Bế tắc chính trị ở Đức khiến châu Âu “mất ăn mất ngủ”

Phạm Hà |

Bế tắc chính trị tiếp diễn tại Đức đang làm ngăn cản những bước tiến “định hình lại châu Âu”.

Cách đây nửa năm, châu Âu thắp lên hy vọng về một cuộc cải cách sâu rộng của Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với cam kết củng cố châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tiếp tục nhiệm kì thứ 4 với quyết tâm sẵn sàng ủng hộ tầm nhìn của Pháp. Tuy nhiên, bế tắc chính trị tiếp diễn tại Đức đang làm ngăn cản những bước tiến “định hình lại châu Âu”.

Ba Lan hôm qua (21/11) bày tỏ quan ngại thế bế tắc trong thành lập chính phủ mới tại Đức hiện nay có thể tác động tiêu cực tới tình hình quốc tế và khiến châu Âu "mất ăn mất ngủ" do tầm ảnh hưởng lớn của nước này. Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski nhận định, Đức là nền kinh tế lớn nhất, đồng thời có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ tại châu Âu, trong NATO cũng như trên toàn thế giới. Vì vậy, việc các chính đảng nước này vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để thành lập chính phủ liên hiệp sẽ tác động tiêu cực tới tình hình quốc tế.

Ngoại trưởng Hà Lan Halbe Zijlstra cũng cho rằng, những diễn biến tại Đức là “một tin buồn đối với châu Âu”.

“Đức là một quốc gia có ảnh hưởng trong EU”, Ngoại trưởng Hà Lan nêu rõ. “Nếu nước này không có một chính phủ, sẽ không có chức năng thực hiện nhiệm vụ. Khi đó sẽ khó có thể đưa ra các quyết định khó khăn”.

Các nước thành viên EU đều lo ngại tình hình tại Đức, nhưng cũng đã chuẩn bị các phương án hợp tác trước những diễn biến này.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề đồng tiền chung euro Vandis Dombrovskis khẳng định, cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức sẽ không cản trở kế hoạch cải cách mà EU dự định triển khai sau khi Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu. Trong bất kỳ trường hợp nào, EU cũng vẫn thúc đẩy các công việc chung. Phó Chủ tịch EC tái khẳng định các đề xuất cải cách Eurozone sẽ được công bố vào ngày 6/12, theo đúng kế hoạch ban đầu.

Mặc dù các nước châu Âu đều khẳng định sẽ “không trì hoãn vì Đức”, nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng quan trọng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này. Lo ngại càng có cơ sở khi Thủ tướng Merkel, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất, góp phần tạo sức nặng cho kế hoạch cải cách châu Âu đầy tham vọng của Tổng thống Pháp, chưa thể đảm bảo được vị trí lãnh đạo của mình tại Đức.

Nếu Đức buộc phải tổ chức các cuộc bầu cử mới, các đối tác có thể phải đợi cho đến mùa hè năm tới để một chính phủ mới được thành lập. Trong thời gian đó, châu Âu phải tham gia các cuộc đàm phán quan trọng Brexit với Anh, chuẩn bị cho các cuộc thảo luận nhạy cảm về một ngân sách EU dài hạn cũng như chuẩn bị cho một cuộc bầu cử nghị viện châu Âu mới.

Một tác động khác đó là việc hoàn thành một hiệp định của EU về hợp tác quốc phòng. Pháp và Đức hy vọng kí thành luật tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm của EU vào tháng tới. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao cho rằng, điều này đang trở nên quá tham vọng.

Đức cũng là động lực thúc đẩy nỗ lực cải cách chính sách tị nạn của EU. Nếu không có một chính phủ mới ở Đức, thì không có hy vọng về một bước đột phá.

Hiện bây giờ không chỉ nước Đức mà còn cả châu Âu đặt niềm tin vào kĩ năng ngoại giao của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier – vốn là một cựu Ngoại trưởng trong kế hoạch cứu nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi khủng hoảng.

Theo truyền thông phương Tây, sau khi các cuộc đối thoại thành lập liên minh thất bại, Thủ tướng Merkel có 3 lựa chọn, một là thuyết phục Đảng Dân chủ xã hội hợp tác thành một Đại liên minh; hai là thành lập một chính phủ thiểu số với Đảng Xanh hay Đảng Dân chủ tự do và lựa chọn thứ 3 là tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Tổng tuyển cử mới là khả năng được đề cập nhiều nhất vào lúc này tại Đức. Ngày 21/11, Thủ tướng Merkel cũng cho biết sẵn sàng bước vào một cuộc tổng tuyển cử mới.

"Tôi đã khẳng định trong suốt chiến dịch tranh cử rằng tôi sẵn sàng cống hiến cho nước Đức thêm 4 năm nữa", bà Merkel cho biết. "Hiện nỗ lực thành lập một chính phủ có thể không thành công. Tuy nhiên đây không là lí do để tôi từ bỏ các cam kết của mình".

Điều quan trọng là các khảo sát đều cho thấy, nếu các cuộc bầu cử mới được tổ chức, cũng sẽ không giúp bà có nhiều lựa chọn hơn so với thời điểm hiện nay. Thậm chí các cử tri còn thất vọng về việc bà không thể thành lập một chính phủ khiến tỉ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh. Đó sẽ là một cú giáng mạnh vào sự ổn định chính trị tại Đức cũng như những tham vọng cải cách châu Âu.






Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại