Bị ám ảnh với nỗi đau mà mẹ gánh chịu bởi vòng tránh thai, cô gái dành 10 năm ghi lại chứng tích mà hàng triệu phụ nữ Trung Quốc phải trải qua

JIA YOU |

Năm 2011, Zhou Wenjing phát hiện ra mẹ cô đã bị cưỡng ép đặt vòng tránh thai ngay sau khi cô chào đời. Kể từ đó, Zhou bắt đầu tìm hiểu các chính sách kiểm soát việc sinh đẻ của Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ nước mình.

Trong một góc của phòng trưng bày ở Bắc Kinh, người ta nhìn thấy hàng trăm sợi dây đồng xoắn được treo trước tấm vải nhung xanh. Dưới ánh đèn lờ mờ dịu nhẹ, những sợi dây đồng này trông đẹp một cách kỳ lạ.

Thoạt đầu nhìn vào, ai cũng nghĩ đây là đồ trang sức nhưng trên thực tế, chúng là những thiết kế cho vòng tránh thai - dụng cụ tránh thai phổ biến được sử dụng ngăn phụ nữ sinh nhiều con trong những năm Trung Quốc áp dụng chính sách một con.

Những chiếc vòng tránh thai được Zhou thiết kế một cách tinh xảo và tỉ mỉ. 

Trong gần một thập kỷ, người phụ nữ 31 tuổi này đã không ngừng chăm chỉ làm việc để phản ánh sự ảnh hưởng của nỗ lực hạn chế gia tăng dân số của Trung Quốc đến phụ nữ nước này.

Bị ám ảnh với nỗi đau mà mẹ gánh chịu bởi vòng tránh thai, cô gái dành 10 năm ghi lại chứng tích mà hàng triệu phụ nữ Trung Quốc phải trải qua - Ảnh 1.
Bị ám ảnh với nỗi đau mà mẹ gánh chịu bởi vòng tránh thai, cô gái dành 10 năm ghi lại chứng tích mà hàng triệu phụ nữ Trung Quốc phải trải qua - Ảnh 2.

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu ra lệnh cho các gia đình chỉ được có một con vào cuối những năm 70. Sau đó, điều này phát triển thành một chính sách trên toàn quốc, và những ai vượt qua giới hạn sinh đẻ sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc.

Vòng tránh thai được xem là công cụ được bộ máy kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc ưa chuộng. Các bà mẹ mới sinh thường được yêu cầu đặt vòng ngay sau đó. 

Theo số liệu chính thức, từ năm 1980 đến năm 2014, ước tính có 324 triệu phụ nữ Trung Quốc đã đặt vòng tránh thai.

Là một đứa trẻ lớn lên ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, Zhou Wenjing hầu như không biết gì về việc này. Chỉ đến khi mẹ Zhou đột ngột nhập viện vào năm 2011 thì cô mới nhận ra sự thật.

Lúc này, Zhou phát hiện mẹ cô đã sống với vòng tránh thai hơn 20 năm, điều này có nghĩa trong suốt thời gian qua, chiếc vòng này đã dính chặt vào da thịt bà. 

Khi bác sĩ lấy nó ra, mẹ Zhou bị xuất huyết và cần phải phẫu thuật để bớt tổn thương.

Sự việc này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí Zhou, khi đó cô mới ngoài 20 tuổi. 

Trong những năm tiếp theo, Zhou bắt đầu nghiên cứu kỹ về các biện pháp kiểm soát dân số của Trung Quốc và phỏng vấn 50 phụ nữ đã đặt vòng tránh thai.

Bị ám ảnh với nỗi đau mà mẹ gánh chịu bởi vòng tránh thai, cô gái dành 10 năm ghi lại chứng tích mà hàng triệu phụ nữ Trung Quốc phải trải qua - Ảnh 3.

Năm 2014, Zhou đã hoàn thành dự án mang tên “Woman Series: IUD” (Bộ sưu tập vòng tránh thai của phụ nữ), với hơn 300 vòng tránh thai thủ công do chính cô tự tay thiết kế và nhận được sự quan tâm của mọi người.

Một năm sau, chính sách một con của Trung Quốc chính thức kết thúc, mỗi gia đình được nới lỏng để có hai con. Tuy nhiên, vòng tránh thai vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ, và in sâu vào ký ức của hàng triệu phụ nữ.

“Woman Series: IUD” đã được triển lãm nhiều lần ở Trung Quốc, gần đây nhất là tại Trung tâm Nghệ thuật Staw ở Bắc Kinh vào tháng 7 và tiếp tục thu hút sự chú ý lớn đối với dư luận trong nước.

Jiang Jinjing, một nhà bình luận nổi tiếng về nữ quyền đã viết trên Weibo sau khi nhìn thấy những thiết kế của Zhou vào tháng 6 vừa qua: “Dù chúng rất đẹp, nhưng càng nhìn vào tôi càng cảm thấy sợ hãi”.

Từ năm 2015, Zhou đã sống ở Pháp và hoàn thành chương trình học Thạc sĩ tại L’École Supérieure des Beaux-Arts de Nantes Métropole vào năm 2017. Những trải nghiệm trong cuộc đời người phụ nữ vẫn là trọng tâm chính trong công việc của Zhou.

Dự án “Red Series” của Zhou là một trong những đề án tốt nghiệp được cô hoàn thành một cách xuất sắc. Bộ sưu tập này có dao phẫu thuật, bụng bầu, thuốc tránh thai và vòng tránh thai - tất cả đều mang màu sắc đỏ thẫm. 

Zhou nói: “Chảy máu là trải nghiệm thể chất thường xuyên nhất ở phụ nữ. Bất kể đó là kinh nguyệt, sinh nở, chấn thương hay bệnh tật”.

Chia sẻ với Sixth Tone qua điện thoại từ Pháp, Zhou đã nói về những tác phẩm phản ánh giới tính, quyền lực và thể chất. Bài phỏng vấn được chỉnh sửa ngắn gọn và rõ ràng như sau:

Bị ám ảnh với nỗi đau mà mẹ gánh chịu bởi vòng tránh thai, cô gái dành 10 năm ghi lại chứng tích mà hàng triệu phụ nữ Trung Quốc phải trải qua - Ảnh 4.

Điều gì đã truyền cảm hứng cho cô trong việc thiết kế vòng tránh thai?

Năm 2011, mẹ tôi đã đến bệnh viện để tháo vòng tránh thai đặt từ hơn 20 năm trước. 

Nhưng khi nó được lấy ra, bà đã bị băng huyết, kéo theo nhiều bệnh phụ khoa khác xuất hiện. Bà đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và phải đến bệnh viện kiểm tra hằng năm.

Và đó là lần đầu tiên tôi biết đến vòng tránh thai. Lúc đầu, tôi nghĩ điều này chỉ ảnh hưởng đến mỗi gia đình của tôi thôi, nhưng sau đó khi tôi bắt đầu hỏi những người xung quanh bao gồm đồng nghiệp của mẹ, người thân... thì tôi đã dần hiểu được đây là một hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc. 

Tôi nhận ra đây có thể trở thành một vấn đề xã hội quan trọng trong tương lai.

Trước khi tạo ra các tác phẩm, cô đã phỏng vấn 50 phụ nữ đã đặt vòng tránh thai. Vậy cô đã học được gì từ trải nghiệm này?

Cả 50 người phụ nữ đó bao gồm những người như mẹ tôi đã từng sống theo chính sách triệt sản cưỡng bức và một số phụ nữ trẻ tự đặt vòng tránh thai, họ đưa ra nhiều quan điểm trái chiều.

Những người lớn tuổi, người sinh ra vào những năm 60, 70, nói với tôi rằng việc đặt vòng tránh thai là một hình thức bạo lực. 

Thời đó, khả năng tiếp cận thông tin khá hạn chế nên họ không biết chăm sóc cơ thể sau khi đặt vòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít người cho biết họ nhìn thấy được mặt tích cực của vòng tránh thai.

Có một điều tôi phát hiện ra trong các cuộc phỏng vấn, những người phụ nữ chia sẻ rằng thời điểm đó họ chỉ được yêu cầu đặt vòng tránh thai nhưng không được biết khi nào tháo chúng ra. 

Thông thường, những người phụ nữ sẽ tháo vòng sau khi mãn kinh hoặc một lúc nào đó, họ tự nhận ra bản thân không cần đặt vòng nữa.

Những cuộc phỏng vấn với phụ nữ trẻ tuổi làm tôi ngạc nhiên nhất. Hầu hết họ chọn đặt vòng tránh thai như một hình thức tránh thai đơn giản vì được người nhà và bạn bè giới thiệu. 

Trước khi đặt vòng tránh thai, họ thường không biết gì về cách hoạt động của vòng và các biến chứng sức khỏe tiềm ẩn khác.

Bị ám ảnh với nỗi đau mà mẹ gánh chịu bởi vòng tránh thai, cô gái dành 10 năm ghi lại chứng tích mà hàng triệu phụ nữ Trung Quốc phải trải qua - Ảnh 5.

Tính đến nay, cô đã thiết kế bộ sưu tập vòng tránh thai được 6 năm. Cô nghĩ thế nào về công việc của mình?

Thực ra, vào năm 2016, tôi đã thiết kế vòng tránh thai bằng một phương pháp khác bởi vì tôi cảm thấy không hài lòng với sản phẩm đầu tiên. Tôi cảm thấy thông điệp mà tôi muốn truyền tải vẫn chưa chính xác. 

Tôi nghĩ rằng một tác phẩm nghệ thuật tốt là nên truyền tải câu hỏi hơn là một câu trả lời.

Trong dự án năm 2016, tôi đã làm các tác phẩm bằng gốm sứ, để nhấn mạnh nỗi đau ghi dấu mãi mãi trên cơ thể người phụ nữ. 

Gốm sứ có kết cấu rất giống da người, tôi đã đặt vòng tránh thai vào đất sét và sau đó lấy ra và để lại dấu vết vĩnh viễn.

Cô đang cố gắng truyền tải thông điệp gì thông qua các tác phẩm về cơ thể người phụ nữ của mình , chẳng hạn như “Red Series”?

Trong quá trình tìm hiểu về cơ thể phụ nữ, tôi nhận ra nỗi đau là một phần thiết yếu trong trải nghiệm thể chất của họ. “Red Series” nói về nhận thức của bản thân, nỗi đau, tình mẫu tử và tình yêu. Ý nghĩa ban đầu của màu đỏ là máu. 

Chảy máu là trải nghiệm thể chất thường xuyên của phụ nữ, bất kể đó là kinh nguyệt, sinh con, chấn thương hay bệnh tật.

Vào năm 2016, tôi đã tạo ra 12 phôi thạch cao về cơ thể phụ nữ, nhưng không có đầu, tay, chân hoặc bất kỳ đặc điểm cá nhân nào. Tôi nhúng chúng vào mực đỏ và thấy lớp thạch cao thấm dần màu đỏ.

Lúc đầu, màu sắc này là một màu hồng nhẹ nhàng đẹp mắt, nhưng sau đó nó phát triển thành màu đỏ với một số hình dạng giống như sẹo thể hiện sự bạo lực và bệnh lý.

Cô có nghĩ rằng tất cả phụ nữ đều trải nghiệm theo cách này bất chấp sự khác biệt hay không?

Tôi đã từng suy nghĩ về vấn đề này, nhưng cuối cùng tôi cho rằng, trên thực tế không có cái gọi là kinh nghiệm tập thể. Mỗi khi tôi gặp ai đó, họ đều rất khác biệt.

Cô có cảm thấy mình là một nhà hoạt động nữ quyền hay không?

Nhiều người xem tôi là một nhà hoạt động hoặc gọi tôi là “nữ nghệ sĩ”, nhưng tôi không thích danh xưng ấy. Trên thực tế, tôi không xem mình là nhà hoạt động nữ quyền. 

Trong chủ nghĩa hoạt động vì nữ quyền ngày nay có nhiều sự khác nhau - đó là một khái niệm khá phức tạp - vì vậy tôi cảm thấy thật khó để mô tả bản thân tôi theo cách này. 

Mặc dù vậy, công việc của tôi luôn có góc nhìn về phụ nữ, và các dự án nghệ thuật đều dựa trên thân phận của chính mình - một người phụ nữ Trung Quốc.

Tôi không nói rằng các tác phẩm của mình chứa đựng sự chỉ trích mạnh mẽ. Tôi cũng không phải nhà xã hội học hay bác sĩ. 

Tôi không cố gắng giải quyết các vấn đề y tế hay xã hội, mà chỉ đặt câu hỏi và thể hiện chúng thông qua nghệ thuật. Mọi người chọn xem các tác phẩm của tôi, và sau đó đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại