Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (phải) cùng một số nhà lãnh các nước EU tại hội nghị ở Brussels ngày 29/6. Ảnh: Reuters
Theo tờ Politico ngày 30/6, các nhà lãnh đạo EU đã đề ra một số ưu tiên trong chương trình nghị sự của họ tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày, bắt đầu từ 29/6. Nhưng có thông tin cho rằng họ thậm chí có thể hủy bỏ cuộc họp ngày 30/6 vì “không còn gì để nói”.
Tại cuộc họp ngày 29/6, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki nhắc lại rằng cách tiếp cận của EU về vấn đề di cư là “không thể chấp nhận được”. Họ cho biết hai nước sẽ không ủng hộ đưa ra tuyên bố kết luận của hội nghị thượng đỉnh cho đến khi các mối quan tâm của họ được giải quyết.
Kết quả là, toàn bộ chương trình của hội nghị thượng đỉnh bị đình trệ khi các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức, cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, thảo luận riêng với Hungary và Ba Lan, nhưng đến cuối ngày 29/6 vẫn không đạt được kết quả khả quan. Các bên cho biết sẽ tiếp tục thử đàm phán lại vào sáng 30/6 (giờ địa phương).
Đó chính là vấn đề mà các nhà lãnh đạo EU từng kỳ vọng sẽ tránh được trước hội nghị thượng đỉnh: “Lại một cuộc ‘binh biến’ nữa về di cư”. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thừa nhận cuộc đàm phán là “khó khăn” và “phức tạp”. “Chúng tôi hy vọng sau một đêm sẽ xuất hiện một số giải pháp”, ông De Croo nói.
Lý do cơ bản đằng sau sự phản đối của Hungary và Ba Lan liên quan đến việc ra tuyên bố cuối cùng của hội nghị là sự không đồng ý về thỏa thuận di cư mà các nước EU đã thông qua trong tháng này để tái định cư người di cư trên khắp châu Âu. Dù có ra tuyên bố hay không, thỏa thuận đó sẽ vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, Hungary và Ba Lan muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh để bày tỏ sự bất bình của họ - và điều đó đã xảy ra.
Sự bế tắc, được một số nhà ngoại giao EU mô tả, chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy vấn đề di cư tiếp tục trở thành một chủ đề ngày càng không thể tránh khỏi tại mọi hội nghị thượng đỉnh của EU. Và với việc người di cư tiếp tục đến châu Âu qua các tuyến đường Địa Trung Hải nguy hiểm và những thảm kịch khủng khiếp như vụ chìm thuyền di cư gần đây ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, vấn đề này sẽ không biến mất.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị các nhà lãnh đạo thảo luận lại về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của họ, trong khi ông De Croo lập luận rằng vấn đề này nên luôn được xác định trong chương trình nghị sự. Những quan chức EU chỉ ra sự gia tăng các cuộc tấn công chống người nhập cư ở nước họ - bao gồm cả ở những nơi như Ireland, nơi có truyền thống không chống người nhập cư - cũng như sự gia tăng của các đảng cực hữu, đang được thúc đẩy bởi tâm lý bài ngoại.
Di cư từ lâu đã là một trong những vấn đề nhức nhối nhất đối với EU. Kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, liên minh này đã nỗ lực và thất bại trong việc cải cách quy định đối với những người xin tị nạn.
Vào tháng trước, các nước EU cuối cùng - sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng - đã đạt được một thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ thiết lập một thủ tục xin tị nạn chặt chẽ hơn ở biên giới đối với những người di cư được coi là khó có thể được chấp nhận. Nó cũng sẽ tạo ra một hệ thống cho phép các quốc gia EU lựa chọn chấp nhận một số lượng người di cư nhất định mỗi năm hoặc đóng góp vào một quỹ chung của EU.
Hungary và Ba Lan phản đối việc bắt buộc và tuyên bố sẽ không hợp tác. Tại cuộc họp ngày 29/6, họ cũng bày tỏ sự tức giận rằng thỏa thuận đã được thông qua với sự ủng hộ của đa số - chứ không phải sự đồng thuận. Hai nước này muốn thúc đẩy thông qua một tuyên bố chung cam kết đưa ra các quyết định di cư của EU chỉ bằng sự đồng thuận.
Bất chấp sự phản đối của Hungary và Ba Lan, Thủ tướng Hà Lan Rutte nói khi rời cuộc họp: “Thỏa thuận di cư vẫn có hiệu lực. Vấn đề hiện nay không phải là thỏa thuận di cư, mà là việc Hungary và Ba Lan không thích cách thỏa thuận này được quyết định”.