Bảy bác sĩ trẻ lên công tác tại Bắc Hà, Lào Cai

THIÊN LAM |

Ngày 28-6 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức Lễ bàn giao bảy bác sĩ trẻ khóa I về công tác tại Bắc Hà, Lào Cai để hỗ trợ cơ sở y tế địa phương trong việc khám, chữa bệnh cho người dân tại huyện nghèo này.

62 huyện nghèo trên cả nước đang thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa trong đó bảy chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là 53 bác sĩ Nội, 49 bác sĩ Ngoại, 55 bác sĩ Sản, 44 bác sĩ Nhi, 47 bác sĩ Hồi sức cấp cứu, 35 bác sĩ Truyền nhiễm, 33 bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh với tổng số là 316 bác sĩ.

Vì thế, câu chuyện làm thế nào đưa đội ngũ sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa được hoạt động đúng nghề nghiệp chuyên môn lại có hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện nghèo là câu chuyện khiến cả ngành y tế trăn trở.

Với mục tiêu tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở, ngày 20-02-2013, Bộ trưởng Y tế đã phê duyệt dự án "thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)".

Đến nay, đã có hơn 300 bác sĩ đăng ký tham gia dự án.

Tuy nhiên, sau khi sàng lọc hồ sơ thì có không ít bác sĩ không đủ điều kiện tham gia dự án như tốt nghiệp trung bình khá, đa số tốt nghiệp bác sĩ ngành Y học dự phòng, một số bác sĩ tốt nghiệp các chuyên ngành không thuộc 10 chuyên ngành dự án hiện tại đang đào tạo.

Đặc biệt, có nhiều bác sĩ tình nguyện đăng ký lên vùng cao nhưng lại quá tuổi. Có trường hợp thì gia đình không đồng ý cho bác sĩ trẻ tham gia dự án.

Sau khi được tuyển chọn, các bác sĩ trẻ tình nguyện sẽ được tham gia một chương trình đào tạo chú trọng năng lực thực hành, có chỉ tiêu tay nghề cụ thể, bảo đảm các bác sĩ trẻ tình nguyện vững vàng chuyên môn, có thể làm việc độc lập tại các huyện nghèo.

Qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện công bằng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, góp phần giảm tải trong công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên.

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho biết, bốn năm qua, Bộ Y tế phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức khai giảng bốn khóa cho 54 học viên.

Khóa 5 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7-2017 cho 24 học viên (các học viên này đã có Quyết định trúng tuyển chuyên khoa I). Như vậy tổng số học viên đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa là 78 bác sĩ.

78 bác sĩ này được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh, trong đó có 25 bác sĩ tuyển dụng vào 12 bệnh viện trực thuộc Bộ, tình nguyện công tác tại 19 huyện thuộc 10 tỉnh. 53 bác sĩ đã được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo của 12 tỉnh được tiếp nhận, đào tạo chuyên khoa 1 theo hướng "cầm tay chỉ việc", được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề sau đó sẽ công tác lâu dài tại các huyện nghèo - nơi tuyển dụng và cử đi đào tạo.

Và tới đây, vào ngày 28-6, bảy bác sĩ trẻ khóa I sẽ tiếp tục được bàn giao về các huyện nghèo ở Bắc Hà, Lào Cai, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân ở những huyện nghèo này.

Theo ông Phạm Văn Tác, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông dự án.

Ngoài làm việc với các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế để tiếp nhận, tuyển dụng các bác sĩ trẻ tình nguyện đủ tiêu chuẩn tham gia dự án thì Bộ sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát thực trạng, nhu cầu bác sĩ, nhu cầu đào tạo chuyên khoa I tại các huyện nghèo.

Bộ sẽ có kế hoạch tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300 bác sĩ tham gia dự án. Đồng thời, theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ bác sĩ trẻ đến công tác tại các huyện nghèo.

Trong quá trình triển khai, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các hoạt động, nối mạng thông tin, thường xuyên giao lưu, cập nhật thông tin giữa bác sĩ trẻ tình nguyện, bệnh viện tuyển dụng, cơ sở đào tạo, bệnh viện/TTYT tại huyện nghèo.

Một trong những ý kiến đề xuất mà Bộ Y tế đang đưa ra, đó là đề xuất Chính phủ nâng cấp dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ lên vùng cao thành đề án. Đồng thời, Bộ đề xuất cần xây dựng luật về trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội đối với cán bộ y tế.

Theo đó, các bác sĩ trẻ trước khi tuyển dụng, bổ nhiệm cần có thời gian công tác, cống hiến tại các vùng khó khăn để trải nghiệm, phát huy sức trẻ, hoài bão, năng lực của mình, phục vụ đồng bào vùng khó khăn, sau khi kết thúc nghĩa vụ mới được nhận lại chứng chỉ hành nghề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại