Những nguyên nhân khiến cá voi mắc cạn
Cá voi, cá heo là những sinh vật di chuyển theo bầy lớn (chúng có tập tính xã hội cao và có tập tính di cư theo một con đường từ năm này qua năm khác) và sử dụng hệ thống sóng âm định vị nhằm định hướng di chuyển và giao tiếp với nhau.
Cá voi chết tập thể do bị mắc cạn. Ảnh Internet.
Thế nhưng có một "yếu tố bí ẩn" có thể khiến hệ thống định vị và các giác quan của chúng bị "vô hiệu hóa", khiến chúng mất phương hướng và... lao vào bờ!
Điều này sẽ khiến chúng mắc cạn và chết tập thể, tạo nên một khung cảnh bi thương khiến ai nhìn thấy cũng phải thương xót.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm "tê liệt" hệ thống định vị của chúng như nguyên nhân nhân tạo (ảnh hưởng của sóng âm từ thiết bị định vị tàu ngầm làm ô nhiễm âm thanh biển) hay tự nhiên (thay đổi hướng gió, tảo độc, thời tiết, chu kỳ Mặt Trăng...).
Do bị kích động hành vi vì mất phương hướng, đàn cá sẽ lao vào bờ như một sự giải thoát khỏi sự ô nhiễm âm thanh làm chúng hoảng loạn.
Thế nhưng tại sao các voi hay cá heo lại bơi vào vùng biển nông lại là bí ẩn thách thức các nhà khoa học? Năm 2005, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tasmania, Australia đã đi tìm câu trả lời cho bí ẩn này.
Bằng việc nghiên cứu các vụ mắc cạn trong 82 năm qua ở vùng biển đông nam và đảo Tasmania, họ nhận thấy cứ chu kỳ khoảng 12 năm (chu kỳ thay đổi hướng gió) cũng chính là thời cao điểm của các vụ mắc cạn.
Các loại thú có vú có tập tính di cư. Ảnh BBC.
Họ kết luận chính sự thay đổi hướng gió khiến dòng nước dinh dưỡng bị cuốn vào bờ, Ari Friedlaender từ Đại học bang Oregon, Mỹ cho biết: "Đây là nơi có nhiều động vật sinh sống. Nguồn thức ăn phong phú có thể đã dẫn dụ cá voi vào bờ".
Ngoài ra gió khiến các trận bão biển và dòng chảy thay đổi khiến các voi hay cá heo bị mất phương hướng, chính tập tính xã hội khiến con đầu đàn (đóng vai trò hoa tiêu) bị lệch kéo theo sự mất phương hướng của cả đàn.
Do đó, mỗi vụ mắc cạn thường xảy ra trên quy mô rất lớn tới hàng trăm con, Andrew Brownlow, trưởng nhóm điều tra các vụ mắc cạn giải thích:
"Giả thiết cho rằng các con đầu đàn tự bơi vào bờ vì không muốn chết đuối. Cũng có thể con đầu đàn biết nó bị ốm và di chuyển vào khu vực nước nông để bảo vệ các con khác trong đàn",
Phát hiện nguyên nhân mới: Bão Mặt Trời
Bão Mặt Trời có thể khiến từ quyển bị tác động mạnh. Ảnh Internet.
Mới đây các chuyên gia còn phát hiện ra một nguyên nhân tự nhiên khiến cho các vụ tự sát của các sinh vật biển xảy ra trên quy mô lớn như vậy: Bão Mặt Trời!
Nhà vật lý thiên văn Antti Pulkkineno tới từ Trung tâm bay Không gian Goddard của NASA (NASA's Goddard Space Flight Centre) cho biết:
"Có một vài giả thuyết tại sao các động vật biển tự tử theo số lượng lớn, nhưng lời giải thích chưa rõ ràng. Một trong những lời giải thích có khả năng nhất là các sinh vật biển sử dụng từ trường Trái Đất trong các chuyến di cư để định hướng".
Những cuộc di cư theo bầy đàn của cá heo. Ảnh Internet.
Pulkkinen nhấn mạnh: "Tác động của con người chưa đủ để giải thích hết sự mắc cạn". Theo đó, ông cùng nhóm của mình đi tìm kiếm thứ gì đó có tác động lớn hơn, trên quy mô rộng hơn và đó chính là Mặt Trời.
Các cơn bão Mặt Trời có chu kỳ có thể tác động tới từ trường Trái Đất hay từ quyển, sự tác động này mạnh mẽ hơn Mặt Trăng gấp nhiều lần.
Bão Mặt Trời sẽ giải phóng ra các bong bóng khổng lồ mang điện tích khiến cho các hệ thống vệ tinh quay quanh Trái đất bị vô hiệu hóa đồng thời đi xuyên qua từ quyển Trái Đất và tác động tới cả đại đương.
Desray Reeb, một nhà sinh vật biển thuộc Cục quản lý năng lượng biển (BOEM), Mỹ cho biết thêm:
"Kết hợp giữa dữ liệu mà Antti đã thu thập được với những dữ liệu chuyên sâu của chúng tôi, chúng ta có thể tiến hành những phân tích nghiêm ngặt đầu tiên về mối liên hệ tiềm tang giữa việc mắc cạn hang loạt và các hiện tượng thời tiết không gian".
Katie Moore – Giám đốc Quỹ Bảo vệ Động vật thuộc Chương trình giải cứu động vật cho biết:
"Nếu chúng ta biết được mối liên hệ giữa 2 hiện tượng, chúng ta có thể sử dụng những dữ liệu quan sát được về bão Mặt trời để cảnh báo sớm về hiện tượng động vật mắc cạn".
Nguồn: Sciencealert