Hơn 2.000 năm trước, khi người La Mã xâm chiếm Ai Cập vào thế kỷ 1 trước Công Nguyên, họ đã du nhập vào đây một loại hình nghệ thuật được gọi là "panel painting" hay tranh vẽ trên gỗ miếng. Người Ai Cập sau đó đã sử dụng chính loại hình nghệ thuật này để thay thế cho những tấm mặt nạ chân dung bằng các tông, thứ mà họ vẫn hay đặt bên ngoài phần đầu của những xác ướp để mang đến sức sống cho chúng.
Khác với những tấm mặt nạ bằng bìa trộn với thạch cao chỉ có thể mô tả lại được những khuôn mặt hoạt hình, tranh vẽ trên gỗ gần như có thể chụp lại khuôn mặt siêu thực của xác ướp, biến nó trở thành thứ công nghệ khắc họa chân dung người chi tiết hơn bao giờ hết ở thời điểm đó.
Panel painting du nhập vào Ai Cập từ thời La Mã cai trị
Một xác ướp trước khi an táng sẽ được vẽ lại chân dung trên gỗ. Người ướp xác sau đó sẽ đặt mảnh gỗ lên trên phần đầu, che lấp vị trí có khuôn mặt thực của xác chết. Họ nẹp khung xung quanh bức tranh rồi quấn vải lên toàn bộ xác ướp chỉ để hở đúng vị trí bức vẽ.
Những xác ướp loại này được gọi một cái tên riêng là "Fayum mummy portraits", hay xác ướp chân dung lưu vực Fayum (hay Faiyum), một khu vực phía Tây sông Nile nơi mà chúng được tìm thấy nhiều nhất. Nhìn từ xa, có cảm giác những xác ướp chân dung Faiyum chỉ như một người còn sống nằm trong túi ngủ.
Các nhà khảo cổ học ước tính có tới hàng ngàn xác ướp chân dung Faiyum ở Ai Cập. Nhưng phần lớn trong số chúng đã bị bóc mất tấm gỗ trên mặt. "Hiện chỉ có khoảng 100-150 tấm chân dung còn gắn liền với xác ướp", Stuart Stock, giáo sư nghiên cứu về tế bào và sinh học phát triển tại Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, Chicago, cho biết.
Một trong số những xác ướp này hiện đang được bảo quản trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Northwestern. Nhiệm vụ mà họ được giao là phải làm sao vừa bảo tồn được những xác ướp này nguyên vẹn, vừa có thể nghiên cứu được những gì có bên trong đó.
Một xác ướp có khuôn mặt người thật được lưu trữ tại bảo tàng ghệ thuật Đại học Northwestern
Và để nhìn xuyên được qua những lớp vải đang băng kín xung quanh xác ướp này, như thường lệ, các nhà khoa học như giáo sư Stock sẽ dùng đến tia X. Có điều, kỹ thuật mà họ sử dụng tia X lần này là một kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng tới: nhiễu xạ kết hợp với chụp cắt lớp CT máy tính.
Kỹ thuật mới giúp nhìn xuyên thấu qua xác ướp
Khi đến bệnh viện và bước vào nằm trong một cái máy chụp CT cắt lớp, bạn sẽ nghe thấy cỗ máy phát ra những tiếng ro ro như có một cái cánh quạt quay xung quanh người mình. Đó chính là những súng phát tia X và mỗi vòng quay ấy, chúng lại bắn ra các chùm tia vô hình mang năng lượng cao có thể xuyên thấu qua cơ thể bạn.
Phía đối diện của súng bắn, một cảm biến sẽ thu thập các tia X xuyên qua, tái tạo lại đường đi của chúng và tạo ra một bức ảnh cắt lát 2D của cơ thể bạn. Nhiều lớp ảnh 2D này chồng lên nhau, máy tính sẽ tạo ra được một bức ảnh 3D giúp các bác sĩ nhìn thấy tổng thể cơ thể bạn ra sao, tìm ra các tổn thương bên trong xương hoặc cấu trúc mô mềm.
Xác ướp được đưa lên máy quét tia X
Trong các nghiên cứu xác ướp, các nhà khảo cổ học cũng sẽ mang mẫu vật của họ tới bệnh viện và đưa chúng vào trong những máy quét CT như vậy. (Đó là một thực tế mà bạn nên biết, ở một số bệnh viện mà các nhà khảo cổ hay ghé thăm, đôi khi chiếc máy chụp CT mà bạn nằm vào hôm nay đã được nằm bởi một xác ướp Ai Cập vào hôm qua).
Nhưng trong khi chụp cắt lớp CT chỉ ghi lại được những tia X bắn xuyên qua xác ướp ở phía đối diện, kỹ thuật chụp nhiễu xạ mà giáo sư Stock sử dụng còn cho phép ghi lại cả những tia X "đi lạc" ra những hướng khác nhau, đôi khi giao thoa với nhau như những gợn sóng trên mặt nước.
Phân tích các vệt nhiễu xạ này cũng có thể cho phép các nhà khoa học tái tạo lại hình ảnh 3D bên trong của xác ướp, và cộng thêm cả chất liệu làm ra chúng (điều mà chụp cắt lớp CT không thể biết).
Bởi mỗi bề mặt mà tia X bắn vào và mỗi vật liệu khác nhau có bên trong cái xác, kết quả nhiễu xạ sẽ đều có các đặc trưng khác nhau, suy ngược lại các đặc trưng này bằng thuật toán sẽ cho ra một hình ảnh xuyên thấu kèm theo cả vật liệu nơi mà chùm tia X bắn đến.
"Đây là lần đầu tiên nhiễu xạ tia X được sử dụng trên một xác ướp nguyên vẹn", giáo sư Stock cho biết. "Kết hợp cả chụp CT cắt lớp với nhiễu xạ tia X đem lại rất nhiều hứa hẹn cho các nghiên cứu xác ướp đòi hỏi không xâm lấn vào mẫu vật".
Kỹ thuật nhiễu xạ tia X có thể tiết lộ cả vật liệu của vật thể nằm bên trong xác ướp
Đứa trẻ 5 tuổi, những vết đinh và một tấm bùa bọ hung
Xác ướp chân dung được bảo quản tại Đại học Northwestern được ký hiệu là "Hawara Portrait Mummy số 4". Nó đã được khai quật từ năm 1910 đến năm 1911 tại di chỉ Hawara của Ai Cập cổ đại. Khu vực này cũng thuộc lưu vực Fayum phía tây sông Nile, nơi các xác ướp chân dung được tìm thấy rất phổ biến.
Nhìn từ bên ngoài, mảnh gỗ trên đầu xác ướp số 4 này vẽ một người phụ nữ trưởng thành. Tuy nhiên, kỳ lạ là xác ướp này chỉ có kích thước của một đứa trẻ. Chiều dài từ đỉnh đầu xuống bàn chân của nó chỉ 937 mm và các lớp vải bọc thêm chỉ dày 50 mm. Đó là lý do mà các nhà khoa học muốn xác nhận bên trong cái xác thực sự là một đứa trẻ hay một phần cơ thể của một người phụ nữ.
Giáo sư Stock đã chiếu những tia X CT một lượt từ trên xuống dưới để xác định cấu trúc của nó. Kết quả cho thấy đây là cơ thể của một đứa trẻ. Hộp sọ cho thấy thậm chí răng vĩnh viễn của đứa trẻ này còn chưa mọc. Phân tích kết quả CT ở đùi cho thấy đó là một đứa trẻ mới chỉ 5 tuổi.
Không có bất kỳ tổn thương trên xương nào được ghi nhận, khiến cho nguyên nhân gây ra cái chết cho đứa bé vẫn còn là điều bí ẩn. Các nhà khoa học chỉ biết có thể đó là một cái chết nhẹ nhàng, không đau đớn.
Sau khi xác định được tổng quan cấu trúc xác ướp bằng tia X CT, các nhà khoa học phát hiện một số cấu trúc dị thường và đã chiếu một luồng tia X mảnh làm nhiệm vụ nhiễu xạ vào đó. Thông thường, các phép chụp CT trước đây có độ phân giải thấp và sẽ không cho phép nhìn vào các cấu trúc nhỏ này.
Mặc dù được vẽ mặt của một người phụ nữ trưởng thành, xác ướp nằm bên dưới khuôn mặt này lại là một đứa trẻ mới 5 tuổi, chưa mọc răng vĩnh viễn.
Chẳng hạn như trên bụng của cái xác, giáo sư Stock phát hiện ra một vật thể hình elip dài khoảng 7 mm. Họ đặt tên nó là "Inclusive F". Các tia X nhiễu xạ lần đầu tiên cho biết vật liệu của hình elip này, nó được làm từ calcite, một dạng đá vôi ổn định nhất được tìm thấy trong tự nhiên.
"Vật thể mờ đục này có hình dạng phù hợp với một con bọ hung", giáo sư Stock giải thích. Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, "bọ hung là biểu tượng của sự tái sinh".
Có khả năng, con bọ hung này đã được để lên bụng của đứa trẻ như một tấm bùa. Thông thường, những người ướp xác Ai Cập sẽ để những mảnh bùa của mình lên phần thi thể bị hư hại trong khi thực hiện thủ thuật. Lá bùa này được quan niệm sẽ bảo vệ được điểm yếu trên cơ thể người chết khi sang thế giới bên kia, giáo sư Stock giải thích thêm.
Ngoài ra, nhiễu xạ tia X cũng phát hiện ra 36 cấu trúc giống những chiếc kim xung quanh xác ướp. 11 trong số đó xuất hiện ở vùng cổ và đầu, 20 chiếc kim có ở gần bàn chân và 5 chiếc còn lại trên thân người.
Vật liệu để làm ra những chiếc kim hoặc đinh ghim này là kim loại, nhưng giáo sư Stock cho biết dường như những chiếc kim này rất mới, chỉ mới được xuyên vào bên trong cái xác từ 1 thể kỷ trước.
Bên trong xác ướp có những chiếc đinh kim loại còn rất mới, dường như được xuyên vào khoảng 100 năm trước.
Không rõ ai đã làm điều này và để làm gì. Giáo sư Stock cho biết: "Mỗi khi thực hiện một nghiên cứu như thế này, bạn sẽ nhận được nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời". Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục cải thiện các phép chụp tia X của mình để tăng độ phân giải của chúng. Khi đó, sẽ có nhiều bí ẩn của xác ướp Ai Cập hơn được giải đáp.
Các phép chụp bằng tia X trong tương lai được hi vọng sẽ tiết lộ cả những cấu trúc tinh vi hơn bên trong xác ướp, thậm chí bao gồm cả các họa tiết được chạm khắc trên đồ vật mà không cần mở chúng ra.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface .
Tham khảo Sciencealert, Phys, CNN