Cách đây không lâu, trang 163 đưa tin về trường hợp bé trai 6 tuổi vô tình bị ngã trong lúc chơi đùa, do cách xử lý không đúng nên có khả năng bị tàn tật suốt đời.
Cụ thể, sự việc xảy đến với cậu bé Thần Thần ở Lạc Dương, Hà Nam (Trung Quốc) vào cuối tháng 9/2021. Theo lời kể của chị Triệu – mẹ Thần Thần, hôm đó, cậu ngồi trên sofa trong tư thế quay ngược lưng ra ngoài. Do mất thăng bằng, Thần Thần bị lật người ngã ra sau, đầu và tai đập mạnh xuống sàn nhà.
Thấy con trai bị ngã, chị Triệu vội vàng đỡ con dậy, kiểm tra đầu cậu bé thấy không có vết thương rõ ràng. Sau một lúc được mẹ xoa dịu, Thần Thần nín khóc và nói buồn ngủ. Chị Triệu nghe vậy liền đưa con trai vào giường nằm nghỉ ngơi.
Tới khi tỉnh dậy, Thần Thần đột nhiên nôn ói dữ dội, môi tái nhợt, rồi rơi vào tình trạng hôn mê. Chị Triệu hoảng loạn, lập tức gọi cấp cứu đưa con đến bệnh viện. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán Thần Thần bị chấn thương sọ não nặng dẫn đến thoát vị não. Trong quá trình cấp cứu, tim của cậu đã ngừng đập một lần.
Người mẹ hối hận vì không lập tức đưa con trai đến bệnh viện kiểm tra sau khi đứa trẻ bị ngã.
Thần Thần hiện đang được các bác sĩ điều trị tích cực tại bệnh viện nhưng vẫn hôn mê, chưa qua giai đoạn nguy hiểm. Theo bác sĩ, tính mạng của cậu bé bị đe dọa nghiêm trọng, dù có thể tỉnh lại trong vài ngày tới thì khả năng cao sẽ bị tàn tật. Không chỉ vậy, các chức năng hoạt động của cơ thể cũng bị ảnh hưởng lâu dài.
Từng lời nói của bác sĩ khiến chị Triệu đau lòng khóc nấc, hối hận vô cùng khi không đưa con trai đến bệnh viện kiểm tra ngay sau khi cậu bé bị ngã. Nếu nhập viện và được điều trị kịp thời, Thần Thần có lẽ đã không phải gánh chịu hậu quả nặng nề đến vậy.
Trẻ nhỏ rất hiếu động và thích khám phá mọi thứ xung quanh. Dù cha mẹ có cẩn thận quan sát tới đâu cũng khó có thể tránh khỏi việc những đứa trẻ nghịch ngợm té ngã.
Phản ứng đầu tiên của người lớn khi thấy con bị ngã là nhanh chóng chạy đến đỡ và xoa dịu cảm xúc của đứa trẻ. Tuy nhiên, hành động này khá nguy hiểm vì người lớn lúc này chưa biết được thương tích của trẻ, nếu hấp tấp bế trẻ lên thì có thể gây ra vết thương thứ cấp, khiến tình trạng nặng hơn. Thay vì vội vàng bế trẻ dậy, cha mẹ và người chăm sóc cần làm những điều sau:
Bình tĩnh và quan sát trẻ 15 giây
Cha mẹ nên kiểm tra kỹ xem trên cơ thể trẻ có vết thương nào không rồi mới nhẹ nhàng bế trẻ lên.
Nếu trẻ bị thương ở cổ hoặc lưng, cha mẹ tuyệt đối không được bế trẻ lên, đảm bảo trẻ nằm ở tư thế thẳng và không di chuyển, sau đó gọi cấp cứu.
Nếu tay chân trẻ không thể hoạt động, chạm nhẹ vào là khóc lớn, trẻ có thể đã bị gãy xương hoặc trật khớp. Trong trường hợp này, cha mẹ bế trẻ ở tư thế cố định và đưa đến bệnh viện. Trong lúc di chuyển, động tác của cha mẹ cần nhẹ nhàng, tránh gây thêm thương tổn cho trẻ.
Nếu trẻ may mắn không bị thương nặng mà chỉ bị sưng tấy hoặc vết thương ngoài da, cha mẹ có thể dùng đá lạnh để chườm vết sưng tấy của trẻ, dùng bông, vải sạch để cầm máu với vết thương ngoài da. Nếu trẻ tỉnh táo, không có triệu chứng nào bất thường thì cha mẹ có thể yên tâm.
Theo dõi trẻ chặt chẽ sau khi bị ngã
Cha mẹ nên giữ cho trẻ tỉnh táo ít nhất 1 tiếng sau khi bị ngã, có thể cho bé ngủ một giấc ngắn sau đó nhưng không quá 20 phút. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như ngủ mê man, nôn ói, nôn ra máu, sắc mặt trắng bệch, hôn mê... thì cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện khám.
Sau khi bị ngã đập đầu xuống đất, dù không bị chấn thương sọ não, nhiều trẻ vẫn bị nôn ói từ 1 – 2 lần. Do đó, trong 1 – 2 giờ đầu sau khi trẻ bị ngã, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống nước hoặc bú mẹ, không nên cho bé ăn thức ăn dạng rắn, đặc.