Dưới đây chúng tôi xin trích đăng nguyên bài chia sẻ của chị Bùi Lan Anh:
"Một em bé 11 tuổi vừa mất, chỉ vì thiếu tiền mua bộ quần áo đồng phục. Một mạng người, một đứa trẻ còn chưa kịp hiểu hết mọi điều trong xã hội đã lựa chọn cái chết chỉ vì một bộ quần áo!
Một bộ quần áo mới là mong ước của một đứa trẻ để đến trường. Và rằng từ lúc sinh ra, em bé đó chỉ mặc quần áo cũ của 2 người anh. Những bộ quần áo đã sờn rách.
Trước đó, người anh của em, cũng đã lựa chọn cái chết, bằng một sợi dây, và cũng vì một lý do, nghèo khổ.
Một bộ quần áo chỉ 130 ngàn đồng, đôi khi, chỉ bằng một bữa sáng của người thành thị. Nhưng lại rất lớn với đôi vợ chồng trẻ, sống dựa vào những rẫy café. Những rẫy café mùa nắng hạn thì thê thảm ghê gớm.
Tôi nhớ, trong mùa khô Tây Nguyên, lết chân qua những quả đồi đỏ, những mảng vàng trên lá khô lấn át những màu xanh.
Những đồi đất đỏ bazan, những cành cây trơ trọi. Những lá café xoắn xuýt, co ro, khô khốc như đôi môi của con người khi đi giữa sa mạc hoang vu.
Café khát nước, là cuộc sống của những gia đình như gia đình em bé vừa ra đi, thêm khó khăn, thiếu thốn. Là mơ ước về một bộ quần áo đủ lành, đủ mới để đi học, sẽ lại còn quá xa xôi.
Đám tang cháu bé 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới đi học (Ảnh: NLĐ).
Điều gì khiến một đứa trẻ lựa chọn một con đường cùng cực mà không phải người lớn nào cũng dám lựa chọn? Cái chết liệu có phải là sự giải thoát cho những đứa trẻ?
Còn bao nhiêu đứa trẻ nữa, sẵn sàng lựa chọn những sợi dây, những nắm lá ngón, những ao hồ… để kết liễu cuộc đời khi cuộc sống vốn không dành cho chúng những tuổi thơ yên bình, no đủ?
Câu chuyện về em bé tự tử chỉ vì không có tiền mua quần áo mới, tôi đọc qua báo chí.
Nhưng những câu chuyện về những đứa trẻ nghèo quê tôi, những đứa trẻ chân không dép, bập bễnh qua những con đường ngập ngụa bùn đất ngày mưa để đến trường với cái bụng lép kẹp, thì tôi đã từng nhìn thấy.
Tôi, cũng đã từng lép kẹp bụng, khi đến trường. Cũng câu chuyện về trẻ em, mà đôi khi có những mặt trái ngược nhau đến mức kinh khủng. Trái đến mức, chỉ nghĩ đến mà thấy xót xa.
Những đứa trẻ với cuộc sống thừa thãi, đối xử với thức ăn chẳng khác nào cực hình mỗi khi đến bữa. Những đứa trẻ quần áo đủ đầy, chưa kịp cũ nhưng vẫn được thay, và có cả những bộ đồ chẳng bao giờ đụng tới.
Tất nhiên, giàu hay nghèo, chẳng có tội! Và người ta sinh ra, đâu có thể lựa chọn hoàn cảnh, lựa chọn cuộc đời. Nhưng câu chuyện khoảng cách giàu nghèo ngày một xa nhau ở đất nước này khiến những người có tâm tư không thể nào không suy nghĩ.
Chuyện về em bé, một câu chuyện quá thê lương, quá bi thảm. Xung quanh chúng ta, có quá nhiều sự lựa chọn, thế nhưng, đôi khi, chẳng hiểu vì lý do gì, người ta thường lựa chọn những thứ cực đoan.
Tôi đọc ở đâu đó, một câu nói về chúng ta là một dân tộc nông nghiệp là chính, bị dằn vặt và lo âu bởi hạt lúa, củ khoai.
Rất chua xót, nhưng khó có thể phủ nhận được rằng chúng ta ưu tiên trước nhất và gần như dành cả cuộc đời công dân của mình để lo miếng ăn cho mình và gia đình.
Rằng thì tự bản thân đã "gông cùm" chính tư duy, lòng khám phá và khát vọng chinh phục của mình. Mắt chỉ nhìn dạ dày của mình thì làm sao có tư duy mới, làm sao nghĩ tới triết học, hay "bay những chân trời chưa có người bay" – như ý thơ của nhà thơ Trần Dần?
Thế nhưng, khi cái nghèo, cái đói, cái khốn quẫn vẫn bao vây lấy con người, chẳng nhìn vào dạ dày, thì nhìn vào đâu để mà mơ ước? Khi dạ dày bạn trống rỗng, sôi ùng ục là khi bạn chỉ nghĩ đến bát cơm ở trước mặt mình!
Khi đất nước còn hàng nghìn em bé buộc phải lo lắng cho bữa cơm của cả gia đình, mà người ta vẫn còn xây đủ các loại tượng đài, những dự án nghìn tỷ đắp chiếu bỏ hoang thì những khốn quẫn bao vây người nghèo sẽ vẫn còn tiếp tục ám ảnh họ.
Cuộc sống, đôi khi luôn đặt con người vào những sự lựa chọn cực đoan. Và khi không còn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, người ta thường tự dồn mình vào thế bĩ cực nhất, đau đớn nhất, rồi kết thúc.
Một cách đơn giản. Chết là hết?!
Nhưng cái chết chưa bao giờ là hết cả. Một người bạn lớn của tôi chia sẻ, thật quá thiển cận khi cứ nghĩ, chọn cái chết có nghĩa là hết!
Hết sao được, chết đi còn ma chay phúng viếng, còn để lại nỗi nhớ nhung, còn đau khổ cho người còn sống, hết sao được! Nghĩ thế là nghĩ cạn.
Thế nhưng, em bé 11 tuổi kia, hẳn chẳng thể nghĩ được nhiều như thế.
Anh tôi bảo, mùa khai giảng sắp đến rồi, có bao nhiêu em bé trên đất nước này phải lo lắng với bữa cơm, đến bộ quần áo khi đến trường?
Tôi lại nhớ những em bé ở Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nhớ câu chuyện về những thầy cô vượt sông vượt suối, để dạy học miễn phí cho chúng.
Và cái lớp học đó, cũng chẳng vinh quang gì, người ta có đủ mọi lý do, khuôn thước để cho rằng chúng không có lý do gì, để mà tồn tại.
Thế nhưng, ở những vùng quê nghèo đó người ta, hay ít nhất là bọn trẻ con không có nhiều sự lựa chọn.
Và những người đưa chữ ở cái vùng quê nghèo đó, vẫn có một sự lựa chọn: dù nghèo, dù khổ, dù phải đưa trộm con chữ nhưng vẫn quyết tâm mang chữ đến cho trẻ em nghèo.
Những sự lựa chọn của những con người khốn cùng, luôn mang những nét thê lương, u tối…."