Tốc độ chuyển đổi xanh trên toàn cầu đang phụ thuộc vào tương lai một vùng đất xa xôi ở Canada - nơi được gọi là Vành đai lửa.
Nằm bên dưới khu rừng rộng lớn, đầm lầy và những dòng sông uốn khúc phía Bắc Ontario, Vành đai lửa được cho là một trong những nơi cung cấp nguồn niken, đồng và coban khổng lồ chưa từng được khai thác trên thế giới. Nếu tận dụng thành công, ngành công nghiệp xe điện sẽ thêm những nguyên liệu cần thiết để chế tạo pin; các nhà máy sản xuất cũng bớt đau đầu giải quyết tình trạng nguồn cung gián đoạn.
Tuy nhiên, ‘kho báu’ này lại bị chôn vùi dưới một hệ sinh thái rộng lớn chứa rất nhiều carbon. Quá trình khai thác có thể ra gây phát thải khí nhà kính với trữ lượng nhiều hơn cả mức Canada thải ra trong 1 năm.
Tranh cãi đã nổ ra giữa các công ty khai thác mỏ - một bên là những người yêu môi trường, bên còn lại chỉ muốn làm sao để quá trình sản xuất pin được trơn tru. Doug Ford, lãnh đạo Ontario, nơi gần đây đã ký thỏa thuận với các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Stellantis để chế tạo pin, cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng đường đến Vành đai lửa”.
Và dĩ nhiên, rất nhiều người phản đối quyết định này.
“Chúng ta đang đe dọa phá hủy rất nhiều khu rừng. Tác động có thể rất tồi tệ”, Kate Kempton, luật sư đại diện bên nguyên đang kiện chính quyền Ontario nói. Ông lập luận rằng Canada trước đó đã ký vào một tuyên bố, trong đó nhấn mạnh nước này phải tham khảo ý kiến và nhận được “sự đồng ý” từ người dân trước khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Bí ẩn kho báu kim loại nằm sâu dưới hệ sinh thái carbon
Vành đai lửa được hình thành cách đây gần 3 tỷ năm, có diện tích khoảng 1.900 dặm vuông, rộng hơn bang Rhode Island. Các mảng kiến tạo dịch chuyển đã làm nứt bề mặt; magma giàu khoáng chất đồng thời rỉ ra từ lõi Trái đất. Các nhà phân tích ước tính chúng trị giá hàng chục tỷ USD.
Trước đó, một tỷ phú người Úc có tên Andrew Forrest đã mua cổ phần của công ty khai thác mỏ Bắc Mỹ Noront thông qua công ty khai thác mỏ Wyloo Metals. Ông cũng chính là người đã đánh bại công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ BHP Group và thành công mua lại Noront với giá 500 triệu USD trong một thoả thuận hồi năm 2022.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Forrest cho biết Eagle's Nest là mỏ niken có giá trị nhất và chưa được khai thác trên thế giới. “Chúng ta sẽ không thể thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, thứ đang và sẽ hủy diệt hành tinh này, trừ khi có nguồn cung cấp niken dồi dào”, ông nói.
Wyloo Metals ước tính cùng với số niken họ đang sở hữu trong Vành đai lửa, tổng trữ lượng bạch kim, palladium, đồng và crôm có thể trị giá 67 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất xe điện tỷ lệ thuận với nhu cầu đối với các kim loại quý, nhất là niken. Năm ngoái, tổng lượng sử dụng niken trên toàn cầu đạt 3,16 triệu tấn, theo Benchmark Mineral Intelligence. Đến năm 2035, lượng niken cần thiết để theo kịp nhu cầu toàn cầu có thể sẽ tăng gần gấp đôi lên 6,20 triệu tấn.
“Canada có thể trở thành nhà cung cấp khoáng sản quan trọng số một thế giới nếu họ có được nó ngay bây giờ”, Simon Moores, giám đốc điều hành của Benchmark Mineral Intelligence cho biết.
Được biết, khu bảo tồn Eagle's Nest có thể chứa 20 triệu tấn quặng giúp tinh chế niken và rất nhiều kim loại khác. Để tiếp cận, các kỹ sư dự định đào hầm sâu dưới đầm lầy và đề xuất sử dụng năng lượng gió và mặt trời để cung cấp năng lượng cho các hoạt động khai thác. Chất thải sẽ được chôn lấp để bảo vệ môi trường.