Chiến trường bế tắc
Đã hơn 16 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, vậy cục diện chiến trường hiện nay đang nghiêng về bên nào?
Theo các chuyên gia nhận định với Insider, khó có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng bởi điều đó còn phụ thuộc vào kết quả cuộc phản công của Ukraine. Cho đến nay, tiến triển của Ukraine vẫn chậm hơn mong đợi, mặc dù Kiev khẳng định điều đó là có chủ đích.
Binh lính Ukraine khai hỏa pháo gần Bakhmut. Ảnh: AP
Các nhà quan sát trên đều cho rằng cả Nga và Ukraine đều chưa đạt được các mục tiêu mà họ tuyên bố. Khi bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã phác thảo các mục tiêu bao gồm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như bảo vệ Donetsk và Lugansk ở phía Đông. Tuy nhiên, Moscow sau đó đã dịch chuyển mục tiêu khi tuyên bố vào mùa hè năm ngoái rằng, họ muốn kiểm soát các vùng lãnh thổ khác ngoài Donbass gồm Kherson và Zaporizhzhia.
Marina Miron - nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Cao đẳng Hoàng gia London cho rằng do các mục tiêu thay đổi nên Nga đang ở vị thế mạnh mẽ nhất để kiểm soát các vùng lãnh thổ trên.
"Từ lập trường của Nga, tôi cho rằng họ đang tiến gần hơn tới việc đạt được mục tiêu, bởi các vùng lãnh thổ trên hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của họ. Ngay cả khi Moscow chỉ chiếm giữ chúng và không tiến xa hơn thì vẫn sẽ rất khó khăn cho Ukraine để giành lại các vùng lãnh thổ đó", bà Marina Miron nói.
Theo bản đồ do Viện Nghiên cứu Chiến tranh cập nhật, Nga đang kiểm soát một khu vực đáng kể ở Đông Nam Ukraine.
Trong khi đó, một trong những mục tiêu chính của Ukraine được Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định trong kế hoạch 10 điểm là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ, bao gồm cả Crimea - Bán đảo sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu ý dân năm 2014.
Tuy nhiên, theo 2 chuyên gia nhận định với Insider, mục tiêu này dường như sẽ không thể đạt được.
"Tôi nghĩ Tổng thống Zelensky sẽ không thay đổi mục tiêu giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ nhưng điều đó khó có thể xảy ra", bà Miron đánh giá.
Học giả cấp cao David Lewis thuộc Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định, kế hoạch 10 điểm của ông Zelensky "rất hẹp" và "rất khó" đạt được.
Các chuyên gia cho rằng, khó có thể phân tích bên nào đang giành chiến thắng về mặt quân sự bởi vẫn còn nhiều ẩn số trong cuộc phản công của Ukraine. Hiện chưa rõ việc huấn luyện của Ukraine và các phương tiện quân sự phương Tây có hiệu quả đến đâu cũng như khả năng của các lực lượng Nga thế nào, chuyên gia Lewis nói.
"Tôi nghĩ hai bên tương đối ngang nhau. Gần như chưa có sự dịch chuyển lớn trên tiền tuyến trong một thời gian dài", chuyên gia này bình luận
Theo ông: "Rõ ràng cuộc phản công của Ukraine đang cố gắng thay đổi điều đó nhưng Nga vẫn đang củng cố phòng tuyến và việc Ukraine đạt được một số thành quả không có nghĩa là sẽ tạo nên một thắng lợi chiến lược ở thời điểm này".
Nga – Ukraine không nhượng bộ
Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài nhiều năm. Jaroslava Barbieri - chuyên gia về Nga và các nước hậu Liên Xô thuộc Đại học Birmingham cho rằng, việc đàm phán giữa hai bên sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc phản công của Ukraine bởi "có một rủi ro cao rằng sẽ có nhiều lời kêu gọi hơn từ các nước phương Tây nhằm gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán dựa trên sự thừa nhận, cuộc xung đột này không thể giành chiến thắng qua các phương tiện quân sự".
“Nếu Ukraine đạt được bước tiến quân sự và giành lại một số vùng lãnh thổ thì có lẽ sự cân bằng chính trị ở Ukraine sẽ thay đổi một chút", chuyên gia Lewis đánh giá.
"Nhưng tôi thực sự không thấy dư luận hay giới lãnh đạo Ukraine sẽ thay đổi lập trường sớm, vì thế tôi không lạc quan vào việc chúng ta sẽ thấy các cuộc đàm phán diễn ra sớm, chứ chưa nói với đàm phán thành công để chấm dứt xung đột".
Xung đột gần như luôn kết thúc trên bàn đàm phán, vì thế cuộc thảo luận về hồi kết cho xung đột ở Ukraine nằm ở thời điểm. Liệu hai bên sẽ đàm phán hiện nay hay chờ đợi đến khi giành được nhiều lãnh thổ hơn và có vị thế mạnh hơn để đàm phán sau này.
Đại tá nghỉ hưu Mỹ Mark F. Cancian bình luận: "Sự dàn xếp qua đàm phán sẽ phản ánh tình hình chiến trường".
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ ngày càng mất kiên nhẫn với những đợt chuyển giao vũ khí đắt đỏ cho Ukraine. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, cũng có cùng quan điểm. Cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ năm tới có thể thay đổi căn bản sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine.
Một số chính trị gia Tây Âu cũng kín đáo thúc đẩy Ukraine đàm phán năm nay, đặc biệt sau khi không bên nào giành được thành quả đáng kể trong 9 tháng qua và chiến dịch phản công của Ukraine hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức.
"Chúng ta sẽ biết trong 1 tháng nữa khi kết quả cuộc phản công của Ukraine trở nên rõ ràng hơn. Đến nay, tiến triển vẫn có phần gây thất vọng, chắc nhưng chậm", ông Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington cho hay.
Walter Dorn, Giáo sư về nghiên cứu quốc phòng tại Cao đẳng Quân sự Hoàng gia Canada ở Kingston thì dự đoán xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc thông qua đàm phán với một biên giới bị quân sự hóa nghiêm trọng. Vấn đề là khu vực biên giới đó sẽ nằm ở đâu.
Ukraine muốn Nga trả lại toàn bộ lãnh thổ mà nước này kiểm soát từ 2014, bao gồm cả Crimea trong khi Moscow muốn kiểm soát ít nhất những khu vực nước này đang kiểm soát hiện nay.
Theo Ian Garner, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Kingston, Canada: "Hai bên vẫn có lập trường cách xa nhau. Ukraine vẫn chưa mệt mỏi vì xung đột và không sẵn sàng nhượng bộ. Về phía Nga, không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ lùi bước".
Nói một cách đơn giản, cả hai bên đều không muốn đàm phán. Dù vậy, điều này có lẽ sẽ thay đổi trong nửa cuối năm nay khi cuộc phản công của Ukraine kết thúc và hai bên sẽ đánh giá khả năng thành công của mình trong tương lai.