Mới đây, giới khảo cổ ở Peru đã khám phá ra một bức tường cổ với hình chạm khắc trông giống như emoji thời hiện đại. Bức tường được cho là có niên đại 3.800 năm, từ nền văn minh Caral - nền văn minh lâu đời nhất nổi tiếng nhất ở thời kỳ Tân Thế Giới.
Nhưng liệu đằng sau vẻ ngoài kỳ khôi này có mang một thông điệp nào không?
Những "emoji" cổ nhất trên bức tường ở Peru
Theo ghi nhận của hãng truyền thông Deutsche Welle, bức tường phù điêu này được phát hiện bởi nhóm Khảo cổ khu vực Caral (ZAC) tại khu phức hợp khảo cổ Vichama ở Supe Valley, khoảng 180km về phía bắc thủ đô Lima, Peru.
Có niên đại từ thời kỳ Late Archaic (từ năm 3.000 - 1.800 TCN) ở vùng Central Andes, nơi đây từng quê hương của nền văn minh Caral hay còn được biết đến với tên gọi Norte Chico - được coi là nền văn minh lâu đời nhất ở châu Mỹ.
Caral - nền văn minh phát triển rực rỡ ở khu vực hợp lưu của ba con sông, Fortaleza, Pativilca, và Supe
Tại thời kỳ phát triển nhất, ước tính có khoảng 3.000 người sống tại khu phức hợp này - nơi có các khu nhà và một ngôi đền lớn.
Các cuộc khai quật tại Vichama bắt đầu diễn ra vào năm 2007. Từ đó các nhà khảo cổ học bắt đầu khám phá ra những thứ đưa chúng ta ngược dòng thời gian trở về hàng ngàn năm trước.
Bức tường cao 1 - 3m, được làm từ adobe - một loại chất liệu từ hỗn hợp bùn khô và rơm dùng để xây nhà.
Bức phù điêu khắc họa 4 đầu người với đôi mắt nhắm lại. Hai con rắn bao bên ngoài hướng đến cái đầu thứ năm ở trung tâm.
Chiếc đầu này không phải đầu người mà được cho là biểu tượng hạt giống mọc lên khỏi đất. Bức phù điêu này có lẽ khắc họa thời kỳ hạn hán và thất thu mùa màng ở nơi đây.
Nhà khảo cổ học Shady Solís cho biết, những bức phù điêu này tượng trưng cho sự kết tinh sự sống trên Trái đất. Rắn đại diện cho các vị thần, liên kết với nguồn nước chảy vào Trái đất làm hạt giống nảy mầm.
Sau này người dân Caral bỏ đi và vùng đất này bị bỏ hoang còn các nhà khảo cổ học ở đây vẫn tiếp tục miệt mài với công việc. Biết đâu một ngày nào đó, bên dưới lớp đất hàng ngàn năm kia là một nền văn minh chưa từng được chúng ta biết đến.
Tham khảo: Gizmodo