Bên được, bên mất sau khi dừng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine

Kiều Anh |

Khi hợp đồng vận chuyển khí đốt của Ukraine với Nga sắp kết thúc, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất của Ukraine là DTEK đã nhận được lô khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên từ Mỹ ngày 27/12.

Một câu hỏi được đặt ra là nếu việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine dừng lại, đâu sẽ là những bên được, bên mất?

Theo Sputnik, bên được chính là các nhà sản xuất LNG của Mỹ. Việc dừng cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ làm tăng thị phần của Mỹ và giảm sự cạnh tranh trên thị trường EU. Lượng LNG mới nhất được giao từ Mỹ là 100 triệu mét khối khí đốt, được mua bởi D.Trading, công ty con kinh doanh toàn châu Âu của DTEK. Lô hàng đã đến các trạm LNG của Hy Lạp như Revithoussa, nơi nó sẽ được "khí hóa lại" và được phân phối qua "các mạng lưới khí đốt của EU và Ukraine". Mạng lưới Vertical Corridor sẽ vận chuyển các lô LNG của Mỹ giữa Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary, Slovakia, Moldova và Ukraine.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sputnik

LNG từ Mỹ đến châu Âu đắt hơn ít nhất 30 - 40% so với khí đốt vận chuyển qua đường ống từ Nga. Vào tháng 12/2022, Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và các vụ tấn công phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga.

Trong khi đó, một trong những bên thua cuộc chính là Ukraine. Kiev sẽ mất gần 1 tỷ USD/năm phí trung chuyển khí đốt Nga. Ngoài ra, Ukraine có khả năng phải trả nhiều tiền hơn cho LNG của Mỹ đi qua trạm LNG Revithoussa so với khí đốt qua đường ống từ Nga.

Hungary, Áo và Slovakia - những quốc gia từ lâu đã phụ thuộc vào việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nhất định. Là quốc gia không giáp biển, việc tiếp cận LNG được giao đến các cảng biển rất tốn kém và khó khăn. Các hợp đồng dài hạn của Gazprom của Nga cho phép họ mua khí tự nhiên rẻ hơn đáng kể so với giá khí đốt giao ngay của EU. Chẳng hạn, theo Reuters, Áo đã nhận được khí đốt Nga với mức giá rẻ hơn 3 lần so với giá khí đốt giao ngay của EU năm 2022.

EU cũng là một trong các bên chịu tổn thất khi việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine dừng lại. Sau khi giảm hồi tháng 10, giá khí đốt EU đã tăng vào tháng 11 và vào ngày 27/12, giá khí đốt tiếp tục tăng sau tin tức về việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.

Theo Thủ tướng Slovakia Robert Fico, việc dừng cung cấp khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ khiến châu Âu thiệt hại khoảng 125 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2026.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại