Nhu cầu tuyển dụng bất tận trong mùa cao điểm
Một trung tâm tuyển dụng tại nhà máy Foxconn ở thành phố Trịnh Châu – miền trung Trung Quốc, hoạt động như một cỗ máy vận hành trơn tru, xử lý nhanh chóng đơn xin việc của các ứng viên và đưa họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu rộng lớn của Apple.
Bên ngoài các trung tâm tuyển dụng như vậy có hàng trăm người tìm việc đang háo hức xếp hàng chờ đợi. Cùng với đó là nhiều chuyến tàu hoặc xe buýt mới đến, mang hành lý lỉnh kỉnh. Họ đều hy vọng rằng, đêm đầu tiên ở thành phố này sẽ được ở trong khu ký túc xá của nhà máy.
Trong khi đó, tiêu chuẩn để có được công việc này không hề cao. Những ứng viên có thể trạng bình thường, độ tuổi từ 16 đến 48 đều có khả năng được nhận vào làm ở nơi được mệnh danh là "Thành phố iPhone."
Chia sẻ với SCMP, một ứng viên trẻ mới ngoài 20 tuổi cho biết cô chưa bao giờ làm việc trong nhà máy, chỉ từng học một khóa đào tạo điều dưỡng trong trường dạy nghề. Nhưng cô vẫn quyết định nộp đơn xin vào Foxconn với lý do "để vui vẻ". Cô cho biết: "Tôi cảm thấy mệt mỏi khi làm điều dưỡng viên."
Nhu cầu đối với nhân viên của Foxconn gần như là… bất tận, đặc biệt là trước thời điểm iPhone 12 chuẩn bị "lên kệ" vào tuần tới và sẵn sàng để đặt hàng vào ngày 16/10. Nhu cầu gia tăng đang khiến các nhà máy sản xuất phải hoạt động 24/7.
Các nhà phân tích kỳ vọng rằng chiếc điện thoại 5G đầu tiên của Apple sẽ được bán ra với số lượng lớn, khi người hâm mộ của Apple nâng cấp điện thoại.
Bất chấp những mâu thuẫn giữa Trung Quóc và Mỹ, khả năng tổ chức lao động hiệu quả, với mức giá tương đối thấp trên quy mô lớn, được củng cố bởi nguồn lao động khổng lồ, của quốc gia này vẫn ở mức chưa từng có trên thế giới.
Shen Chen – nhân viên tại một trong những trung tâm tuyển dụng của Foxconn, cho biết họ nhận ít nhất 2.000 đơn xin việc mỗi ngày. Phía sau cô là một tấm biển thông báo trung tâm hoạt động từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Cô nói: "Chúng tôi tuyển dụng mỗi ngày." Cô cho biết tốc độ xử lý nhanh sẽ giúp ứng viên được vào làm việc chỉ trong vài giờ, sau khi họ được đón bằng xe buýt để khám sức khỏe và tham gia cuộc họp cho nhân viên mới.
Những công nhân mới tại cơ sở này của Foxconn biết họ sẽ phải làm gì sau khi đọc thông tin về tiền lương và chỗ ở được thông báo công khai.
Một trong những điểm hấp dẫn nhất tại đây là công nhân mới có thể kiếm được 10.000 tệ (1.488 USD) tiền thưởng nếu họ làm việc ít nhất 55 ngày trong 3 tháng đầu tiên. Nhà máy của "gã khổng lồ" công nghệ được cho là sử dụng hơn 250.000 lao động, dù Foxconn từ chối bình luận.
Hôm 15/10, khi nhiều thông tin lan truyền rằng Foxconn đang trong giai đoạn tuyển dụng quy mô lớn và đưa ra mức thưởng cho các nhân viên mới, những lao động trẻ ở Trung Quốc độ tuổi từ 20 - 30 đã đổ xô đến thành phố này. Nhiều người thậm chí đã đi quãng đường dài 600km để xin việc.
Trước khi xây dựng nhà máy vào khoảng 1 thập kỷ trước, địa điểm này là 1 vùng nông thôn ngoại ô của thành phố Trịnh Châu.
Khi đó, danh tiếng của Foxconn gần như không mấy tích cực. Sau một loạt vụ tự sát của nhân viên xảy ra, năm 2010, giới truyền thông đưa tin rất nhiều về Foxconn và thậm chí các khách hàng – bao gồm Apple, cũng vào cuộc điều tra về hoạt động tuyển dụng.
Giờ đây, khu phức hợp tại Trịnh Châu là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc, giúp quốc gia này thâm nhập sâu sắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, nhà máy Foxconn là trung tâm kinh tế của khu vực xung quanh. Hơn nữa, số lượng lớn những lao động trẻ tuổi với công việc được trả lương cao đã tạo ra một công đồng tiêu dùng sôi động.
Trịnh Châu nhộn nhịp không kém Bắc Kinh hay Thượng Hải
Trong khi nhiều thành phố Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng di cư của người trẻ, thì khu vực xung quanh nhà máy Foxconn lại rất đông đúc, tạo ra bầu không khí sôi động không khác gì các trung tâm mua sắm nổi tiếng như ở Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Những tiệm quần áo, hoa quả, đồ dùng hàng ngày, đồ ăn vặt "đứng" chật cứng dọc các con đường gần ký túc xá của nhân viên Foxconn.
Một người bán mì cho biết, anh đã chi 100 tệ "phí quản lý" mỗi ngày để có thể bán hàng tại đây, nhưng công nhân có thu nhập đủ tốt để anh có thể trang trải chi phí. Một tô mì nóng có giá 5 tệ (0,74 USD) là một lựa chọn phổ biến của các công nhân tan ca muộn tại nhà máy.
Một đặc điểm nổi bật của khu vực này là sự xuất hiện đông đúc của các công ty lao động giúp khách hàng nộp đơn tìm việc. Xung quanh khu Wojin Commercial Plaza, có ít nhất 10 công ty môi giới như vậy mở cửa sát nhau.
Trong đó, 1 văn phòng phát đoạn tin nhắn âm thanh cho biết nhà máy Foxconn đang tuyển dụng 20.000 nhân sự. Các công ty này đều phát đi những đoạn ghi âm rầm rộ như "Tin tốt lành, tin tốt lành, Foxconn đang tuyển dụng", hoặc "Hãy nắm bắt cơ hội tuyển dụng ngay khi có thể."
Theo một văn phòng môi giới lao động, toàn bộ quá trình tuyển dụng tại đây có thể chỉ mất vài giờ. Một đại diện cho biết: "Nếu bạn kết thúc cuộc phỏng vấn trước 11 giờ sáng, bạn có thể đi kiểm tra sức khỏe và bắt đầu công việc vào buổi chiều."
Tại đây, rất dễ bắt gặp cảnh người thân, vợ chồng cùng nhau đi xin việc. Trong đó, có 1 cặp vợ chồng đến từ Vũ Châu (Hà Nam), họ là 1 trong số những người tìm việc, đang xếp hàng tại trung tâm tuyển dụng.
Mỗi người xách 1 chiếc vali, chàng trai trẻ họ Tian cho biết anh nghe tin về đợt tuyển dụng từ một người họ hàng đang làm việc tại nhà máy, nên anh và vợ đã nộp hồ sơ ngay khi vừa đến nơi.
Ngoài ra, một cặp vợ chồng khác cũng đến trung tâm tuyển dụng, họ sống tại Sơn Đông cách đó khoảng 2km, đang đưa con gái 3 tuổi đi cùng.
Theo một số công nhân tại nhà máy, mức lương theo giờ hiện tại là khoảng 30 tệ (4,50 USD), đây là mức tăng rất lớn so với hơn 20 tệ được trả trong mùa sản xuất thấp điểm, trước khi iPhone mới ra mắt. Một số khác thì cho biết họ đã làm việc theo ca 10 tiếng kể từ tháng 8.
Một nhân viên đang ngồi trong quán ăn chia sẻ, anh đã làm việc tại đây được 4 năm, nhưng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 8 ngày vừa kết thúc là lần đầu tiên anh làm thêm giờ. Do đó, mức lương cao gấp 3 lần mỗi ngày.
Trong khi đó, người dân địa phương cho biết số lượng công nhân tại nhà máy đã tăng đáng kể so với trước dịch Covid-19 bùng phát. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của nhà máy Foxconn trong chuỗi cung ứng của Apple, khi nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chật vật với quá trình sản xuất.
Nguồn cung lao động dồi dào, dịch vụ logistics hiện đại và các chính sách hỗ trợ của chính phủ đã giúp cơ sở Trịnh Châu là địa điểm lý tưởng để sản xuất. Bất chấp những ý kiến liên tiếp đưa ra về việc các công ty nên giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì quốc gia này vẫn là cơ sở quan trọng nhất đối với những công ty như Foxconn.
Và đối với những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung Quốc hậu đại dịch, thì mối đe dọa về "sự tách rời" không phải là điều họ quan tâm. Zhao – một nhân viên Foxconn, cho biết: "Đó không phải là điều chúng tôi lo lắng. Điều chúng tôi quan tâm nhất là đi làm và được trả lương."