Bầu Đức, Học viện HAGL và canh bạc dang dở với Arsenal

Nguyễn Đăng |

Theo thỏa thuận vào năm 2007, CLB Arsenal có quyền chọn 2 cầu thủ tốt nhất của học viện HAGL-Arsenal JMG. Tuy nhiên những sản phẩm được đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của họ.

Bắt đầu từ giai đoạn II của V.League 2017, CLB HAGL đã gỡ logo của Arsenal trên áo đấu. Hình ảnh cũng như tên của đội bóng nước Anh cũng không còn xuất hiện trên website, fanpage hay bất cứ hoạt động nào của HAGL. Bên cạnh đó, tên của học viện cũng được đổi thành HAGL - JMG.

Những… tài năng nhưng không đủ chuẩn sang châu Âu

"Arsenal đã không còn liên quan gì đến bất cứ hoạt động nào của HAGL, kể cả việc mua bán cầu thủ. Trước đó, họ có quyền lấy 2 cầu thủ tốt nhất tại học viện. Nhưng có thể đầu ra không đáp ứng được những tiêu chuẩn của họ. Bây giờ chúng tôi chỉ có những ràng buộc với JMG", ông Nguyễn Tấn Anh - Trưởng đoàn CLB HAGL cho biết.

Bầu Đức bắt tay hợp tác với Arsenal từ năm 2007. Đam mê bóng đá, tiềm lực tài chính vững vàng cùng sự quyết đoán là những yếu tố khiến đội bóng hàng đầu của Anh đồng ý hợp tác với một CLB ở Việt Nam xa xôi. Học viện HAGL của bầu Đức gắn liền thương hiệu với Arsenal với tư cách là "Đối tác chiến lược" (Strategic Partnership). Dễ hiểu hơn, bầu Đức phải trả cho Arsenal một số tiền để gắn tên của Arsenal lên học viện.

Bầu Đức, Học viện HAGL và canh bạc dang dở với Arsenal - Ảnh 1.

Bầu Đức vẫn rất tâm huyết với học viện bóng đá do mình lập nên.

Theo thỏa thuận, khi có cầu thủ từ học viện được bán đi, phía Arsenal được hưởng 45% số tiền chuyển nhượng đồng thời có quyền chọn 2 sản phẩm xuất sắc nhất. Tuy nhiên trong tổng số 27 học viên của khóa I và II, HLV Arsene Wenger cùng đội ngũ tuyển trạch viên không chọn được ai đáp ứng tiêu chuẩn của mình.

HLV người Pháp từng gọi 4 cầu thủ gồm Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường và Đông Triều trực tiếp sang Anh đào tạo ngắn. Họ là những nhân tố ông đánh giá cao dựa trên những báo cáo, quan sát khi lứa trẻ của học viện sang Arsenal tập huấn cách đây vài năm.

Tuy nhiên sau này không có bất cứ ai được giữ lại. Nguyễn Tuấn Anh là trường hợp đáng tiếc nhất. HLV Wenger đã giới thiệu tiền vệ sinh năm 1995 sang CLB Olympiakos. Nhưng chấn thương đầu gối nặng đã ngăn cản cơ hội của cầu thủ tài hoa này. Cuối tháng 8/2019, Công Phượng gia nhập Sint-Truidense V.V theo dạng cho mượn 1 năm, nhưng rồi cũng thất bại và phải trở tiếp tục sự nghiệp ở CLB TP.HCM.

Thành công và dang dở

Đào tạo trẻ là việc làm lâu dài, khắc nghiệt đòi hỏi rất nhiều yếu tố để đảm bảo thành công. Học viện của bầu Đức có cơ sở vật chất tốt, tài chính đảm bảo, nhiều đối tác đồng hành cũng như có những chuyên gia đào tạo theo phương pháp hiện đại nhưng rốt cuộc không có ai vừa ý Arsenal.

Sang châu Âu thi đấu bằng tài năng là giấc mơ lớn của cầu thủ Việt Nam. Bằng việc làm của mình, bầu Đức đã giúp con đường đó trở nên ngắn hơn. Sản phẩm mà ông cùng các đối tác đào tạo ra chưa đủ chuẩn để đến với nền bóng đá tiên tiến nhất thế giới, nhưng mục đích tạo ra một lứa cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam ông đã đạt được.

Bầu Đức, Học viện HAGL và canh bạc dang dở với Arsenal - Ảnh 2.

Tuấn Anh từng được giới thiệu sang Olympiakos nhưng chấn thương khiến anh không thể thực hiện được giấc mơ của mình.

Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Toàn là những tài năng không thể phủ nhận so với những đồng nghiệp cùng độ tuổi. Họ đã tạo dựng được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ và ĐTQG. Xa hơn, việc đầu ra không đạt chất lượng là cơ sở để học viện HAGL - JMG thay đổi để tạo ra những lứa cầu thủ tốt hơn trong tương lai.

"Đầu tư cho các cầu thủ trẻ là khoản để dành cho tương lai", bầu Đức nhiều lần khẳng định điều này. Lúc này, ông vẫn dành tâm huyết vườn ươm bóng đá của mình dù không có nhiều thời gian như trước. Việc không còn hợp tác với Arsenal không hẳn là bước lùi bởi nhờ đó ông có thể tìm ra con đường phù hợp hơn để đưa những tài năng ra biển lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại