"Họ đang hiểu nhầm về "thực phẩm sạch". Rẻ thì người sản xuất chỉ có chết"

Hoàng Đan |

Người dân thường có thể mua được thực phẩm không độc hại, nhưng đấy chỉ là "thực phẩm an toàn". Còn "thực phẩm sạch" như Mỹ Linh nói, sẽ rất đắt vì chi phí để sản xuất tốn kém hơn nhiều "thực phẩm an toàn".

Thất bại với rau sạch...

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hồ Thanh Dũng (chủ trang trại gà 9 cựa Hùng Vương - Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, để có được các sản phẩm sạch cung cấp cần đầu tư chi phí, công sức, thời gian lớn nên mức giá sẽ không thể rẻ như các thực phẩm thông thường.

Anh Dũng cũng kể lại câu chuyện về thất bại trong kinh doanh sản phẩm sạch của mình. Đó là vào năm 2002, anh thành lập công ty cổ phần sản xuất thương mại Đông Sơn (kinh doanh rau sạch) với đủ tiêu chí "4 nhà" là nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý và doanh nghiệp.

Họ đang hiểu nhầm về thực phẩm sạch. Rẻ thì người sản xuất chỉ có chết - Ảnh 1.

Anh Hồ Thanh Dũng. Ảnh do anh cung cấp.

Tất cả các quy trình từ chọn giống, trồng trọt, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau rồi thu hoạch đều được kiểm soát nghiêm ngặt, đúng chuẩn được đề ra.

Sau khi "chạy đôn, chạy đáo" quan hệ với các nơi và "ăn nằm" ở khu sản xuất rau lớn nhất Hà Nội là Vân Nội, Bắc Hồng (Đông Anh) thì sản phẩm rau sạch của công ty đã xâm nhập được vào 1 hệ thống siêu thị ở Hà Nội lúc đó.

Thực phẩm sạch khác thực phẩm an toàn

Anh Hồ Thanh Dũng khẳng định nhiều người đang hiểu nhầm khái niệm "thực phẩm sạch".

Theo anh Dũng, ngay như rau sạch phải là loại rau là loại được trồng, canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên. Không bón phân hoá học; không phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học; không sử dụng thuốc trừ sâu; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; phân bón hoàn toàn là phân hữu cơ, được bón gốc và bón qua lá.

Sau khi thu hoạch, không dùng hóa chất bảo quản. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về nước, đất trồng phải đảm bảo tuyệt đối sạch. Và do được trồng như vậy nên giá rau sạch thường rất đắt.

Còn rau an toàn là loại rau mà khi trồng vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... nhưng phải đảm bảo liều lượng, các loại thuốc nằm trong giới hạn cho phép nhưng đảm bảo thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc đúng quy định, để khi ăn rau không còn dư lượng độc hại.

Quy trình lựa chọn giống rau an toàn cũng phải đảm bảo, hàm lượng, dư lượng các chất không vượt quá tiêu chuẩn.

"Hiện nay, chúng ta mới chỉ đạt đến mức tiêu chuẩn là rau an toàn còn rau sạch thì rất khó và giá thành rau sạch thường rất đắt", anh Dũng nói.

Anh Dũng cũng cho hay, với tiêu chuẩn rau an toàn thì khi Việt Nam đẩy mạnh mở rộng các mô hình sản xuất, tăng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thì mức giá sẽ không cao hơn quá nhiều so với các loại rau thông thường.

"Lúc đó, giá sẽ ở mức hợp lý nhất để mọi người trong xã hội đều có thể sử dụng" - anh Dũng hy vọng.

Ngoài ra, công ty cũng đầu tư chi phí hỗ trợ cửa hàng ở các chợ Thành Công, Láng Hạ... và anh là người đầu tiên ở Việt Nam sáng tạo ra cách dùng dải băng in logo công ty, thông tin sản phẩm, ngày sản xuất, vị trí ruộng sản xuất... để dán bó rau thay cho việc đưa rau vào túi nilon rồi đục lỗ.

"Nhưng quả thật lúc đó, để sản xuất được rau sạch theo quy trình, phương thức chúng tôi đặt ra là rất đắt. 

Bởi các quy trình từ chọn giống, trồng trọt, thu hoạch... của người nông dân đều được giám sát, thực hiện nghiêm ngặt. 

Ngoài ra là các chi phí cho khâu bao tiêu, cung ứng...

Chính bản thân tôi, hồi đó lao vào làm cũng đã phải thốt lên rau sạch thì chỉ có những người tầng lớp thượng lưu mới ăn "đều" hàng ngày được, trung lưu thì thỉnh thoảng mới ăn còn "tiểu lưu" thì đừng mơ", anh Dũng cho hay.

Cũng vì mô hình "mạnh dạn quá" và các chi phí để sản xuất, cung cấp rau sạch lớn, trong khi nguồn vốn còn eo hẹp, việc vay được vốn không khả thi nên công ty của anh phải đóng cửa.

Với thực phẩm sạch mà ở đây trực tiếp là gà mà anh Dũng đang nuôi và cung cấp ra thị trường thì giá thành cũng cao hơn khá nhiều so với các loại gà khác.

Bởi toàn bộ gà anh nuôi đều được chọn giống kỹ càng và cho ăn toàn bộ cám ngô, cám gạo cùng thóc, ngô hạt từ lúc bé đến khi xuất chuồng thay vì các loại gà hiện nay được nuôi ăn cám tăng trọng để vỗ béo sau đó dừng lại cho ăn cám ngô để giảm mỡ, chắc thịt.

Chưa kể, việc nuôi chỉ bằng thức ăn của anh cũng khiến gà chậm lớn hơn, thời gian xuất chuồng lâu hơn, giá thành bán ra cao hơn nhiều so với các loại gà khác. 

Tuy nhiên, chất lượng thịt gà thì đảm bảo, chắc, ngon hơn nhiều.

"Rõ ràng là chi phí nuôi gà như vậy là cao hơn và thời gian lâu hơn thì giá thành bán ra cũng sẽ phải cao hơn chứ không thể nào bán rẻ như những thực phẩm bẩn, thông thường được.

Ở đây, muốn giảm giá sẽ làm được bằng cách mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo an toàn để nguồn cung tăng lên đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, giảm giá cũng chỉ ở mức hợp lý nhất, phải bù đắp chi phí người nuôi trồng bỏ ra chứ không thể xuống mức bằng giá thực phẩm bẩn, trôi nổi được", anh Dũng nêu rõ.

Họ đang hiểu nhầm về thực phẩm sạch. Rẻ thì người sản xuất chỉ có chết - Ảnh 3.

Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch do Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức ngày 23/8 vừa qua.

Đồng quan điểm với anh Dũng, anh Hoàng Văn Cường, chủ một trang trại chăn nuôi lợn, cung cấp thịt lợn sạch tại Hưng Yên cũng cho rằng, để có được sản phẩm thịt lợn sạch đưa ra thị trường thì chi phí giống, nuôi cũng như thời gian tốn hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường.

"Nếu như người ta cho ăn cám tăng trọng thẳng thì chỉ khoảng hơn 3 tháng là có thể xuất chuồng được lứa lợn nhưng với lợn sạch thì thời gian đó phải gấp đôi, thậm chí lâu hơn.

Bởi nguyên khâu thức ăn, ví như cho ăn toàn bằng cám ngô, cám gạo, các loại bã đậu, bỗng rượu, men vi sinh... không cám tăng trọng thì chi phí rất lớn, lợn lại lớn chậm. Tuy nhiên, bù lại là thịt ngon, thơm, đảm bảo.

Khi chi phí bỏ ra cao tất nhiên giá thành bán ra cũng lại phải cao lên chứ không thể bán lỗ so với những gì mình bỏ ra được. Việc đòi ăn ngon, sạch mà trả giá rẻ là điều không tưởng", anh Cường nói.

Không có rau sạch mà rẻ đâu...

Từ thực tế của mình, anh Hồ Thanh Dũng đã cho rằng những phát biểu của ca sĩ Mỹ Linh hoàn toàn giống với những gì anh đã trải qua khi tham gia vào thị trường rau sạch và hiện nay khi anh đang thực hiện chăn nuôi gà sạch.

"Chị Mỹ Linh nói rất đúng và phản ánh thực tế là không có rau sạch mà rẻ đâu. Bởi như tôi đã nói ở trên, để mà làm được sạch cũng như đúng quy trình thì bây giờ rất khó và chi phí rất cao.

Còn ai bảo muốn ăn rau sạch mà giá rẻ thì theo tôi có thể mời về tham gia trực tiếp ở các mô hình trồng rau đảm bảo của nông dân để thấy họ làm như thế nào, tính toán các chi phí, công sức để ra được mớ rau.

Hay có thể mời về thăm, trực tiếp xem, tham gia quy trình chăn nuôi gà của tôi để thấy được việc cho ăn, chăm sóc như thế nào. Khi thấy thực tế rồi thì tôi tin họ sẽ có những thay đổi cách nhìn", anh Dũng chia sẻ.

Cá nhân anh Dũng cũng nhấn mạnh thêm, nếu người sản xuất thực phẩm sạch làm ra sản phẩm mà bán theo giá thực phẩm bẩn thì chắc chắn là không có lãi và không còn có vốn để đầu tư trở lại.

"Việc muốn ăn thực phẩm sạch mà đòi giá rẻ như thực phẩm bẩn thì người sản xuất mà bán ra như thế sẽ cạn kiệt tài chính, phá sản rồi chết thôi!

Trong kinh doanh mà làm như vậy thì chết. Bởi làm nông nghiệp là đặc thù khác với các ngành kia khi phải chọn giống, công sức trồng trọt, chăm bón, bao nhiêu lâu mới được một lứa rau đảm bảo mà bán rẻ quá, thu không bù chi thì chết...", anh Dũng nhìn nhận.

Đồng thời, anh cũng nêu ý kiến cá nhân của mình về thực tế, hiện nay, không ít người nuôi và trồng thực phẩm sạch "kiểu tự phát" và tự công bố là sạch nhưng thực tế chẳng lấy gì là đảm bảo.

"Họ mua bán dựa trên sự nhức nhối về bẩn và tìm thấy sự bấu víu khi có người dám đứng ra nhận bán sản phẩm sạch, điều này rất tốt vì chí ít sản phẩm cũng đảm bảo an toàn cho người dùng.

Nhưng, cá nhân tôi mong rằng, các cơ quan quản lý ngành dọc cũng nên có chỉ tiêu đánh giá thường xuyên và cấp logo thương hiệu đảm bảo cho đơn vị sản xuất và thương mại để dân nhận biết được mà mua sẽ an toàn hơn.

Còn thực sự, thực phẩm bây giờ phần lớn chỉ ở cấp độ an toàn thôi. Rau an toàn thì sẽ rẻ hơn chứ đạt đến cấp độ sạch thì rất ít và như chị Mỹ Linh nói, không có rau sạch mà rẻ đâu", anh Dũng nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại