Bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại: Vụ án bi thảm hé lộ tình cảnh tăm tối của phụ nữ ở tầng lớp thấp kém nhất Ấn Độ

J.D |

Ở Ấn Độ, Dalit là từ dùng để chỉ những người thuộc tầng lớp thấp kém nhất. Và như một lẽ thường tình, họ phải chịu đựng rất nhiều những bất công lẫn nguy hiểm, đặc biệt là với phụ nữ.

Ở Ấn Độ vào lúc này, có một nhóm nhà hoạt động nữ quyền đang mạo hiểm mạng sống của mình để làm một công việc rất rủi ro. Đó là hỗ trợ những nạn nhân bị tấn công, lạm dụng tình dục.

Rekha - nhà hoạt động 24 tuổi cho biết, công việc của họ bao gồm việc bí mật tìm kiếm chứng cứ tại ngôi làng nạn nhân sinh sống, nhằm giúp họ dựng lại được vụ án và đưa mọi thứ ra ánh sáng.

"Chắc chắn là có sợ hãi chứ" - Rekha cảm thán. "Thủ phạm cũng sống trong làng hoặc gần đó mà". Tuy nhiên, làm việc theo một nhóm có thể giúp họ xử lý được.

Bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại: Vụ án bi thảm hé lộ tình cảnh tăm tối của phụ nữ ở tầng lớp thấp kém nhất Ấn Độ - Ảnh 1.

Toàn bộ thành viên của nhóm đều thuộc Dalit - cộng đồng được xem là thuộc tầng lớp đáy của cấu trúc phân lớp xã hội Ấn Độ. Người ở tầng lớp này bị áp đặt đủ đường, từ nghề nghiệp cho đến hôn nhân ngay từ thời điểm họ ra đời. Trong đó, đáng chú ý nhất là rủi ro bị cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái người Dalit.

Câu chuyện này trở thành vấn đề nóng của xã hội sau trường hợp một bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại ở ngay thủ đô Delhi vào tháng 8 vừa qua. Thủ phạm là 4 người đàn ông - bao gồm cả một linh mục người Hindu. Tất cả đã bị truy tố, nhưng chưa có bản án cuối cùng.

Lịch sử "cưỡng hiếp" đáng sợ

Năm 2012 đã xảy ra sự việc tai tiếng chấn động thế giới khi một nữ sinh bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại ngay trên xe bus tại Delhi. Thời điểm ấy, có khoảng 25.000 vụ cưỡng hiếp được ghi nhận tại Ấn Độ, với 1576 vụ nhắm đến phụ nữ người Dalit.

Bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại: Vụ án bi thảm hé lộ tình cảnh tăm tối của phụ nữ ở tầng lớp thấp kém nhất Ấn Độ - Ảnh 2.

Nạn nhân trong vụ việc chấn động thế giới năm 2012

Kể từ đó, số vũ cưỡng hiếp mỗi năm lại gia tăng. Năm 2019, có 32.000 vụ được trình báo, trong đó số vụ liên quan đến người Dalit tăng gấp đôi - lên 3486 vụ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ việc trình báo cưỡng hiếp tại Ấn Độ có rất nhiều khó khăn - đặc biệt là với cộng đồng Dalit. Nghĩa là, con số thực tế có thể cao hơn như vậy rất nhiều.

Anoushka cho biết cô bị cưỡng hiếp tập thể vào năm 2012 - khi mới 15 tuổi. Đó cũng là năm vụ cưỡng hiếp giết người trên xe bus khiến dư luận thế giới phẫn nộ, dẫn đến các quy định chống hiếp dâm trở nên chặt chẽ hơn. Nhưng gần 10 năm trôi qua, chẳng có công lý nào được thực hiện với Anoushka.

Cô gái 23 tuổi nhớ lại bản thân đã bị một nhóm nam giới thuộc giai cấp cao hơn tấn công - những kẻ có đất, có tiền, có quyền lực và có quan hệ với các chính trị gia. Cô cho biết lũ người ấy đề nghị cô phải từ bỏ đơn kiện, và khẳng định rằng chúng đã hối lộ cho các quan chức thụ lý vụ việc của cô.

Một bản báo cáo năm 2020 từ tổ chức phi chính phủ Equality Now cho thấy những kẻ giai cấp cao hơn thường áp dụng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em Dalit - những người vốn ít có tiếng nói và dễ bị pháp luật chối từ vì văn hóa giai cấp. Một bản báo cáo khác từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền năm 2017 cũng đề cập đến nhiều sự vụ nhóm giai cấp thấp phải từ bỏ vì bị áp lực từ phía trên dội xuống.

Anoushka chia sẻ, những kẻ thủ ác được tuyên trắng án, trở về sống ở ngôi làng gần đó và liên tục đe dọa cô. Cách đây 5 năm, cô đệ đơn kiện lên tòa án tối cao của tiểu bang, nhưng cũng chẳng có gì thay đổi.

Bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại: Vụ án bi thảm hé lộ tình cảnh tăm tối của phụ nữ ở tầng lớp thấp kém nhất Ấn Độ - Ảnh 3.

"Mỗi lần lướt qua một vụ án bạo lực tình dục, tôi lại thấy mình ở đó. Đau lòng vô kể, vì đó giờ mọi thứ chẳng có gì thay đổi".

"Trước khi mọi phụ nữ đều được an toàn ở đất nước này, thì chẳng ai thực sự an toàn cả".

Anoushka sau đó gia nhập đội hoạt động nữ quyền Dalit Women Fight (DWF), nhóm chuyên hỗ trợ những nạn nhân bị tấn công tình dục. Mỗi ngày, đội tình nguyện viên từ 5 tiểu bang lớn của Ấn Độ sẽ liên hệ với các nạn nhân, xin phép được ghé thăm, có thể phải ở qua đêm. Họ thường sẽ hộ tống nạn nhân đến trình báo với cảnh sát, đi khám nghiệm tại bệnh viện nhằm thu thập đủ bằng chứng trước tòa. Sự hỗ trợ này là cần thiết, vì đa phần cảnh sát sẽ không xem trọng vụ án của họ, vì họ là người Dalit.

Trên thực tế dù luật pháp Ấn Độ cấm việc phân biệt đối xử giữa các giai cấp, lực lượng hành pháp - cụ thể là cảnh sát - vẫn thường xem nhẹ phụ nữ Dalit. Điều này đã được cựu Tổng giám đốc Sở cảnh sát Uttar Pradesh, ông Vikram Singh thừa nhận.

Tuy nhiên theo Riya Singh - người hiếm hoi dám lộ tên trong DWF, mọi thứ đang dần thay đổi với sự can thiệp của các tổ chức phi chính phủ. Dẫu vậy, cô cho biết vẫn còn một con đường rất dài phía trước phải đi, trước khi có sự công bằng tuyệt đối giữa phụ nữ Dalit và các tầng lớp cao hơn.

Thêm nguy hiểm từ dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức lớn hơn dành cho DWF. Người Dalit bị gạt ra bên lề, không được tiếp cận với chăm sóc y tế, thậm chí còn bị đổ lỗi làm lây lan dịch bệnh. Mà quả thực, công việc họ phải làm chủ yếu là việc chân tay thiết yếu - nghĩa là rủi ro cao hơn người bình thường, và ít được bảo vệ hơn.

Bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại: Vụ án bi thảm hé lộ tình cảnh tăm tối của phụ nữ ở tầng lớp thấp kém nhất Ấn Độ - Ảnh 4.

Trong đại dịch, các hành động bạo tàn với phụ nữ Dalit cũng gia tăng - theo Riya Singh. Khó hơn nữa là việc trình báo với cảnh sát. Dù chưa có số liệu chính thức, nhiều nhà hoạt động cho rằng các vụ tấn công vào cộng đồng Dalit đã gia tăng trong giai đoạn dịch bệnh. Như một báo cáo từ chiến dịch Nhân quyền cho người Dalit cho rằng "giãn cách xã hội đã làm gia tăng sự phân biệt giai cấp".

"Mọi nguồn lực được dồn vào Covid, nghĩa là có rất ít sự hỗ trợ cho nạn nhân" - Singh cho hay. "Giao thông công cộng đóng lại, chúng tôi cũng không thể tiếp cận các nạn nhân ở xa, và buộc phải vận hành qua điện thoại".

"Nhưng bản thân công nghệ cũng có những vấn đề. Chúng tôi là người Dalit, và không phải ai cũng có điện thoại hay đồ công nghệ. Cũng may là nhờ vậy, các nạn nhân cũng được học thêm về công nghệ và làm quen với những điều bình thường mới".

Đấu tranh từ nội bộ

Thái độ của xã hội không phải là điều duy nhất họ phải đối mặt, mà cả thái độ bên trong cộng đồng người Dalit nữa.

"Đến tận hôm nay, tôi vẫn phải đối mặt với thái độ tiêu cực từ cha mình" - Anoushka, thành viên của DWF, và là một nạn nhân từng bị cưỡng hiếp. "Cứ mỗi khi có tranh cãi, việc tôi bị cưỡng hiếp lại được lôi lên, bêu rếu, đổ lỗi, thậm chí là từ hàng xóm".

Mohini Bala (31 tuổi), một trong những thành viên đứng đầu DWF tại Delhi. Cô mất mẹ từ năm 6 tuổi, được nuôi lớn bởi cha và ông nội. Cô cho biết mình đã sợ đến mức chẳng dám mở miệng trước mặt ông và cha, dù chỉ là để xin mua một thứ rất nhỏ nhoi. Ngay cả trong cộng đồng Dalit, phụ nữ cũng bị coi thường hơn rất nhiều.

Bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể rồi sát hại: Vụ án bi thảm hé lộ tình cảnh tăm tối của phụ nữ ở tầng lớp thấp kém nhất Ấn Độ - Ảnh 5.

Ở các ngôi làng Dalit, trường học không phải lúc nào cũng sẵn. Nhưng cha mẹ thì luôn từ chối gửi con đi học ở nơi xa vì sợ sẽ bị tấn công tình dục. Bản thân Bala thì bỏ học vì từ chối làm theo quy định bắt ép học sinh Dalit phải ngồi bệt dưới đất.

Sự áp bức mà phụ nữ Dalit phải chịu - theo Bala - đến từ việc chối bỏ những không gian sống mà họ được phép tiếp cận. "Chúng ta không được ra khỏi nhà, không được đi học, không được rời nhà vào ban đêm. Nó tạo ra quan niệm nếu phụ nữ ra ngoài và có chuyện gì xảy ra, đó là lỗi của cô ấy" - cô nhận định.

Tại DWF, thỉnh thoảng Bala nhận được câu hỏi từ hàng xóm và họ hàng về chuyện cô và nhóm vẫn làm việc đến đêm muộn - điều được xem là "đáng khinh bỉ" với phụ nữ Ấn Độ. Với Bala, đây là một sự phân biệt đối xử về giai cấp và giới tính mà phụ nữ phải hứng chịu, mà vẫn chưa có cách nào thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại