"Bầu Đức của Myanmar" và chuyện những tỷ phú "đốt tiền" cho giấc mơ tham dự World Cup

Linh Đan |

Dành nhiều tâm huyết và không tiếc tiền chi ra những khoản đầu tư lớn cùng cách làm bài bản để phát triển bóng đá trẻ, tỷ phú Zaw Zaw thường được so sánh với bầu Đức của Việt Nam.

"Gần 20 năm làm bóng đá, tốn rất nhiều tiền, khoảng 2000 tỷ đồng chứ không ít, lúc này tôi đã đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam. Lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường có thể nói khiến tôi rất hài lòng". Đó là những chia sẻ mới đây của bầu Đức về quãng đường làm bóng đá của mình, một hành trình mà ông thừa nhận khi bắt đầu đã bị cho rằng chỉ là người "ngoại đạo".

20 năm làm bóng đá của bầu Đức cũng là quãng thời gian mà bóng đá Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó nổi bật nhất chính là việc đào tạo trẻ được chú trọng hơn, với nhiều lò đào tạo quy mô và chuyên nghiệp được xây dựng sau sự xuất hiện của lò HAGL Arsenal JMG.

Bầu Đức của Myanmar và chuyện những tỷ phú đốt tiền cho giấc mơ tham dự World Cup - Ảnh 1.

Trên thực tế, đối với nơi vẫn bị xem là "vùng trũng" của bóng đá thế giới như Đông Nam Á, việc phát triển môn thể thao vua là điều không đơn giản bởi ngoài một kế hoạch mang tính vĩ mô, nguồn lực tài chính cũng trở thành một vấn đề không đơn giản.

Ở Việt Nam, bầu Đức cho biết đã chi ra khoảng 2000 tỷ đồng. Còn ở một quốc gia khác cũng đầu tư rất mạnh cho phát triển bóng đá trẻ trong những năm qua là Myanmar, tỷ phú Zaw Zaw cũng đóng góp một khối lượng không nhỏ tài sản cá nhân để xây dựng nền bóng đá của quốc gia này.

Tỷ phú Zaw Zaw bắt đầu được truyền thông và dư luận Việt Nam dành sự quan tâm khi U19 Myanmar xuất sắc lọt vào bán kết giải U19 châu Á 2014, qua đó giành vé tham dự U20 World Cup 2015. Việc U19 Việt Nam với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… bị loại ngay từ vòng bảng, trong khi U19 Myanmar lại có vé đi World Cup khiến dư luận không khỏi thắc mắc: Điều gì đã tạo nên thành công lớn đến vậy cho bóng đá trẻ Myanmar?

Và câu trả lời chính là tỷ phú Zaw Zaw, người đảm nhận vai trò Chủ tịch LĐBĐ Myanmar (MFF) trong nhiều năm, với một kế hoạch dài hơi để vực dậy nền bóng đá nước này.

Bầu Đức của Myanmar và chuyện những tỷ phú đốt tiền cho giấc mơ tham dự World Cup - Ảnh 2.

Với tiềm lực tài chính khổng lồ, Zaw Zaw cho xây dựng hai học viện bóng đá trẻ tại Myanmar, đồng thời khởi động Dự án đào tạo trẻ trên toàn quốc có giá trị lên đến 1,5 triệu USD.

Tỷ phú Zaw Zaw vốn là người rất nổi tiếng ở Myanmar, khi ông sở hữu tập đoàn Max Myanmar với sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như buôn bán đá quý, xây dựng, cơ khí, giao thông vận tải, khách sạn, du lịch, đồn điền cao su, bán lẻ năng lượng và ngân hàng.

Tuy nhiên ngoài công việc kinh doanh, vị tỷ phú này cũng là người rất hâm mộ bóng đá. Ông bắt đầu công việc tại MFF từ năm 2005 và ngay lập tức bắt tay xây dựng một kế hoạch vĩ mô cho bóng đá nước này, với trọng tâm là phát triển đào tạo trẻ.

Thời điểm đó, người hâm mộ Myanmar vẫn chưa hết hân hoan sau khi có lần đầu tiên lọt vào bán kết Tiger Cup 2004 (tiền thân của AFF Cup). Thế nhưng với Zaw Zaw, đây chưa phải là thành tích để thỏa mãn và ông tự tin tuyên bố bóng đá Myanmar sẽ rất khác sau 10 năm nữa.

Bầu Đức của Myanmar và chuyện những tỷ phú đốt tiền cho giấc mơ tham dự World Cup - Ảnh 3.

Tỷ phú Zaw Zaw khẳng định sẽ luôn luôn hướng tới việc phát triển bóng đá trẻ chừng nào còn tại vị.

Để hiện thực hóa lời nói của mình, tỷ phú Zaw Zaw sau đó không tiếc tiền đầu tư để cải tổ giải vô địch quốc gia Myanmar và phát triển hệ thống đào tạo trẻ. MFF xây dựng học viện bóng đá riêng của mình, đồng thời hỗ trợ cho các CLB nâng cấp các lò đào tạo, mời các HLV, chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.

Kết quả của sự đầu tư này chính là sự xuất hiện của những Aung Thu, Sithu Aung, Hlaing Bo Bo, Maung Maung Lwin… và tấm vé dự U20 World Cup 2015. Những gì tỷ phú Zaw Zaw hứa 10 năm trước đã trở thành sự thực.

Bầu Đức của Myanmar và chuyện những tỷ phú đốt tiền cho giấc mơ tham dự World Cup - Ảnh 4.

Aung Thu cùng U19 Myanmar xuất sắc giành vé dự U20 World Cup 2015.

"Trình độ bóng đá khu vực Đông Nam Á sẽ ngang ngửa với các cường quốc bóng đá châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Myanmar đã giành vé tham dự U20 World Cup và đó là minh chứng rõ nhất cho niềm tin của tôi. Kế hoạch của chúng tôi không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á. Tuy nhiên để tham vọng này được hiện thực hóa, kế hoạch 5 năm chắc chắn không đủ, mà ít nhất 10 năm", tỷ phú Zaw Zaw chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2016.

Và dĩ nhiên là ông không nói suông. Đầu năm 2017, khi có cuộc gặp với chủ tịch FIFA Gianni Infantino tại Yangon, ông Zaw Zaw đã không ngần ngại chia sẻ về ý tưởng các nước ASEAN sẽ cùng đăng cai World Cup 2034. Đây được xem là tham vọng tiếp theo của vị tỷ phú này trong việc giúp bóng đá Myanmar đạt được những dấu mốc mới.

Để làm được điều đó, Zaw Zaw tiếp tục đầu tư cho việc phát triển hơn nữa học viện bóng đá của MFF cũng như các CLB. Sau 15 năm nỗ lực, việc xây dựng được nền tảng với khoảng 10 học viện và trung tâm huấn luyện trên khắp đất nước có thể coi là bước tiến quan trọng nhất với tỷ phú Zaw Zaw. Bởi hơn ai hết, những người như ông hay bầu Đức đều hiểu rằng muốn phát triển bóng đá bền vững, việc xây dựng được một hệ thống đào tạo trẻ tốt là điều buộc phải có.

Bầu Đức của Myanmar và chuyện những tỷ phú đốt tiền cho giấc mơ tham dự World Cup - Ảnh 5.

U22 Myanmar chơi khá ấn tượng tại SEA Games 30 và giành huy chương đồng. Đây được xem là thế hệ tiềm năng tiếp theo để tăng cường sức mạnh cho đội tuyển Myanmar trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại