Bế tắc với ông chồng 42 tuổi hơi tí là dỗi bỏ cơm, chạy về nhà mẹ mách lẻo

Tú Hương/VTC News |

Cưới nhau hơn 10 năm, đến nay tôi thấy hết chịu nổi ông chồng 42 tuổi không chịu lớn, hơi một tí là dỗi bỏ cơm, chạy về nhà mẹ mách tội vợ, khiến bà trách mắng tôi.

Chồng tôi năm nay 42 tuổi, độ tuổi đáng ra phải hết sức trưởng thành và chín chắn theo như suy nghĩ của nhiều người. Tuy nhiên, dường như anh vẫn mãi không chịu lớn so với vẻ ngoài lịch lãm của một người đàn ông trung niên.

Tôi và chồng vốn là bạn học cùng cấp 3. Ngày biết tôi yêu anh, mẹ không ngăn cấm nhưng lại nói: "Con nên suy nghĩ kỹ, nó bằng tuổi con, lại là con một trong nhà, nên con sẽ khó mà nhận được sự quan tâm, chăm sóc như những người khác". Lúc đó, vì quá yêu nên tôi bỏ qua những lời cảnh báo của mẹ, quyết định cưới chỉ sau nửa năm yêu đương. Càng chung sống, tôi càng ngấm những điều mẹ nói.

Lấy nhau xong, hai vợ chồng tôi ở nhà riêng, nhưng gần sát vách nhà bố mẹ chồng. Vì vậy, mọi việc trong nhà tôi, họ nắm được hết. Thời gian đầu mới về làm dâu, tôi thường xuyên bị mẹ chồng gọi sang, trách tôi nấu ăn không hợp khẩu vị chồng, khiến anh khó ăn, phải sang xin cơm nhà bố mẹ.

Tôi đã cố gắng điều chỉnh, nhưng vốn mỗi nhà một thói quen ăn uống nên làm vừa ý anh không đơn giản. Hơn nữa, thay vì góp ý thẳng với vợ, anh thường chỉ thở dài và về mách mẹ khiến tôi rất bối rối khi nghe phản hồi từ phía bà.

Bế tắc với ông chồng 42 tuổi hơi tí là dỗi bỏ cơm, chạy về nhà mẹ mách lẻo - Ảnh 1.

Chồng là con một nên mãi vẫn chưa trưởng thành dù đã ngoài 40. (Ảnh minh họa: AI)

Khoảng nửa năm, tay nghề nấu ăn khá lên, tôi không còn phải nghe mẹ chồng nhắc nhở chuyện bếp núc nữa thì hàng loạt vấn đề khác nảy sinh xung quanh cuộc sống của tôi với người chồng con một. Vốn được bố mẹ cưng chiều nên chồng tôi rất hay giận dỗi nếu không vừa ý. Lúc mới cưới, tôi nghĩ hai đứa còn trẻ thì điều đó cũng tạm chấp nhận được. Nhưng rồi 12 năm trôi qua, tuần nào cũng có chuyện khiến anh dỗi làm tôi vô cùng mệt mỏi.

Chồng tôi khi thì dỗi vì vợ đi làm về muộn, không kịp nấu cơm cho anh đúng giờ để kịp hẹn bạn bè đi cà phê tối; khi thì vì vợ chưa kịp là bộ quần áo đi làm của anh, khiến anh mất thời gian mặc lên rồi lại phải thay ra. Cũng có khi chồng dỗi vì tập tài liệu để trong nhà bị thất lạc, hay vì từ chối nhu cầu gần gũi của anh khi đang ốm mệt.

Mỗi lần dỗi, chồng tôi thể hiện ra mặt, hết sức sưng sỉa, sau đó bỏ về nhà mẹ đẻ nằm lì ở đó cả ngày, mặc kệ cả nhà chờ cơm.

Lúc con cái còn bé, tôi nhẫn nhịn sang nhà bố mẹ chồng kéo anh về để làm hòa, để ông bà đỡ ý kiến. Sau này con lớn, tôi đã quá quen với các cơn dỗi của anh nên thường để bọn trẻ sang bên ông bà gọi bố về nhà, không còn phải lóc cóc chạy theo anh xin lỗi như thời trẻ.

Nhưng vấn đề của chồng không chỉ có thế. Mọi việc trong nhà tôi luôn là người đứng ra lo liệu. Mỗi khi có việc cần bàn bạc để quyết định, tôi đem ra trao đổi với chồng, anh đều bảo: "Để anh tham khảo ý bố mẹ xem sao đã!". Ngay cả tới chuyện công việc của tôi và anh, ở tuổi tứ tuần, chồng vẫn không thể đưa ra ý kiến mà đợi hỏi bố mẹ. Còn các việc lớn nhỏ khác, anh để mình tôi tự lo liệu với lý do bận công việc.

Mười mấy năm sống bên chồng, tôi có cảm giác mình biến thành người đàn ông trong nhà. Không chỉ lo hết chuyện chợ búa, cơm nước, đưa đón con cái hay kèm chúng học hành, đến cả những việc như sửa chữa nhà cửa, điện nước, tôi cũng phải tự lo chứ đừng hòng trông mong vào ông xã. Nhiều lúc gồng mình quá, tôi thực sự đuối sức, stress vô cùng. Còn chồng tôi vốn không phải lo nghĩ gì nên ngày càng phong độ, trẻ đẹp.

Một ngày gần đây, công việc ở công ty bị dồn lại khiến tôi hết sức căng thẳng. Trở về nhà lúc 19h trong trạng thái chán chường, tôi bước vào nhà thì con gái chạy ra thông báo không nấu cơm được vì tắc ống thoát nước, nước dềnh lên hết cả hai bồn rửa.

Quay sang chồng, tôi thấy anh vẫn thản nhiên ngồi xem chương trình thể thao như không có việc gì xảy ra. Bao bực tức dồn lại, tôi gào lên trách móc chồng. Anh có vẻ không hiểu tại sao tôi lại nổi điên như vậy, vì bao lâu nay những việc ấy tôi đều tự mình làm.

Rồi anh đùng đùng nổi giận, bỏ thẳng về nhà mẹ. Còn tôi sau khi lấy lại bình tĩnh cũng đã kịp xử lý phần cống tắc và nấu xong bữa tối. Tuy nhiên, khi dọn mâm cơm lên, tôi bỗng đắng lòng khi nghĩ về cái cảnh gồng mình làm đàn ông trong nhà, có chồng nhưng vẫn có cảm giác cô đơn cùng cực. Vậy là thay vì bảo con sang gọi bố về, tôi và hai đứa ăn cho xong bữa tối và dọn dẹp.

Hôm đó, mẹ chồng nhắn tin cho tôi, mắng tôi để chồng bụng đói chạy sang nhà bà ăn ké. Tôi chỉ dạ vâng cho xong chuyện, nhưng làm lành với chồng và gọi anh về thì thực sự tôi không muốn. Tôi biết, nếu mình im lặng thì chồng sẽ ở lì bên đấy, rồi mẹ chồng lại tiếp tục lấy cớ để mắng tôi không biết giữ hòa khí gia đình.

Tắc cống chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó kéo theo bao bức xúc tích tụ của tôi trong bằng đấy năm chung sống. Nếu nói gia đình bất hòa chỉ vì cái cống thoát nước, chắc ai cũng phì cười, ai ở tình cảnh tôi chắc sẽ thấu hiểu được tâm tư đó.

Tôi biết nếu cứ nhẫn nhịn và cho qua, những tình huống như thế sẽ lại xuất hiện. Nhưng làm cách nào để chồng chịu trưởng thành lên và hiểu được nỗi khổ của vợ thì thực sự tôi bế tắc. Tôi phải làm gì đây?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại