Mô phỏng căn cứ đầu tiên của con người trên Sao Hỏa. Nguồn: Universetoday.
Việc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho 4 tình nguyện viên sống 1 năm trong khu vực mô phỏng môi trường sống trên Sao Hỏa được đánh giá là bước tiến lớn cho những chuyến thám hiểm trong tương lai, tìm “chỗ ở mới” cho loài người.
Khu vực mô phỏng môi trường sống trên Sao Hỏa nằm ở Houston (Texas, Mỹ). 4 tình nguyện viên của đợt thử nghiệm đầu tiên được theo dõi sức khỏe thể chất, tinh thần và sức chịu đựng của con người khi bị cô lập trong thời gian dài.
Theo bà Grace Douglas - nhà nghiên cứu trưởng của thử nghiệm, sứ mệnh thám hiểm xa xôi trong vũ trụ đòi hỏi phải được chuẩn bị hết sức chu đáo. 4 tình nguyện viên sống trong ngôi nhà rộng 160m2, gồm 2 phòng tắm, một nông trại để trồng rau, một phòng chăm sóc y tế, một khu vực thư giãn và một số khu vực làm việc.
Đáng chú ý, tại đó có một van khóa khí tái tạo môi trường Sao Hỏa với rất nhiều cát đỏ. Hàng ngày các phi hành gia thực nghiệm sẽ đi bộ trong khi đeo dây đai để mô phỏng lực hấp dẫn thấp hơn của Sao Hỏa.
Bà Suzanne Bell - phụ trách Phòng thí nghiệm sức khỏe hành vi và hiệu suất của NASA cho biết, những chuyến đi bộ ấy để thu thập mẫu vật, dữ liệu và xây dựng hạ tầng trong một môi trường vô cùng khác biệt. “Điều đó được xem là cơ sở để chúng ta xây dựng nơi cư trú trên các hành tinh, mà trước hết là Sao Hỏa" - bà Douglas nói.
Câu hỏi đặt ra là: Cần bao nhiêu người để xây dựng căn cứ đầu tiên của con người trên Sao Hỏa?
Trả lời, NASA cho rằng cần đến 22 nhà du hành vũ trụ nếu xây dựng và duy trì một quần thể con người ổn định. Con số này ít hơn nhiều so với ước tính trước đây là tối thiểu 100 người.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thập niên thám hiểm Sao Hỏa, các cơ quan không gian trên toàn cầu cho rằng việc xây dựng cộng đồng người trên hành tinh đỏ là một quá trình vô cùng phức tạp về mặt kỹ thuật. Bên cạnh một số khoáng chất cơ bản và nước, những người định cư trên Sao Hỏa trong tương lai vẫn phải dựa vào nguồn tiếp tế từ Trái đất, cũng như cần vận dụng công nghệ tối tân để tách nước trên Sao Hỏa thành dưỡng khí và hydrogen cho nhiên liệu. Họ cũng đối mặt với những thách thức về tâm lý cũng như hành vi của các cá nhân trong đội ngũ suốt một thời gian dài, nhất là khi gián đoạn nguồn tiếp tế từ Trái đất.
Ngày 28/8, Astra Gastronomy (thuộc Nonfiction, một công ty thiết kế và đổi mới có trụ sở tại San Francisco, Mỹ) cho biết đã tiến một bước dài trong việc đảm bảo sức khỏe cho các phi hành gia chấp nhận “sống thử” ở Sao Hỏa.
“Để thực hiện các sứ mệnh ở Sao Hỏa trong tương lai, các phi hành gia cần có nguồn thực phẩm tươi, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, mỗi chuyến đi vòng quanh hành tinh đỏ mất đến 3 năm, và tất nhiên là không có cửa hàng tạp hóa nào trên vũ trụ. Do đó, chúng tôi đã phát triển Phòng thí nghiệm ẩm thực không gian với một hệ thống nhà bếp nhỏ gọn bao gồm các khu vực trồng tảo và rau xanh, pha cà phê kem và thậm chí nướng thịt” - bà Phnam Bagley, đồng sáng lập Nonfiction cho biết và nhấn mạnh đây chính là một căn bếp ngoài không gian.
Theo bà Bagley, trọng tâm của thiết kế là cung cấp nhiều lựa chọn thực phẩm để các phi hành gia không cảm thấy mệt mỏi với những hương vị giống nhau lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác. Đồng thời nó sẽ giúp các phi hành gia duy trì cảm giác thèm ăn để tránh sụt cân, điều này rất quan trọng khi họ mạo hiểm ở xa Trái đất.
Bà Bagley cũng cho biết, trong “căn bếp vũ trụ” ấy có một bộ phận gọi là Snap: Đó là một bức tường xanh tươi mát trong môi trường vô trùng của tàu vũ trụ, nơi các phi hành gia có thể chăm sóc các loại rau siêu nhỏ được trồng không cần đất. Ánh sáng màu hồng sẽ tự điều chỉnh bước sóng thích hợp để thúc đẩy sự phát triển của rau xanh, trong khi hệ thống tưới được hẹn giờ để cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho thực vật.
“Việc trồng cây không chỉ đáp ứng các nhu cầu về thực phẩm mà còn mang giá trị tinh thần cho phi hành đoàn. Trước đó, các phi hành gia sống từ 6 tháng trở lên trên trạm vũ trụ quốc tế đã chia sẻ bí quyết trồng trọt, cho biết việc trồng cây đã giúp họ cải thiện tâm trạng khi ở tách biệt trái đất. Và đó chính là gợi ý cho chúng tôi phát triển phòng thí nghiệm ẩm thực không gian” - bà Bagley cho biết.
Như vậy, tới nay, về cơ bản việc chuẩn bị xây dựng căn cứ đầu tiên của loài người trên Sao Hỏa đã được đáp ứng. Chinh phục vũ trụ là vô cùng khó khăn nhưng nó không thể dập tắt khát vọng của loài người, và đó là điều quan trọng nhất.
Sao Hỏa có màu cam đỏ do bề mặt của hành tinh được bao phủ bởi lớp vụn sắt ôxít. Dù có nhiều bằng chứng cho thấy nước tồn tại trên Sao Hỏa nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy sự sống đã từng tồn tại ở hành tinh này.
Từ cuối thế kỷ 20, các tàu thám hiểm Sao Hỏa như là Mariner 4 (tàu đầu tiên, năm 1965); Mars 2 (vệ tinh nhân tạo đầu tiên, năm 1971) và Viking 1 (lần đầu đáp xuống Sao Hỏa, năm 1976). Tới cuối tháng 8/2023, có ít nhất 11 tàu đang hoạt động trên Sao Hỏa, đến từ nhiều quốc gia. Do nhiều yếu tố, Sao Hỏa được cho là “hành tinh thứ 2 ngoài Trái đất” là “chỗ ở mới” của loài người, được dự định bắt đầu kể từ năm 2031.