Bệnh viện Mắt Moorfields ở Vương quốc Anh cho biết họ vừa lắp đặt con mắt giả in 3D đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân của mình. Người đàn ông tên là Steve Verze, một kỹ sư 47 tuổi sống ở London đã bị mất mắt trái từ nhỏ.
Cuộc phẫu thuật được thực hiện vào tuần trước và đã thành công mỹ mãn. Các bác sĩ tại Bệnh viện mắt Moorfields cho biết con mắt của Verze là con mắt giả đầu tiên trên thế giới được in hoàn toàn bằng công nghệ kỹ thuật số.
Công nghệ này tạo ra độ chân thật gần như tuyệt đối, không thể phân biệt được giữa mắt giả và mắt thật. Quá trình phẫu thuật để lắp đặt con mắt này cũng có độ xâm lấn tối thiểu. Kỹ thuật in mắt giả 3D này sẽ tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng trên 40 bệnh nhân nữa trước khi nhân rộng ra toàn thế giới.
Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được lắp mắt giả in 3D.
Đối với các bệnh nhân ung thư hay gặp tai nạn không may bị mất mắt như Steve Verze, lựa chọn của họ từ trước đến nay chỉ là lắp các con mắt giả bằng nhựa acrylic. Những con mắt giả này được sản xuất thủ công, với một mặt phẳng trắng bên trong, nơi các nghệ nhân chế tác bộ phận giả sau đó có thể vẽ hình và tô màu mống mắt trùng với bệnh nhân cần lắp nó.
Vấn đề của những con mắt acrylic này là chúng không cho ánh sáng truyền qua, việc vẽ thủ công dù chính xác đến đâu cũng không mô phỏng được chiều sâu của mắt. Con mắt vì vậy trông rất giả và rất dễ nhận biết.
Verze cho biết trước đây mỗi sáng ra khỏi nhà anh chỉ dám soi mình lướt qua gương để không phải nhìn vào con mắt giả của mình. Nhưng với con mắt mới được tạo ra từ công nghệ in 3D, Verze nói anh đã có thể thoải mái soi gương trở lại vào mỗi sáng.
"Nó khiến tôi ngày càng cảm thấy tự tin hơn. Đến bản thân tôi còn không thể nhận ra sự khác biệt thì tôi biết những người khác cũng sẽ không phát hiện ra đó chỉ là một con mắt giả", Verze nói.
Steve Verze giờ đã cảm thấy rất tự tin với con mắt mới của mình.
Con mắt giả in 3D đầu tiên trên thế giới được chế tác cá nhân hóa cho Verze bởi Fraunhofer Technology, một công ty giải pháp khoa học công nghệ tại Đức với sự hợp tác của công ty nhãn khoa Ocupeye tại Anh.
Ocupeye đã sử dụng một máy quét kỹ thuật số siêu chính xác để quét con mắt bên phải và hốc mắt còn lại bên trái của Verze. Hình ảnh quét sẽ được dựng thành mô hình mắt 3D và gửi sang Đức để chế tác.
Fig AG, một công ty in 3D sở hữu công nghệ in vật liệu y sinh trong suốt với độ chính xác cao sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Sau đó, họ gửi lại con mắt về Anh để hoàn thiện bước cuối và lắp đặt cho bệnh nhân.
Toàn bộ các bước này chỉ tốn khoảng 2 tuần so với 6 tuần trước đây, khi những con mắt giả được làm thủ công. Bệnh nhân cũng chỉ phải chịu xâm lấn tối thiểu trong một cuộc phẫu thuật, so với 2 lần trước đây, bao gồm một buổi gây mê để lấy khuôn hốc mắt (giờ đã được thay thế bằng quét kỹ thuật số).
Những con mắt giả được làm thủ công trước đây cần phải lấy khuôn, gây đau đớn cho bệnh nhân, thậm chí cần gây mê. Nhưng công nghệ in 3D mới sẽ loại bỏ thủ tục xâm lấn này.
Các bác sĩ tại Bệnh viện mắt Moorfields cho biết Verze là một trong số 40 bệnh nhân đầu tiên sẽ được thử nghiệm lắp những con mắt giả in 3D như thế này. Sắp tới, anh sẽ phải trải qua một loạt các bài kiểm tra, bao gồm khả năng vận động, tầm nhìn, độ tương thích, thoải mái và sự tiết nước mắt…
Nếu thử nghiệm thành công, Ocupeye cho biết họ có thể sản xuất tới 10.000 con mắt giả mỗi năm để lắp đặt cho bệnh nhân trên quy mô đại trà.
Về phần mình, Verze cho biết anh rất hài lòng với con mắt mới của mình. "Nó trông thật tuyệt, không những vậy, nó còn dựa trên công nghệ in kỹ thuật số 3D. Đúng là công nghệ đang ngày càng phục vụ con người tốt hơn".
Tham khảo Engadget