'Bếp ăn thời bao cấp', chung cư 50 hộ ăn cùng một món

Lưu Minh |

Mỗi một ngày sẽ có 2 người phụ trách đi chợ cho cả khu chung cư mini gồm 50 hộ dân, tất cả những hộ dân này đều thống nhất ăn những món ăn giống hệt nhau.

Trong khi mọi người than vãn đủ kiểu vì phải đội nắng đi chợ từ sáng sớm thì chị Đào Thị Cẩm Vân ở đường Cầu Giấy (Hà Nội) lại ngồi rung đùi trong phòng điều hòa mát mẻ. 

Bởi, chuyện hôm nay gia đình ăn gì, ai đi chợ mua đồ ăn hàng ngày đã được giải quyết một cách nhanh gọn.

Chị Vân kể, mùa nóng ai cũng kinh hãi về chuyện phải chen chân vào các khu chợ đông nghẹt người, những lúc như thế có mua được mớ rau với vài lạng thịt thì người đã đầm đìa mồ hôi. 

Nghĩ vậy, hồi giữa tháng 5, sau khi họp cư dân tại khu chung cư mini nhà chị, mọi người cũng có kiến nghị nên lập nhóm cử người đi chợ hộ cho tất cả các hộ còn lại.

“Kết quả thật không ngờ, cả khu chung cư mini có tất cả 63 hộ thì có đến 50 hộ đăng ký tham gia vào kế hoạch cử người đi chợ hộ.

 Mỗi hôm cử 2 người đi vì nhóm quá đông. Tính ra, mỗi người chỉ phải phụ trách đi chợ cho 25 hộ. Thứ tự sẽ lần lượt theo từng hộ, hết một lượt lại xoay vòng lại”, chị Vân nói.

Bếp ăn thời bao cấp, chung cư 50 hộ ăn cùng một món - Ảnh 1.

Trời nắng, khu chung cư cử người đi chợ hộ

Tuy nhiên, chị Vân cũng cho biết, để nhóm hoạt động được bền lâu, người được cử đi chợ không phải quá vất vả, tất cả các gia đình đều thống nhất các món ăn trong mâm cơm nhà mình phải giống hệt nhau, từ món chính cho đến món phụ, chỉ đăng ký theo số lượng và đi kèm theo đó là số tiền tương ứng với số thịt, rau mình cần mua.

Còn thực đơn đã được lên sẵn cho khoảng 10 ngày. Hết 10 ngày lại quay vòng lại để đỡ mất công mọi người suy nghĩ. 

Nếu gia đình nào có việc bận hay thích đi ăn hàng có thể báo trước để người đi chợ biết, gia đình nào muốn mua bao nhiêu cũng cần đăng ký cụ thể vào buổi tối hôm trước.

Ví dụ, theo kế hoạch thì hôm nay mâm cơm sẽ gồm thịt ba chỉ luộc, đậu sốt cà chua, canh rau dền. Các hộ gia đình muốn ăn nhiều hay ăn ít cần đăng ký theo số lượng cụ thể.

“Đa phần tại khu chung cư này đều là các hộ gia đình trẻ đến thuê trọ, nhà nào đông thì 4 miệng ăn, không thì chỉ có 3 miệng ăn nên bữa cơm cũng đơn giản, không cầu kỳ phức tạp”. 

Chị Vân nói và cho biết, với thực đơn trên, các gia đình đa phần đặt mua khoảng 3 lạng thịt/hộ cùng 4 bìa đậu, 1 quả cà chua to, hành lá, 1 mớ rau dền. 

Tính ra hết khoảng trên 40.000 đồng/bữa. Nếu gia đình nào ăn hai bữa/ngày thì gửi mua số đồ ăn gấp đôi, không thì gửi mua ăn bữa tối.

Người đi chợ sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp số lượng rồi đi mua theo đơn. Thế nên, cũng không có gì phức tạp bởi hai người đi chợ chỉ phải mua khoảng 15kg thịt, cà chua đếm đủ 50 quả rồi cân, hành mua khoảng 1,2kg, rau mua 50 mớ. 

Sau đó, cho hết lên xe chở về, rồi đúng giờ quy định các hộ tập trung dưới tầng 1 lấy đồ ăn. Nếu chưa lấy ngay thì có thể để chiều đi làm về cũng không vấn đề gì.

Tuy nhiên, khi đi mua rau thì dễ, riêng với thịt cần phải bảo người bán cắt chia ra đúng 50 túi, nếu nhà nào lấy 3 lạng sẽ để túi màu trắng, lấy 4 lạng sẽ để túi màu hồng… để dễ nhớ, dễ trả hàng cho các gia đình. Ngoài ra, người phụ trách đi chợ hôm đó cũng thường dậy đi chợ sớm hơn, tránh trời nắng nóng, tắc đường lại ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của mình.

“Tính ra từ hôm thực hiện đến nay đã được 10 ngày, mọi người khá hào hứng và vui vẻ bởi, thay vì phải đội nắng đi chợ hay đau đầu nghĩ món ăn mỗi ngày thì giờ đây, cả tháng các hộ mới phải đi chợ một lần”, chị Vân khoe.

Chị Vân cũng cho biết, ý tưởng đi chợ cho cả khu chung cư này bắt nguồn từ việc năm ngoái, trên tầng nhà chị, các gia đình cũng thay phiên nhau đi chợ cho cả tầng. 

Năm nay, mọi người mở rộng quy mô cho toàn chung cư tham gia. Coi như là giải pháp giúp mọi người bớt cực nhọc trong khâu chợ búa khi vào mùa hè.

Cùng chung cách làm, chị Phạm Ngọc Lan ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, nhà chị cùng 7 gia đình hàng xóm khác cũng đang thực hiện kế hoạch đi chợ hộ, các gia đình ăn chung một món ăn.

“Ngày trước cứ tiện thì nhờ mua hộ mớ rau, con cá. Nhưng giờ để chia sẻ công việc cho nhau thì lập kế hoạch cụ thể, phân công cho từng người, lên thực đơn món ăn từng ngày một sao cho hợp lý. Buổi tối hôm trước, người phụ trách đi chợ sẽ qua từng nhà lấy hỏi số lượng cần mua để sáng hôm sau đi chợ sớm”, chị Lan nói.

Theo chị Lan, một số gia đình hàng xóm khác thấy cách làm của bọn chị hay, cũng có ý xin gia nhập vào nhóm. Tuy nhiên, nếu đông quá thì sẽ vất vả cho người được cử đi chợ vì phải ôm đồm quá nhiều đồ. Thế nên, các thành viên trong nhóm đang cân nhắc, và khuyên các hộ muốn xin gia nhập có thể lập gia nhóm riêng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại