“Kẻ lang thang trong thành phố”
Thuật ngữ “kẻ lang thang trong thành phố” gần đây đã lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Nó được dùng để mô tả những người thất nghiệp hoặc những người đang chật vật tìm việc làm lang thang trên đường phố, trong những quán cà phê trong giờ làm việc để che giấu hoàn cảnh khó khăn của họ với gia đình.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ tháng 1 đến tháng 4 ở mức 5,2%, giảm 0,2% so với năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên đại học, là 14,7% trong tháng 4.
Zhang Ni, 35 tuổi, quyết định dành thời gian “chữa lành” sau khi từ chức công việc gần nhất vì nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cô.
Nhiều người thất nghiệp dành cả tuần giả vờ đi làm ở quán cà phê.
Cô cho biết công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh mà cô làm việc không đối xử bình đẳng với cô và buộc cô phải làm việc quá sức. Sau khi rời công ty vào tháng 11 năm ngoái, Zhang không muốn gia đình lo lắng cho mình nên ngày thường trong tuần cô đều đến quán cà phê sách. Đây đã là nơi “trú ẩn” của cô suốt 6 tháng qua.
Zhang mô tả rằng đó là một trải nghiệm vừa đáng sợ vừa may mắn. Mặc dù lo lắng về việc thu nhập giảm và hoang mang về sự nghiệp, cô vẫn cảm thấy không thể bắt đầu công việc mới mà mình không thích. Mặt khác, việc lang thang thành phố đã giúp cô khám phá lại vẻ đẹp của Bắc Kinh, thành phố cô đã sống trong nhiều năm.
Giả vờ đi làm vì xấu hổ
Một người đàn ông 31 tuổi ở Thâm Quyến tên là Zen, nói với hãng truyền thông đại lục Shenran rằng anh chọn cách giấu gia đình và bạn bè về tình trạng thất nghiệp của mình vì “sợ cảm giác bị bỏ lại phía sau”.
Nơi giả vờ làm việc yêu thích của Zen là một quán cà phê, nơi anh có thể ngồi cả ngày với chi phí tối thiểu và đắm mình trong những tài liệu học tập mà anh hy vọng sẽ giúp mình bắt đầu sự nghiệp mới.
Một cư dân Bắc Kinh khác, Liu Jinyan, 35 tuổi, trở thành “kẻ lang thang thành thị” lần thứ ba khi anh bị sa thải vào năm ngoái.
Nhiều người bị thất nghiệp cho rằng thời gian “lang thang” này giúp họ có thời gian suy nghĩ về tương lai.
Anh cho biết các quán cà phê là “nơi trú ẩn tốt nhất cho những người trung niên, thất nghiệp” vì chúng cho anh không gian để suy nghĩ về tương lai của mình.
Từ giữa năm 2023, chủ đề "Starbucks đông đúc người không đi làm" đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Thực trạng người thất nghiệp đổ xô đến Starbucks hoặc các quán cà phê tương tự để “giả vờ làm việc” mỗi ngày ngày một nhiều. Họ mặc trang phục công sở chỉn chu và cầm một chiếc cặp với máy tính trên tay, nhưng thực tế họ chỉ ngồi một chỗ cho đến hết giờ hành chính.
Những người "lang thang" trong những quán cà phê này thuộc mọi lứa tuổi.
Hiện tượng này hầu hết xảy ra ở các thành phố hạng nhất và hạng hai. Điều đáng lưu ý là những người thất nghiệp ở cả độ tuổi trung niên chứ không chỉ người trẻ. Khi ngồi cả ngày trong những quán cà phê này, mọi người có thể ngồi gửi CV xin việc, học tập hoặc đơn giản là lướt mạng để thoát khỏi thực tế khắc nghiệt.
Trên mạng xã hội Trung Quốc cũng có nhiều cuộc thảo luận về “cuộc khủng hoảng tuổi 35”. Nhiều công ty từ chối những người xin việc trên 35 tuổi, vì vậy nếu họ bị sa thải ở độ tuổi đó thì sẽ khó tìm được công việc mới hơn.