lá cây với xanh da trời hơn.
Đó là do cường độ tia cực tím cao hơn, chủ yếu là UV-B đã làm đục thủy tinh thể của họ, tạo ra các sắc tố vàng hấp thụ bước sóng màu xanh dương. Các sắc tố vàng cũng sẽ pha ánh sáng xanh dương ngả về phía màu xanh lá cây nhiều hơn, trước khi chúng đi được đến võng mạc và gửi tín hiệu nhận về não.
Hiện tượng "thâm tím thủy tinh thể" có thể ảnh hưởng đến cách tổ tiên chúng ta cảm nhận màu sắc.
Do đó, các cộng đồng sống ở gần xích đạo, hoặc trên núi với độ cao lớn (nơi họ phải tiếp xúc với nhiều tia UV hơn do không khí loãng hơn) nhiều khả năng sẽ phát triển ngôn ngữ "grue" chỉ có một từ để chỉ cả hai màu xanh.
Ngược lại, những cộng đồng ở vĩ độ cao, gần cực hơn, những khu vực có khí hậu và độ ẩm cao, nhiều mây bao phủ hoặc với thảm thực vật dày đặc với ít môi trường mở nhiều khả năng sẽ phát triển ngôn ngữ phân biệt màu xanh lá cây và xanh dương rõ ràng, bởi thủy tinh thể của họ có độ trong tốt hơn.
Tuy nhiên, đồng tác giả nghiên cứu, nhà tâm lý học Asifa Majid đến từ Đại học York, cho biết thâm tím thủy tinh thể là một trong nhiều giả thuyết giải thích tại sao từ vựng về màu sắc lại khác nhau giữa các ngôn ngữ.
Một giả thuyết khác cho rằng những cộng đồng sống gần các vùng nước lớn như biển hoặc biển hồ có nhiều khả năng sẽ phát triển các từ chỉ màu xanh dương để phân biệt với màu xanh của cây cỏ.
Ngoài ra, giả thuyết phổ biến thứ ba cho rằng khi các nền văn hóa bắt đầu biết nhuộm vải, họ sẽ phải phát triển từ vựng để chỉ màu sắc một cách tách biệt hơn, cụ thể là màu xanh dương đã ra đời khi thuốc nhuộm xanh dương xuất hiện. Đây vốn là sắc tố xanh khó tạo ra nhất, cả trong tự nhiên lẫn kỹ thuật nhuộm nhân tạo.
Vậy giả thuyết nào là đúng nhất?
Majid cho biết trong các nghiên cứu trước đây, những nhà khoa học nào ủng hộ giả thuyết nào sẽ tự mình thực hiện các nghiên cứu kiểm tra giả thuyết đó. Họ thường sẽ đưa ra thêm bằng chứng để chứng minh giả thuyết mình ủng hộ là đúng.
Nhưng với nghiên cứu mới của mình, lần đầu tiên Majid và các đồng nghiệp sẽ đưa cả ba giả thuyết lên bàn cân, để xem giả thuyết nào đúng nhất? Để làm được điều đó, họ đã thu thập dữ liệu ngôn ngữ của 142 cộng đồng dân số sống trên khắp thế giới, ngoại trừ Nam Cực. Ngay cả các ngôn ngữ chỉ được nói bởi một cộng đồng nhỏ vài trăm người ở Australia và Amazon cũng được thống kê.
Kế đó, các nhà khoa học phân tích các yếu tố ủng hộ 3 giả thuyết hình thành ngôn ngữ "grue", bao gồm cường độ UV liên quan đến vị trí địa lý, vĩ độ, cao độ, khoảng cách tới các vùng nước lớn.
Bởi dữ liệu về công nghệ nhuộm khá hạn chế, Majid và các đồng nghiệp sử dụng quy mô dân số để thay cho bằng chứng về giả thuyết này. Họ giả định rằng các cộng đồng dân số lớn hơn có khả năng phát triển các công nghệ phức tạp hơn, mà thuốc nhuộm màu xanh dương là một trong số đó.
Các cộng đồng nói ngôn ngữ "grue" được biểu thị bằng chấm vàng, các cộng đồng có hai từ xanh dương và xanh lá riêng biệt được biểu hiện bằng chấm xanh và biểu đồ cường độ tia UV-B mà các cộng đồng này nhận được cùng quy mô dân số.
Kết quả cho thấy giả thuyết "thâm tím thủy tinh thể" góp phần lớn nhất vào việc các ngôn ngữ gộp chung hai màu xanh dương và xanh lá làm một. Ở những khu vực có nhiều ánh sáng Mặt Trời và tia UV hơn như Trung Mỹ và Đông Phi, những nơi gần xích đạo và ít mây bao phủ hàng năm, thường có các cộng đồng nói ngôn ngữ "grue".
Ngược lại, phần lớn Châu Âu, nơi hệ ngôn ngữ Roman hình thành ít tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời sẽ tạo ra các từ riêng biệt để gọi màu xanh dương và xanh lá cây.
Hai giả thuyết về các vùng nước lớn và thuốc nhuộm cũng góp phần vào việc hình thành các ngôn ngữ có màu xanh dương tách biệt. Tuy nhiên, mức độ đóng góp của chúng thấp hơn giả thuyết "thâm tím thủy tinh thế".
Điều đó có nghĩa là nhận thức thị giác, văn hóa và môi trường đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách một ngôn ngữ mô tả lại quang phổ màu sắc, Dediu nói. Nhưng nếu có một sự trùng hợp lớn nhất trong cách các ngôn ngữ "grue" được tạo ra thì đó là nhận thức trực quan của con người.
Các nhà ngôn ngữ học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chỉ cần một thay đổi nhỏ trong cách các cộng đồng cổ đại giao tiếp, tại một thời điểm nhất định cũng có thể tạo ra một quả cầu tuyết cuốn theo nhiều thế hệ sau đó, định hình ngôn ngữ hiện đại của họ ngày nay.
Qua nhiều thế hệ, thành kiến của từng cá nhân — dựa trên nhận thức trực quan và tầm quan trọng của một số thuật ngữ màu nhất định — đã ảnh hưởng đến việc ngôn ngữ đó sẽ phát triển thêm các từ mới.
Mà ví dụ không thể tuyệt vời hơn là các ngôn ngữ "grue" bây giờ cũng đã phải có thêm các từ để chỉ màu xanh dương mà trước đây họ không có.
"Ngôn ngữ luôn luôn thay đổi", Dediu nói. Mọi cộng đồng trên thế giới đều phải đối mặt với một áp lực chọn lọc ngôn ngữ giống nhau, đó là làm sao để giúp mọi người giao tiếp một cách dễ dàng nhất và hiểu được nhau một cách chính xác nhất.
Nghiên cứu mới của Dediu, Majid và các đồng nghiệp bây giờ đã đặt thêm một mảnh ghép quan trọng vào bức tranh toàn cảnh, giải thích quá trình tiến hóa của các ngôn ngữ đó. Nó cũng góp phần làm sáng tỏ một trong những bí ẩn thú vị và lâu đời nhất, về cách mà chúng ta gọi tên màu sắc trong tiếng nói của mình.