Bí ẩn bảo vật 27 tấn của sủng phi Đường Huyền Tông: Được bán với giá 1 triệu USD

Nguyễn Hằng |

Chiếc quách bằng đá nặng tới 27 tấn từng bị mộ tặc đánh cắp này được coi là tuyệt tác hiếm thấy của Trung Quốc.

Đường Huyền Tông hay Đường Minh Hoàng là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng góp phần tạo nên giai đoạn thịnh trị của triều đại nhà Đường (618-907). Cuộc đời của vị hoàng đế có tài trị quốc này không chỉ gắn liền với nhiều binh biến nổi tiếng, mà còn là quân vương đa tình, trong đó có không ít câu chuyện nổi tiếng liên quan đến Dương Quý phi, người được coi là một trong tứ đại mỹ nhân trong lịch sử Trung Hoa.

Sở hữu sắc đẹp được ví như Tu hoa (tức là khiến cho hoa thu mình lại vì hổ thẹn), nhiều người có thể cho rằng Dương Quý phi chính là người khiến Đường Huyền Tông say đắm cả một đời. Tuy nhiên, dựa trên những ghi chép lịch sử nổi tiếng về triều nhà Đường, trước Dương Quý Phi, người phụ nữ rất được Đường Huyền Tông sủng ái, thậm chí có tới 7 đứa con (4 hoàng tử, 3 công chúa) với bà chính là nữ nhân họ Võ, sử gọi là Võ Huệ phi.

Võ Huệ phi xuất thân từ gia tộc danh giá và chính là cháu họ ngoại của Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, đồng thời là bà nội của Đường Huyền Tông (tức Lý Long Cơ).

Bí ẩn bảo vật 27 tấn của sủng phi Đường Huyền Tông: Được bán với giá 1 triệu USD - Ảnh 1.

Võ Huệ phi là một trong những phi tần rất được Đường Huyền Tông yêu thương.

Địa vị của Huệ phi được ví như hoàng hậu, cả một đời của giai nhân tuyệt sắc này đã chiếm trọn sự sủng ái của Đường Huyền Tông. Thậm chí, sau khi hay tin bà qua đời vào năm 737, vị hoàng đế nổi tiếng của nhà Đường vô cùng đau buồn và thương tiếc.

Điều này cũng không lấy làm lạ khi lăng mộ của Huệ phi được chuẩn bị kỹ lưỡng và bối táng nhiều đồ vật quý giá. Đây chính là một trong những thứ rất thu hút mộ tặc nhòm ngó.

Chiếc quách 27 tấn bị đánh cắp và 4 năm lưu lạc nơi xứ người

Một trong số đó là chiếc quách bằng đá nặng tới 27 tấn. Theo đó, bảo vật này dài 4 mét, rộng 2 mét và cao khoảng 2 mét. Trên đó còn có nhiều hình khắc hoa và thiếu nữ. Chiếc quách được tạo tác tinh xảo với mái vòm, cửa ra vào, cửa sổ,... và trông giống như một cung điện thu nhỏ.

Bí ẩn bảo vật 27 tấn của sủng phi Đường Huyền Tông: Được bán với giá 1 triệu USD - Ảnh 3.

Chiếc quách khổng lồ nặng tới 27 tấn này từng bị mộ tặc đánh cắp và rao bán cho một doanh nhân ở Mỹ. Ảnh: Sina

Vì quy mô lớn cùng với việc được chôn cất trong thời kỳ thịnh trị của nhà Đường nên chiếc quách khổng lồ này nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của những kẻ trộm mộ liều lĩnh. Cụ thể, đám mộ tặc đã đánh cắp chiếc quách từ ngôi mộ của Huệ phi, nằm ở ngoại ô phía nam của thành phố Tây An, tỉnh Thiêm Tây, vào năm 2006.

Theo ông Liu Daiyn, giám đốc phòng nghiên cứu của Viện khảo cổ ở tình Thiểm Tây, nhận định: "Chiếc quách của huệ phi là một di vật có giá trị khoa học, lịch sử và nghệ thuật cao". Do vậy, việc để mất hay để những kẻ trộm mộ xâm phạm là một tổn thất không hề nhỏ.

Mặc dù cảnh sát ở Tây An đã phát hiện ra chiếc quách nặng 27 tấn vào tháng 2/2006 trong cuộc điều tra về một vụ trộm mộ.

Ngay sau khi cảnh sát thu giữ chiếc máy tính có chứa một số hình ảnh về chiếc quách đá ở trong nhà của một nghi phạm, và xem xét ảnh, các nhà khảo cổ học đã nhanh chóng xác định được nguồn gốc của di vật này. Đó là chiếc quách của Võ Huệ phi, sủng phi rất được Đường Huyền Tông yêu mến.

Thế nhưng sau hai năm điều tra, lực lượng cảnh sát tại Tây An lại phát hiện chiếc quách khổng lồ hơn 1.000 năm tuổi đã được đưa ra khỏi Trung Quốc và được bán cho một doanh nhân ở Mỹ với giá tới 1 triệu USD.

Phía cảnh sát tham gia điều tra cho biết, sau ba lần đàm phán, vị doanh nhân ở Mỹ đã chấp nhận trao trả lại "bảo vật" trong lăng mộ Võ Huệ phi một cách vô điều kiện.

Kết quả thật may mắn. Vào ngày 16/3/2010, chiếc quách khổng lồ nặng 27 tấn đã được trả về Trung Quốc bằng cách đưa lên tàu. Con tàu di chuyển từ tiểu bang Virginia (Mỹ) và cuối cùng đã cập bên tới tỉnh Quảng Châu vào ngày 17/4 cùng năm.

Bí ẩn bảo vật 27 tấn của sủng phi Đường Huyền Tông: Được bán với giá 1 triệu USD - Ảnh 5.

Bảo vật này được đưa về Trung Quốc vào năm 2010 và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây.

Cuối cùng, sau 4 năm lưu lạc nơi "đất khách", chiếc quách của Huệ phi, một trong những người phụ nữ chiếm trọn tình cảm của hoàng đế Đường Huyền Tông, đã được trở lại quê hương. Bảo vật mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của triều đại nhà Đường hiện đang được lưu giữ và trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây.

Chính nhờ lợi nhuận cao cùng nhu cầu cổ vật của những "đại gia" trên thế giới đã vô tình thúc đẩy nhiều trường hợp đào trộm và đánh cắp cổ vật tại các ngôi mộ cổ ở Trung Quốc.

Võ Huệ phi, mỹ nhân "sắc nước hương trời" khiến Đường Huyền Tông cả đời mê đắm là ai?

Khác với những phi tần khác trong hậu cung, Võ Huệ phi có xuất thân trong một gia tộc hiển hách. Bà cũng chính là một người cháu của Võ Tắc Thiên. Huệ phi được cho là sinh vào năm 699, thời điểm mà nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên đang trị vì.

Võ thị tiến cung từ khi còn nhỏ. Trong cuốn "Cựu Đường thư", bà là nữ nhân nổi bật với nhan sắc diễm lệ, không những giỏi ca múa mà lại còn thông hiểu kinh sử. Chính vì điều này nên nhanh chóng được Đường Huyền Tông (khi đó là Lâm Tri vương Lý Long Cơ) chú ý tới.

Từ nữ nhân mới nhập cung cho tới Tiệp dư, Võ thị ngày càng nhận được nhiều sủng ái và được Đường Huyền Tông tấn phong làm Huệ phi. Bà trở thành cung phi đứng đầu trong số những phi tần trong hậu cung của vị hoàng đế nổi tiếng, đặc biệt là sau khi Vương hoàng hậu bị hạ bệ vì không thể sinh con.

Bí ẩn bảo vật 27 tấn của sủng phi Đường Huyền Tông: Được bán với giá 1 triệu USD - Ảnh 7.

Võ Huệ phi rất được Đường Huyền Tông sủng ái. Bà sinh được 7 người con cho hoàng đế. Ảnh minh họa

Suốt một thời gian dài đắc sủng, Huệ phi là phi tần rất được Đường Huyền Tông yêu thương. Thậm chí, ông còn nhiều lần định lập bà làm hoàng hậu, nhưng bị triều thần kiên quyết phản đối. Dù vậy, nhưng trong cuốn "Tân Đường thư" cũng có ghi chép về vị thế cao quý của Huệ phi trong hoàng cung nhà Đường. Cụ thể, sau khi Vương hoàng hậu bị phế truất, Võ thị được phong làm Huệ phi và những nghi lễ đều được dùng như Hoàng hậu.

Tuy nhiên, do lo ngại cho địa vị của con trai là Thọ vương Lý Mạo nên Võ Huệ phi đã âm thầm thực hiện mưu kế hãm hãi ba vị hoàng tử của Đường Huyền Tông, khiến cho họ bị vua cha phế truất và bị ép phải tự sát.

Sau đó không lâu, vào năm Khai Nguyên thứ 25 (tức năm 737), Võ Huệ phi bỗng nhiên lâm bệnh và không may qua đời khi chưa tới 40 tuổi.

Trong cuốn Cựu Đường thư có ghi chép, khi hay tin Huệ phi qua đời, Đường Huyền Tông đã vô cùng tiếc thương và thậm chí truy phong cho sủng phi của mình là Trinh Thuận hoàng hậu mặc dù chưa hề được sắc phong khi còn sống. Võ Huệ phi được an táng tại Kính lăng, cách Trường An khoảng 30km. Chưa hết, vị hoàng đế này còn cho lập miếu thờ và thương tiếc ái phi suốt một thời gian dài.

Được biết, sau ngày Võ Huệ phi qua đời, Đường Huyền Tông tỏ ra vô cùng chán nản, thậm chí còn không màng tới 3.000 giai nhân trong hậu cung cho tới khi gặp gỡ Dương Quý phi (còn gọi là Dương Ngọc Hoàn), vương phi của Thọ vương, tức là con dâu của ông.

Đáng chú ý là Dương Quý phi nổi danh trong lịch sử với nhan sắc mỹ miều cũng chính là con dâu của Võ Huệ phi.

Tuy nhiên, cho tới tận khi qua đời, Dương Quý phi vẫn mãi chỉ là một quý phi và không hề nhận được đặc ân truy phong là hoàng hậu giống như mẹ chồng của mình. Điều này khiến nhiều học giả cho rằng, Võ Huệ phi thực sự mới là nữ nhân có được trái tim của Đường Minh hoàng, khiến cho ông cả một đời thương nhớ.

Tham khảo ảnh/nguồn: Chinadaily, Kknews


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại