Dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì bất cứ đứa trẻ nào cũng ít nhiều chịu tổn thương từ những cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ. Càng đau đớn khi người lớn xem con trẻ như "bia đỡ đạn" hay vũ khí để trừng phạt đối phương.
Lan Lan là một bé gái 2 tuổi. Bố mẹ em ly hôn từ cách đây 1 năm. Khi đó, Lan Lan vẫn còn nhỏ và chưa đủ nhận thức về mọi chuyện. Không lâu sau, bố Lan Lan tái hôn với một người phụ nữ xinh đẹp và đón con gái về sống chung.
Thương cháu gái nhỏ tuổi đã sớm phải sống xa mẹ, bà nội Lan Lan thường một mình từ quê lên thành phố để chăm sóc cháu. Những lần thăm Lan Lan gần đây, cô bé liên tục quấy khóc không rõ nguyên nhân. Ban đầu, bà nội Lan Lan cứ ngỡ cháu gái bướng bỉnh hoặc gặp vấn đề sức khoẻ nào đó. Tuy nhiên trong 1 lần cô bé thay áo, bà lại phát hiện trên lưng cháu có những vết bầm tím lạ.
Những vết bầm tím bí ẩn trên lưng Lan Lan
Nghi ngờ có 1 vụ bạo hành nào đó đã xảy ra, bà âm thầm kiểm tra các bộ phận khác trên cơ thể đứa trẻ. Nhận thấy những vết bầm tím chỉ tập trung ở những vùng da khó bị phát hiện, bà nội chọn cách bí mật báo cảnh sát mà không thông báo cho bất kỳ ai trong gia đình.
Người bố không hề biết sự việc cho đến khi cảnh sát đến nhà, thông báo dì Lan Lan chính là thủ phạm bạo hành bé gái. Hoá ra "dì ghẻ" thường xuyên đánh Lan Lan vì không ưa đứa trẻ và ghen tuông với mẹ của bé.
Bà nội đã trách mắng bố Lan Lan vì bỏ bê con gái, rồi tự mình đón cháu gái về nhà chăm sóc. Về phần bố Lan Lan, ông đã nhanh chóng ly hôn với vợ mới vì cảm giác tội lỗi với con gái.
Lan Lan thường xuyên quấy khóc vì ảnh hưởng tâm lý do tác động của vụ bạo hành
Cách làm của bà Lan Lan nhận được rất nhiều đồng tình trên MXH. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp thương tâm khi đứa trẻ bị đánh đập, hành hạ, thậm chí là tử vong vì những cơn ghen tuông mù quáng đến từ vợ mới hoặc chồng mới của bố mẹ.
Suy cho cùng, ly hôn là lựa chọn của mỗi cặp vợ chồng, thế nhưng quyết định này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là khi cả hai đã có con chung. Vậy những đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng như thế nào khi bố mẹ ly hôn?
1. Đứa trẻ cảm thấy tự ti
Trong gia đình, con cái luôn mong muốn được đồng hành và có bàn tay chăm sóc của cả bố và mẹ. Những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn thường dễ trở nên tự ti, bởi suy nghĩ gia đình mình đã không trọn vẹn.
Trong lòng chúng sẽ tự hình thành khoảng cách giữa mình và những bạn có gia đình bình thường khác. Đó cũng là nguyên nhân khiến các con ngại giao tiếp với người khác, không muốn chia sẻ hay trò chuyện với bất kỳ ai.
2. Đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn
Sự đổ vỡ trong hôn nhân của cha mẹ khiến con cái cảm thấy bị bỏ rơi, từ đó cảm giác thiếu an toàn nảy sinh. Biểu hiện của cảm giác thiếu an toàn như trẻ luôn cố gắng suy nghĩ thận trọng trong mọi vấn đề, nhút nhát, ngại nói to, không dám thể hiện bản thân. Về lâu dài, nếu không thay đổi những hành động này sẽ khiến trẻ trở nên tiêu cực, dễ mắc các bệnh về tâm lý.
Nguồn: Sohu