Bệnh “nấm đen chết người” song hành cùng dịch Covid-19 gieo thêm tai họa cho Ấn Độ

Hồng Anh |

Trong bối cảnh Ấn Độ vẫn chưa thoát khỏi “giai đoạn đen tối” của làn sóng Covid-19 thứ 2 đầy chết chóc, nước này lại tiếp tục phải đối phó với một mối đe dọa mới đang nổi lên: căn bệnh mucormycosis hay còn gọi là “nấm đen”.

Người thân đưa bệnh nhân Covid-19 bị khó thở đến trung tâm hỗ trợ oxy miễn phí ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ hôm 10/5. Ảnh: AFP.

Người thân đưa bệnh nhân Covid-19 bị khó thở đến trung tâm hỗ trợ oxy miễn phí ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ hôm 10/5. Ảnh: AFP.

Ngay cả trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bệnh mucormycosis đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân nước này. Ước tính tỷ lệ mắc căn bệnh này tại Ấn Độ cao hơn khoảng 70 lần so với phần còn lại của thế giới.

Bệnh mucormycosis nguy hiểm thế nào?

Mucormycosis là một loại bệnh nhiễm trùng do nấm mucor thường thấy trong đất và rau thối rữa gây ra. Nhiễm trùng ảnh hưởng đến các hốc xoang, não, phổi, da và thận. Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào vị trí nấm phát triển trong cơ thể.

Thông thường bệnh nhân có biểu hiện ngạt mũi và đau các hốc xoang, nhưng họ cũng thường bị sốt và đau đầu. Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh nhân có thể mất thị lực nếu hốc mắt bị nhiễm trùng và nhiễm trùng có thể lan đến não, gây co giật, hôn mê và mất ý thức.

Với những bệnh nhân bị nhiễm trùng trên da, da sẽ xuất hiện các mụn nước hoặc vết loét và có thể chuyển sang màu đen. Julie Djordjevic, chuyên gia nghiên cứu bệnh nấm tại Viện Nghiên cứu Y khoa Westmead mô tả loại nấm này là “một kẻ phân hủy của tự nhiên”.

“Hoạt động của chúng là phân hủy các chất hữu cơ. Nếu không có sự hiện diện của chúng, thì sẽ không có một thế giới như chúng ta đang sống ngày nay. Và chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Chúng sinh ra các bào tử rất dễ phát tán trong không khí. Số lượng bào tử có thể lên đến hàng tỷ”, bà Julie Djordjevic nói.

Mọi người có thể mắc bệnh nếu hít hoặc ăn phải bào tử nấm mucor trong môi trường sống, nhưng chúng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở.

Giáo sư y khoa Paul Griffin của Đại học Queensland cho biết, bào tử nấm gây bệnh mucormycosis xuất hiện tại Ấn Độ nhiều hơn các quốc gia khác do điều kiện khí hậu tại quốc gia này (có nhiệt độ và độ ẩm cao). “Do bào tử nấm phát triển trong đất nên người dân rất khó tránh khỏi căn bệnh này. Chúng ta sẽ thấy ngày càng có nhiều ca mắc được báo cáo tại Ấn Độ”, ông Paul Griffin nói.

Mucormycosis thường tấn công mạnh nhất vào những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh truyền nhiễm khác.

“Sở dĩ chúng ta không thường xuyên thấy các dấu hiệu nhiễm trùng do nấm mucor bởi chúng chỉ có thể gây bệnh ở những vật chủ tương đối nhạy cảm và có sức đề kháng rất kém. Các bệnh nhân mà chúng tôi thường gặp là những người đã cấy ghép một bộ phận nào đó trong cơ thể, đang mắc một căn bệnh hoặc đang dùng một loại thuốc mạnh khiến hệ thống miễn dịch của họ bị suy giảm”, ông Paul Griffin cho biết.

Tiến sỹ Julie Djordjevic lưu ý, dịch Covid-19 đang tạo điều kiện cho bệnh mucormycosis phát triển mạnh mẽ hơn. Theo bà, những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, chẳng hạn người đang hồi phục sau khi mắc Covid-19 và những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn.

Bệnh nấm mucormycosis nếu không được điều trị có thể gây chết người. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 50%, song nguy cơ tử vong có thể tránh được nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm. Mucormycosis không lây truyền từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Dịch Covid-19 đang khiến căn bệnh phát triển mạnh mẽ hơn

Giới chức y tế Ấn Độ cho biết, ngày càng có nhiều bệnh nhân đang phục hồi sau khi mắc Covid-19 bị nhiễm nấm mucor. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, sau quá trình chống chọi với virus SARS-CoV-2, hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu. Điều này khiến bệnh nhân dễ mắc mucormycosis hơn vì cơ thể của họ không đủ sức đề kháng để chống lại nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, những người phải nhập viện do mắc Covid-19 nghiêm trọng có thể được kê một loại thuốc chứa steroid có tên gọi dexamethasone. Thuốc này có tác dụng làm giảm viêm nhiễm ở phổi nhưng cũng làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể.

“Việc sử dụng loại thuốc này đang tạo ra một vấn đề, đó là khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể giám sát và giữ các mầm bệnh khác trong tầm kiểm soát”, Tiến sĩ Djordjevic cho biết.

Tuy vậy, theo giáo sư Griffin, steroid vẫn là một liệu pháp điều trị quan trọng đối với bệnh nhân Covid-19. “Chúng ta vẫn cần sử dụng dexamethasone bởi loại thuốc này được chứng minh là có hiệu quả. Nhưng điều đó đã khiến chúng ta vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho căn bệnh mucormycosis phát triển”.

Giáo sư Griffin cho biết ở các nước như Australia, các bác sĩ có thể nhận biết và chẩn đoán sớm bệnh nhiễm trùng do nấm mucor.

“Rất dễ chẩn đoán căn bệnh này nhờ các xét nghiệm xâm lấn. Nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận với phương pháp điều trị kháng nấm cần thiết để chữa trị cho bệnh nhân”.

Bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm Amphotericin B hay isavuconazole, nhưng giá thành của chúng rất đắt đỏ. Hơn nữa các chuyển gia y tế cần phải tiến hành công việc chẩn đoán trong phòng thí nghiệm sinh học. Tuy nhiên các cơ sở này đang bị quá tải mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân do dịch Covid-19./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại