Che mặt là đúng căn cứ pháp luật
Khi trao đổi với chúng tôi, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nêu một băn khoăn là khi xem các phóng sự phản ánh, điều tra về thực phẩm bẩn, không hiểu vì lý do gì mà khi chiếu về những người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, trong các phóng sự truyền hình lại chỉ đưa loáng thoáng, che mặt của những người sản xuất, chế biến sản phẩm bẩn?
"Lẽ ra, theo quan điểm của tôi thì nên để cho người tiêu dùng nhận diện được các "ông" sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn để người ta không mua.
Mình nêu về sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn mà lại che mặt những người làm việc đó đi thì tôi không hiểu", ông Tuyển nói.
Trước vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ở đây, nếu pháp luật bảo hộ quyền của người tiêu dùng thì mặt khác, pháp luật cũng bảo vệ quyền về hình ảnh của một cá nhân và cũng bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Những hình ảnh của báo chí đưa kèm thông tin về việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn cho sức khoẻ con người là sự phản ánh rất cần thiết, nhưng không hẳn tất cả những thông tin ấy đều chính xác 100%.
Luật sư Út lấy ví dụ, vừa qua, một Chi cục Quản lý thị trường đã tịch thu xúc xích của một thương hiệu khá nổi tiếng và rất quen thuộc với người tiêu dùng vì họ cho rằng trong xúc xích của thương hiệu này có chứa chất sodium nitrate, là chất gây ung thư.
Luật sư Phạm Công Út.
Kết quả sau đó thì cho thấy chất này không hề bị cấm trong sản xuất xúc xích, khi đó, doanh nghiệp bị đứng trước bờ vực phá sản, hàng trăm công nhân chịu cảnh mất việc vì không ai mua hàng của công ty này nữa.
Các đối tác nhân cơ hội này cũng quỵt nợ luôn sau khi thông tin xúc xích của hiệu này chứa chất gây ung thư tràn lan trên nhiều mặt báo trong nước...
"Do đó, việc chống lại những cơ sở hoặc người sản xuất thực phẩm bẩn cần phải xử lý thông tin một cách thông minh, có hiểu biết pháp luật để đưa tin trong giới hạn cho phép của luật pháp để tránh làm thiệt hại người khác.
Vì người đưa tin có thể phải bồi thường thiệt hại, thậm chí bị khởi tố hình sự nếu gây thiệt hại nghiêm trọng do việc tự tiện sử dụng hình ảnh, tên riêng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thậm chí của cả pháp nhân", luật sư Út nêu rõ.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Thiệp (Hà Nội) cũng cho rằng, không phải cứ báo chí phát hiện ra cơ sở sản xuất thấy hoặc nghi là bẩn thì có quyền phán luôn đây là thực phẩm bẩn.
"Ở đây, trước hết phải có kết quả kiểm nghiệm khoa học từ cơ quan kiểm nghiệm có thẩm quyền.
Hoặc đưa tin theo phóng sự điều tra nhưng vẫn phải đảm bảo các quyền dân sự của người bị nhà báo điều tra khi chưa có một quyết định, khởi tố, bản án kết luận họ có hành vi phi pháp trong việc sản xuất, kinh oanh thực phẩm bẩn", luật sư Thiệp nói.
Nên có sửa đổi để bỏ che mặt
Theo luật sư Út, sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, các cơ quan kiểm nghiệm cần nhanh chóng thu mẫu, tích cực vào cuộc để cho ra kết quả chính xác nhất và cần tăng cường đủ lực lượng để kiểm tra toàn bộ các thực phẩm đang lưu thông trên thị trường mỗi ngày, nhằm mang lại niềm tin tưởng cho người dân.
Luật sư Phạm Hương Giang (VP luật sư Phạm Hồng Hải, Hà Nội) cũng cho rằng, dựa trên các quy định của pháp luật thì khi chưa có quyết định, khởi tố, bản án thì việc che mặt đối với những người bị nhà báo điều tra về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ý kiến của luật sư Giang thì chúng ta nên có hướng sửa đổi để không cần che khi những vấn đề nhà báo phản ánh về việc những người này sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là chính xác, trung thực, khách quan.
"Bởi thực tế, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn chỉ vì quyền lợi cá nhân mà gieo rắc bao nhiêu bệnh tật nguy hiểm cho nhiều người, trong đó có bệnh ung thư thì càng phải công khai danh tính, địa chỉ để người tiêu dùng còn biết mà cẩn thận hơn trong việc lựa chọn thực phẩm.
Hay phải đợi khi có hậu quả xảy ra thì mới công khai danh tính? Theo tôi nên có hướng mở, để có thể công khai mặt những người thực hiện hành vi này", luật sư Giang đề xuất.