Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói về vụ bé 11 tuổi tự tử

Hoàng Đan |

Theo PGS Nhĩ, chúng ta có đủ các hội, nhà trường, chính quyền địa phương mà chưa quan tâm, phát hiện ra để dẫn đến sự việc đau lòng cậu bé 11 tuổi tự tử là điều đáng suy nghĩ.

Vô cùng đáng suy nghĩ

Sự việc cậu bé lớp 6 ở Gia Lai trong ngày khai trường đã lấy sợi dây treo lên cột nhà... tự tử đang khiến dư luận xã hội không khỏi đau đớn, thương xót.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bày tỏ sự xót xa trước sự việc mà ông gọi là "vô cùng đáng suy nghĩ, đau lòng và không ai mong muốn".

Theo PGS.TS Nhĩ, nếu câu chuyện đúng do gia đình quá nghèo, không có tiền để mua cho con bộ quần áo mà cậu bé phải tự tử thì càng đáng phải suy nghĩ nhiều hơn.

"Thực tế, chúng ta có các hội như khuyến học, nhà trường, chính quyền địa phương mà lại không quan tâm, phát hiện ra gia đình em quá nghèo, cần phải hỗ trợ ngay... để rồi dẫn đến việc em học sinh này phải tự tử thì rõ ràng là có vấn đề.

Một bộ quần áo thì có đáng gì đâu, chỉ cần nắm bắt được hoàn cảnh gia đình em, mong muốn của em rồi kêu gọi thì chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều giúp đỡ. Thế nhưng chúng ta lại chưa làm được...", ông Nhĩ nói.

Cũng theo ông Nhĩ, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều trường hợp này nhưng với sự quan tâm của chính quyền, các hội, chúng ta đều có thể giúp được nhưng trường hợp này thì thật đáng tiếc.

"Ở đây là trường hợp bộc phát của em học sinh nhưng thực sự, chúng ta đã chưa quâm tâm, lắng nghe em.

Gia đình em nghèo, được cho bò nhưng có lẽ do nguyên nhân nào đó bò bị chết thì cái nghèo đeo đẳng bố mẹ khiến cho em cũng suy nghĩ túng quẫn, bế tắc hơn.

Trước đây, những gia đình, bố mẹ các em mất hết, không còn ai nương tựa hay như bố thủ khoa phải ở trong ống cống... chúng ta đều phát hiện, giúp đỡ kịp thời. Vậy mà nay, trường hợp này đúng là rất đáng tiếc...", PGS Nhĩ nêu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói về vụ bé 11 tuổi tự tử - Ảnh 1.

Đám tang cháu bé 11 tuổi tự tử ở Gia Lai (Ảnh: NLĐ).

Còn chuyên gia gia đình Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cho hay, bà đã gặp rất nhiều trường hợp các em học sinh tự tử nhưng với trường hợp này thì đúng là rất đáng suy ngẫm và thương tiếc.

Theo bà Túy, nguyên nhân chính xác của sự việc sẽ cần phải được làm rõ, nghiên cứu rõ ràng, tuy nhiên, ở đây, có thể do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cộng với các vấn đề về tâm lý tác động mạnh đã khiến cho em học sinh này hành động như vậy.

"Nếu xét về tâm lý trẻ em thì ở đây, có thể do em sống trong hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mơ ước về một bộ quần áo mới để đi học cũng chưa được nên em phẫn uất quá, suy nghĩ đơn giản là chết đi sẽ đỡ khổ... Từ đó, dẫn đến hành động tự tử.

Thêm vào đó, có thể do em u uất, tủi thân, tủi nhục, vì những tác động mạnh vào tâm lý, chẳng hạn bị người khác chê cười vì nhà nghèo, không có điều kiện, phải mặc quần áo cũ từ bé đến giờ, không có quần áo mới... và nó dẫn đến hành động trên", bà Túy phân tích.

Cần sự vào cuộc của cộng đồng

Theo PGS Nhĩ, qua sự việc đáng tiếc này thì cộng đồng xã hội cần phải suy nghĩ nhiều hơn, quan tâm hơn nữa đến những người xung quanh mình, các trường hợp như thế này.

"Các cấp chính quyền cũng cần quan tâm sát hơn với những trường hợp khó khăn. Cộng đồng cũng cần để ý để giúp đỡ và trong trường hợp không huy động được cộng đồng thì nên báo cáo các cấp chính quyền hỗ trợ, chứ đừng để mọi thứ quá muộn...", ông Nhĩ nhấn mạnh.

Còn theo bà Túy, trong sự việc này, theo thông tin, cách câu bé 11 tuổi này làm cũng giống như anh trai cậu đã thực hiện trước đó vì sự bất lực với cái nghèo khó, chỉ trông chờ vào việc làm thuê trong những mùa cà phê thưa thớt của bố mẹ.

"Ở đây, rõ ràng đang thiếu đi sự quan tâm của người lớn với em nhỏ này. Chúng ta chưa biết đến suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của các em.

Chính cái suy nghĩ, khoảng cách giàu - nghèo ngày một nới rộng đã tác động đến các em, chúng bạn bè có quần áo mới mà em không có, trong khi người lớn lại không hiểu.

Bố mẹ em có thể chịu đựng và lấy lý do nào đó che lấp cái nghèo nhưng với các em, với suy nghĩ non nớt thì chưa hiểu được, xong lại không được quan tâm.

Các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội cũng thiếu đi sự quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình và chính các em. Những điều này đã tạo sự cộng dồn dẫn đến điều đáng tiếc", bà Túy bày tỏ.

Bà Túy mong muốn, qua trường hợp này, ngoài việc quan tâm đến các hộ nghèo một cách thực chất thì người lớn cần cúi xuống để lắng nghe, chia sẻ với những tâm tư, suy nghĩ của các em nhỏ.

"Các em có khoảng trời, có suy nghĩ riêng nên người lớn đừng áp đặt, hãy quan tâm, cúi xuống nghe các em. Chỉ có vậy mới tránh được những vụ việc đáng tiếc", bà Túy chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại