Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc nổi lên nhiều đoạn clip dạy làm đẹp với nhân vật chính là các mẫu nhí mới chỉ 5 tuổi và nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng đằng sau clip ngọt ngào ấy là cả 1 hệ thống quảng cáo kiếm lời cho người lớn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu ý kiến về việc để trẻ em tiếp xúc với sản phẩm làm đẹp, quay và tải clip lên mạng để trục lợi là vi phạm pháp luật.
Khuôn mặt non nớt, dáng vẻ người lớn
Beauty blogger nhí 5 tuổi đang dạy trang điểm trong 1 clip
Khi cô con gái 6 tuổi đòi mẹ mua "1 bộ đồ hợp mốt và trang điểm kiểu thanh lịch" thì cô Tần, sống ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã rất ngạc nhiên. Sau khi tìm hiểu, cô phát hiện ở trường mẫu giáo, các clip trang điểm làm đẹp khá phổ biến khiến các bé bị nghiện và đổ xô tìm kiếm các sản phẩm được giới thiệu bởi "những mẫu nhí nổi tiếng trên mạng". Từ son môi, phấn mắt, cho đến việc bắt chước và quay các video "trang điểm xinh đẹp" không giống ai.
"Các nhà đầu tư và nền tảng mạng xã hội đã phớt lờ tính định hướng giá trị chỉ vì lợi ích kinh tế." - Lưu Đình, 1 giáo viên mẫu giáo ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc cho rằng muốn làm đẹp và được nhiều người thích là điểm chung của các bé gái, nhưng việc các nền tảng xã hội lợi dụng điều đó để quảng cáo mỹ phẩm đã gây biến dạng tâm lý của trẻ.
"Đằng sau sự nổi tiếng của các blogger nhí là sự phát triển nhanh chóng của ngành mỹ phẩm dành cho trẻ em trong những năm gần đây. Theo dữ liệu do các nền tảng thương mại điện tử công bố, doanh số bán đồ trang điểm dành cho trẻ em Trung Quốc vào năm 2020 đã tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Các bà mẹ trở thành lực lượng chính 'bất đắc dĩ' trong việc mua mỹ phẩm cho con." - Lưu Trung, Phó tổng thư ký Hiệp hội Mỹ phẩm Quảng Đông và là Giáo sư của trường Khoa học Đời sống và Công nghệ thuộc Đại học Tế Nam, cho biết.
Phóng viên đã tìm kiếm "mỹ phẩm trẻ em" trên nền tảng thương mại điện tử và thấy rằng có rất nhiều sản phẩm, bao gồm son môi, phấn má hồng, phấn mắt... rất đa dạng, các shop cũng hoạt động vô cùng sôi động.
Những beauty blogger bị "chín ép"
Việc tạo ra các beauty blogger nhí đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý ngây thơ của trẻ
Đối với 1 số bậc cha mẹ, quay clip ngắn ghi lại cuộc sống đời thường của con mình và tải lên mạng chia sẻ với gia đình, bạn bè là điều tích cực. Tuy nhiên, nhiều người trong nghề làm đẹp cho biết, hầu hết đứng sau chỉ đạo các blogger nhí là do người lớn lên kế hoạch và sản xuất nội dung rồi biến các bé trở thành "người nổi tiếng", với mục đích thu về lượng truy cập để quảng cáo cho các doanh nghiệp nhằm kiếm tiền.
Trẻ em rất dễ mê mẩn các clip lung linh, từ đó nảy sinh tâm lý so sánh. Không chỉ vậy, để quảng bá sản phẩm, các blogger nhí thường kèm thêm câu "Trẻ mẫu giáo đang dùng" và "Hãy để mẹ mua cho". Điều ấy càng có tác dụng kích thích các bé rõ rệt và khiến chúng đòi phụ huynh mua cho bằng bạn bằng bè.
Triệu Chiêm Lĩnh, Phó giám đốc công ty Luật Bắc Kinh Chí Lâm, tin rằng việc tập trung sự chú ý vào việc gì đó (cụ thể ở đây là quay clip làm đẹp) sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng và lấn chiếm thời gian học tập cũng như các hoạt động ngoài trời của trẻ. Ngoài ra, mạng xã hội còn là 1 "bóng ma" gây nghiện ở mức độ nhất định. Nếu trẻ em tiếp xúc với việc làm đẹp quá sớm, chúng dễ bị cuốn theo, nảy sinh ý định bắt chước và dẫn đến sự so sánh.
Bên cạnh việc sử dụng mỹ phẩm có xu hướng trẻ hóa thì các sản phẩm trang điểm dành cho trẻ em lại không đủ tiêu chuẩn. Đinh Huệ, trưởng khoa Da liễu và Sắc đẹp của Bệnh viện Chi nhánh 1 của Đại học Y học cổ truyền Quảng Châu, cho biết các sản phẩm trang điểm dành cho trẻ em không phải là sản phẩm phổ biến. Hiện tại, việc các beauty blogger nhí không công khai tác hại của nó mà chỉ đơn giản là khuyến khích mua sẽ tạo điều kiện cho hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường.
Xu hướng trang điểm "công chúa" khiến trẻ em dễ bị nghiện
Thêm vào đó, thị trường mỹ phẩm trẻ em còn phức tạp, nếu không có khả năng phân biệt, phụ huynh rất dễ mua phải hàng kém chất lượng. Nhà nghiên cứu trang điểm kiêm blogger làm đẹp Vương Phương cho rằng, nhiều sản phẩm được gọi là "cao cấp" dành cho trẻ em bày bán trên thị trường quảng cáo là không độc hại. Nhưng trên thực tế, các sản phẩm ấy được đóng gói không khác gì "đồ chơi" và hầu như không được kiểm định.
"Đồ trang điểm chứa nhiều bột màu tổng hợp, thậm chí còn có các thành phần sát khuẩn trong màu sơn dầu. Sản phẩm trang điểm không đủ tiêu chuẩn sẽ tạo gánh nặng lên da và gây tổn thương cho làn da mỏng manh của trẻ em." - Bác sĩ Đinh Huệ nói.
"Cho trẻ tiếp xúc với mỹ phẩm quá sớm cũng khiến các em hiểu sai về 'vẻ đẹp'. Thẩm mỹ của 1 số trẻ sẽ trở nên đơn điệu, và có xu hướng xem nhẹ việc tu bổ tâm hồn, trí tuệ cũng như nét đẹp tự nhiên." - Chu Nguy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Truyền thông thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, đồng thời là chuyên gia của Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, tin rằng xu hướng làm đẹp trẻ hóa sẽ đồng nghĩa với việc các em phải đối mặt với vấn đề về lão hóa da sớm.
Việc quá chú trọng đến tô điểm ngoại hình khiến các bé gái mất đi khái niệm vẻ đẹp tâm hồn
Ông Chu Nguy chỉ ra rằng Luật Quảng cáo quy định trẻ vị thành niên dưới 10 tuổi không được làm người phát ngôn quảng cáo. Đồng thời đề nghị người giám hộ tăng cường giám sát, nâng cao tính giáo dục thẩm mỹ ở trường học.
Ông Lưu Đức Lương, 1 giáo sư tại Trường Luật của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cũng bày tỏ rằng những người giám hộ nên thận trọng và không vì lợi ích ngắn hạn mà cho phép trẻ em tiếp cận thế giới người lớn quá sớm. Các trường mẫu giáo, nhà trường cũng cần coi trọng nhiều hơn đến việc giáo dục thẩm mỹ và trau dồi khả năng cảm thụ cái đẹp, sáng tạo của giới trẻ.
Ngoài ra, để tránh "đêm dài lắm mộng", ngày 18/6/2021, Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc đã lấy ý kiến công khai về Quy chế giám sát, quản lý mỹ phẩm trẻ em nhằm yêu cầu nghiêm ngặt về đánh giá độ an toàn của mỹ phẩm dành cho trẻ em, cũng như quy định kỹ hơn về ngôn ngữ quảng cáo đồ trang điểm cho trẻ vị thành niên, để các em có nhu cầu được sử dụng những sản phẩm làm đẹp không độc hại và không gây hại cho sức khỏe.