Mới đây, bệnh viện tâm thần ở TP. Trịnh Châu (Trung Quốc) đã tiếp nhận một bé gái 9 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Nhưng điều không ai ngờ rằng, nguyên nhân là cô bé thấy cô giáo chủ nhiệm của mình quá xinh đẹp, trong khi bản thân lại xấu xí.
Những suy nghĩ này đã ám ảnh đứa trẻ trong thời gian dài, khiến em buồn bực, mất ngủ dẫn đến thiếu tập trung khi học.
Bác sĩ cho biết khi vừa bước vào phòng, anh đã cảm nhận được nét mặt buồn bã từ đứa trẻ. Khi cô bé bỏ lớp khẩu trang xuống, bác sĩ đã trấn an bằng lời khen: "Chào cháu, cô gái nhỏ nhìn xinh đẹp và thông minh quá!".
Vừa nhận được lời khen, cô bé liền nở nụ cười và niềm nở hơn hẳn với bác sĩ tâm lý. Mẹ bé gái sau đó tiết lộ đã lâu lắm rồi không thấy con gái tươi cười đến vậy.
Bé gái 9 tuổi ở Trung Quốc mắc chứng trầm cảm khi thấy cô giáo chủ nhiệm quá xinh đẹp (Ảnh minh họa)
Bác sĩ kết luận, cô bé mắc chứng rối loạn cảm xúc ở trẻ nhỏ. Quan sát kĩ hơn về người mẹ, anh cũng nhận thấy mẹ bé ăn mặc khá sành điệu và lịch sự. Điều này vô tình truyền sang cho con, khiến đứa trẻ cũng bị ám ảnh về ngoại hình bên ngoài và dần cảm thấy tự ti nếu bản thân không được đẹp như người khác.
Chuyên gia cũng cho biết, không chỉ người lớn bị ám ảnh ngoại hình mà con trẻ cũng dễ mắc chứng này. Cha mẹ cần để ý đến biểu cảm và cảm xúc của con để sớm có phương pháp trị liệu thích hợp.
Thực tế, mặc cảm ngoại hình (hay Body dysmorphic disorder - BDD) - là bệnh tâm lý ảnh hưởng đến khoảng 1,7 - 2,4% dân số toàn thế giới ở cả nam và nữ. Thế nhưng, không nhiều người thật sự để ý đến bệnh lý này mà chỉ nghĩ đây là chuyện chỉ tự ti nhất thời.
Mặc cảm ngoại hình có liên quan mật thiết đến tình trạng rối loạn cưỡng chế (obsessive - compulsive disorder) khi tỷ lệ người bệnh mắc cả hai vấn đề này là 24%.
Ám ảnh ngoại hình khiến nhiều người không thoải mái với cơ thể của mình (Ảnh minh họa)
Cha mẹ nên làm gì khi biết con bị ám ảnh ngoại hình?
1. Dạy cho con sự tự tin và tính độc lập
Shane Jimerson, Tiến sĩ, nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học California nói: "Cách bảo vệ tốt nhất mà cha mẹ có thể đưa ra là thúc đẩy sự tự tin và độc lập của con mình và sẵn sàng hành động khi cần thiết".
Ai cũng hiểu rằng ngoại hình là điều quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Khi cha mẹ quá quan trọng đến ngoại hình, con cái cũng dễ học theo. Với những em bé không có ngoại hình quá xuất sắc, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và thậm chí nhiều em có nguy cơ trầm cảm.
Thay vào đó, cha mẹ nên dạy con ngoại hình chỉ là một phần trong cuộc sống. Đồng thời tăng tính tự trọng và sự tự tin cho con thông qua việc đánh giá cao những điểm mạnh khác, khen ngợi con chân thành trước mọi người.
Ảnh minh họa
2. Quan tâm đến cảm xúc của con
Nhiều cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng: Trẻ con thì biết cái gì! Song từ 1-2 tuổi, những đứa trẻ đã tiếp nhận phản hồi xung quanh và cảm nhận lại hành động của người khác.
Vậy nên khi cho con đi học, đừng nên phó mặc con cho nhà trường. Cha mẹ cần quan tâm đến biểu hiện của con khi đi học và trở về nhà, quan sát con có điều gì thay đổi, vui buồn chuyện gì không. Chỉ khi quan tâm sát sao con thì cha mẹ mới nắm kĩ được quá trình phát triển của con mình.
3. Chấp nhận rằng điều trị cũng tương tự như các bệnh tâm lý khác
Mặc cảm ngoại hình nhiều khi không phải sự tự ti mất thời, mà có thể là căn bệnh tâm lý. Khi con quá ám ảnh ngoại hình, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở tâm lý uy tín. Hãy chấp nhận rằng đây là căn bệnh tinh thần, không phải điều gì đáng xấu hổ.
Một số người mặc cảm ngoại hình sẽ áp dụng can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ để dứt điểm rối loạn tâm lý của bản thân. Nhưng đây không phải biện pháp dứt điểm. Dùng thuốc và liệu pháp tâm lý mới là hiệu quả nhất cho những người này.