Các " vòng tròn cổ tích " nổi tiếng nhất được biết đến là ở vùng sa mạc thuộc địa phận Namibia, miền Nam châu Phi, đa số có đường kính từ vài mét đến trên khoảng 15 mét.
Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences đã phân tích bộ dữ liệu chứa hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao về các vùng đất khô cằn, lượng mưa ít trên khắp thế giới.
"Vòng tròn cổ tích" ở Namibia - Ảnh: CNN
Các mô hình mang tính chất "vòng tròn cổ tích" được xác định nhờ một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi, đánh giá gần 575.000 lô đất trên khắp thế giới, mỗi lô khoảng 1 ha.
Theo CNN, cuộc tìm kiếm của nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Emilio Guirado từ Viện Nghiên cứu môi trường đa ngành thuộc Đại học Alicante (Tây Ban Nha) đã chỉ ra ngoài những "vòng tròn cổ tích" xuất hiện rõ ràng như ở vùng sa mạc của Namibia, cấu trúc bí ẩn này còn tồn tại khắp thế giới.
Tổng cộng có 263 cụm gồm nhiều cấu trúc tương tự xuất hiện ở khắp châu Phi (vùng Sahel, Tây Sahara và Sừng châu Phi), khu vực Madagasca và Trung Tây Á, miền Trung và Tây Nam nước Úc.
Theo các tác giả, phân tích dữ liệu chi tiết về môi trường nơi các "vòng tròn cổ tích" ngoài Namibia xuất hiện có thể gợi ý nguyên nhân hình thành chúng.
Tất cả các nơi này đều có điểm chung là vùng đất cát rất khô, độ kiềm cao, hàm lượng ni-tơ thấp.
Dường như các mô hình giống như vòng tròn này là một cách hệ sinh thái tự bảo vệ mình, tăng khả năng chống chịu của khu vực trước những xáo trộn như lũ lụt hoặc hạn hán khắc nghiệt.
Các yếu tố tạo thành "vòng tròn cổ tích" ở mỗi khu vực mang nhiều đặc tính riêng biệt. Riêng ở Namibia, nơi các vòng tròn nổi tiếng nhất, thủ phạm có thể là một số loài thực vật, trong khi động vật như mối đóng vai trò thấp.
Trong khi đó, các vòng tròn ở Úc được tạo nên bởi các cơ chế hỗn hợp của mối - cỏ - đất - nước, theo giả thuyết được đưa ra từ một nghiên cứu độc lập trước đó của TS Fiona Walsh từ Đại học Tây Úc. Còn thổ dân Tây Úc từ nhiều thế hệ vẫn cho rằng đó là sản phẩm của mối.