Bí ẩn ít biết về bộ phận "bị thừa" trên cơ thể người mà ai cũng có

Lê Cao |

Có một bộ phận trên cơ thể người mà ai cũng có, bộ phận này được coi là "bị thừa" do quá trình tiến hóa của loài người.

Ai ai cũng tin rằng, mỗi bộ phận trên cơ thể người đều có chức năng cụ thể. Các bộ phận này phối hợp với nhau tạo nên quá trình sống cho toàn bộ cơ thể. Song, do quá trình tiến hóa, một vài bộ phận trong cơ thể người trở nên "bị thừa". Đó chính là "xương cụt". Theo các chuyên gia, xương cụt chính là tàn dư từ phần đuôi của tổ tiên loài người.

Tổ tiên ta ngày xưa có đuôi, và đi bằng 4 chân. Nhưng sau quá trình tiến hóa hàng triệu năm, ta đã đi bằng hai chân và sử dụng một hệ thống khác nhằm giữ thăng bằng, tránh bị ngã. Phần trọng lực của chúng ta đi dọc xuống xương sống, từ đó không cần một phần phụ khác để cân bằng trọng lượng khá lớn từ phần đầu.

Theo phó giáo sư Lauren Sallan tại Đại học Pennsylvania: "Đuôi là đặc điểm từ tổ tiên của động vật có xương sống. Chúng được tìm thấy ở bào thai non, rất khó để loại bỏ mà không gây tổn hại tới thai nhi. Kết quả là con người giữ lại cái đuôi này nhưng bị ẩn đi bên dưới lớp da, giống như đôi chân của cá voi vậy".

 Và việc loại bỏ xương đuôi giúp chúng ta cải thiện chuyển động ở tư thế đứng thẳng. Tuy nhiên, dấu tích để lại là phần xương cụt 3 - 5 đoạn nằm ở phần lưng dưới cùng.

Nhiều người tin phần xương cụt này là hoàn toàn vô dụng. Nhưng thực chất, chúng có "nhiệm vụ" là giữ cho một số cơ bắp, dây chằng và gân cũng như hỗ trợ trọng lượng của một người khi ngồi xuống.

Tuy nhiên, bệnh lý đau xương cụt là bệnh đau xuất hiện ở xương cụt hoặc ở vùng cơ bắp sát với xương cụt. Đây không phải là bệnh quá nghiêm trọng, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt ở phái nữ. 

Khả năng giãn nở của các cơ, gân, đốt sống ở lưng của người phụ nữ mạnh hơn hơn nam giới, kém thích nghi với các hoạt động mạnh dẫn tới dễ bị đau buốt vùng lưng và xương cụt.

Khi bị đau xương cụt, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, đôi khi là nhói ở vùng mông hoặc hông. Nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau lan xuống dưới háng, đầu gối và thậm chí là cả mắt cá chân. 

Để giảm đau nhức, cần phải chú ý nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung canxi cho cơ thể. Đối với những bệnh nhân đau nặng lâu ngày, các bác sĩ có thể khuyên phẫu thuật cắt bỏ xương cụt.

Lê Cao (T/h)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại