Một con tàu ngầm hiếm khi bị chìm tới hai lần. Bởi vì một khi bị chìm xuống, lòng biển sâu sẽ trở thành mồ chôn của chúng. Đôi khi, người ta có thể trục vớt lên, nhưng chúng cũng không thể phục vụ hay đóng góp gì thêm nữa.
Dù vậy vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Sau khi bị đánh chìm, con tàu ngầm này đã có cơ hội hoạt động trở lại nhưng có vẻ như số phận "tàn khốc" vẫn không chịu buông tha. Đó chính là con tàu ngầm K-429 của Hải quân Liên Xô cách đây hơn 40 năm về trước.
Tai nạn đầu tiên
K-429 gia nhập Hải quân Liên Xô vào năm 1972, và chỉ một năm sau, tàu ngầm này đã phải trải qua lần đại tu đầu tiên. Nhưng vấn đề thực sự vẫn còn chờ ở phía trước.
Tàu ngầm K-429 của Hải quân Liên Xô.
Vào tháng 6/1983, đoàn thủy thủ của con tàu này nhận được mệnh lệnh là sẽ huy động tàu ra khơi để sử dụng trong các trận diễn tập quân sự. Nhưng quyết định này đã gây sốc cho các thủy thủ, vì quá trình tu sửa con tàu vào thời điểm đó vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương thì bỏ ngoài tai mọi thứ. Hạm đội đã thất bại trong mọi khâu chuẩn bị, và các đô đốc muốn tất cả những con tàu có thể chiến đấu sẽ ra khơi.
Các thuỷ thủ đoàn của con tàu đã cố gắng phàn nàn nhưng đều bất thành. Oleg Yerofeev, đô đốc của con tàu ngầm K-429, đã nói với Alexey Gusev (một trong những sỹ quan ở trên tàu) chỉ với một câu: “Cậu có run sợ không, người anh hùng?”.
Con tàu K-429 thực sự không có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi ra khơi. Trong lần làm nhiệm vụ đầu tiên ở vịnh Sarannaya, khởi hành từ Bán đảo Kamchatka (thuộc Liên Xô) vào ngày 24/6/1983, một phần của con tàu ngay lập tức bị ngập nước và khiến cho 14 thuỷ thủ thiệt mạng.
K-429 bị chìm sâu 40 mét dưới đáy biển nhưng thực sự may mắn khi con tàu không bị chìm ở vùng biển mở, nơi mà nước có thể sâu hơn gấp 10 lần. Kết quả là 106 thuỷ thủ đã sống sót an toàn sau lần đó.
Các thủy thủ đã bị nhốt trong một con tàu ngập nước mà không có đủ vật dụng tiếp tế cho họ. Đáng sợ hơn cả, không một ai trong Tổng bộ Hải quân có sự cảnh giác với thảm hoạ này. Do lý do kĩ thuật nên con tàu không thể gửi đèn báo hiệu lên trên bề mặt được.
Trục vớt và thăm dò
Hai thuỷ thủ đã được đưa lên bề mặt thông qua đường phóng ngư lôi. May mắn thay, họ đã gặp được một con tàu tuần tra, và chẳng mấy chốc tàu cứu hộ đã có mặt ở khu vực mà con tàu K-429 gặp nạn.
Sau khi những người thợ lặn tiếp tế thiết bị và dụng cụ cho các thuỷ thủ, tất cả đã rời khỏi con tàu bị chìm qua lỗ phóng ngư lôi và qua những nơi không ngập nước.
"Bạn sẽ không thể tưởng tượng được cái lúc mà chúng tôi phải vẫy vùng trong bóng tối, trong cái lỗ để phóng ngư lôi mà chỉ dài gần 9 mét và rộng có 53 cm. Trong một thoáng, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thoát ra được cái ống sắt khổng lồ này. Nỗi sợ bắt đầu tràn ngập tâm trí bạn, luẩn quẩn trong đầu bạn và dần dần làm bạn nhụt chí." - Nikolay Suvorov, hạm trưởng tàu ngầm kể lại.
Trong quá trình giải cứu con tàu đã có thêm hai thủy thủ bị thiệt mạng và nâng tổng số người thiệt mạng trong vụ chìm tàu này lên đến 16 người.
Trong phiên toà xét xử ngay sau vụ việc, Suvorov đã tự thừa nhận và đã bị gán cho toàn bộ trách nhiệm trong vụ chìm tàu này. Ông đã bị tuyên án 10 năm tù giam, nhưng đã được hưởng ân xá vào năm 1987. Cho đến khi qua đời vào năm 1998, Suvorov đã cố gắng phục hồi lại con tàu nhưng không thành công.
"Thảm họa" vẫn chưa chấm dứt
Người thuỷ thủ cuối cùng rời khỏi tàu đã đóng sập cửa hầm lại. Do đó, phần bên trong vẫn an toàn và không bị tràn nước vào, và điều này cũng giúp người ta có thể trục vớt con tàu lên.
Vụ giải cứu có sự tham gia của 24 con tàu và 152 thợ lặn, tất cả đều được gửi đến từ nơi của Liên Xô. Chỉ sau 40 ngày, thời gian ngắn kỉ lục cho một vụ chìm tàu, K-429 đã được trục vớt lên và kéo về căn cứ.
K-429 đang trong giai đoạn sửa chữa.
K-429 đã được tu sửa lại trong nhiều năm khiến chính phủ Liên Xô tiêu tốn tới khoảng 300 triệu rúp (hơn 108 tỷ VNĐ - qua lạm phát). Tuy nhiên, vào ngày 13/9/1985, con tàu một lần nữa chìm ngay trước bến cảng của nhà máy sửa chữa khi việc sửa chữa đã hoàn thành tới 80%. Tai nạn xảy ra do sự sơ suất của nhân viên, nhưng may mắn là không có ai bị thương.
Sau đó, K-429 không được sử dụng như là tàu ngầm nữa, mà thay vào đó là chuyển thành tàu huấn luyện. Vài năm sau đó, con tàu này bị tháo dỡ và bị lãng quên giống như một cơn ác mộng.
Tham khảo ảnh/nguồn: RBTH