Còn nhớ vào ngày 9/11/2016, nhiều người đã hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và bất ngờ khi tỷ phú Donald Trump đánh bại ứng cử viên Hillary Clinton, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Chiến thắng của ông Trump đã phủ nhận mọi nguyên tắc chính trị truyền thống. Khẩu hiệu của ông Trump - “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thôi thúc những người ủng hộ ông, bởi họ muốn khôi phục một nước Mỹ đầy ánh hào quang trong quá khứ và cũng bởi họ mong muốn tìm kiếm sự thay đổi vì Trump không phải là Obama.
Nhưng liệu xu thế này có tiếp diễn trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2020?. Trong bài viết có tiêu đề “Tổng thống Mỹ năm 2020 – Tại sao Donald Trump có thể chiến thắng trở lại” đăng tải trên tờ Channel News Asia, bà Lin Suling - Thư ký tòa soạn trang tin CNA Digital đã đưa ra những nhận định sâu sát về vấn đề này.
Vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi
Vào ngày 17/6, Tổng thống Trump phát động chiến dịch tái tranh cử trong tràng vỗ tay như “sấm rền” của đám đông những người ủng hộ tại Floria, nơi ông gọi là “ngôi nhà thứ hai của tôi”. Việc bắt đầu tiến trình tái tranh cử lần này có vẻ như lặp những nỗ lực trong năm 2016.
Phát biểu tại sự kiện là một nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi, người đã cam kết xây tường biên giới để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, xé bỏ nhiều thỏa thuận thương mại… tất cả chỉ nhằm mục đích “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tổng thống Trump đã nêu bật những thành công trong suốt thời gian nắm quyền như khôi phục nền tảng chính trị bị đổ vỡ, phục hồi kinh tế Mỹ, chỉ trích báo cáo điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ của Công tố viên Robert Mueller là một “cuộc săn phù thủy bất hợp pháp”, phê phán các thành viên đảng Dân chủ, trong bài phát biểu kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Thông điệp chung mà ông gửi đi, rằng giấc mơ Mỹ đã trở lại, tương lai của xứ cờ hoa chưa bao giờ tươi sáng như hiện nay, đã gây được ấn tượng sâu sắc, không chỉ với các cử tri có mặt tại sự kiện mà còn với cả hàng triệu người Mỹ đang theo dõi qua màn hình TV.
Tuy nhiên, ông Trump cũng là một Tổng thống gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi giới trí thức Mỹ chờ đợi thời gian dài để nhìn thấy sự trở lại của ông, thì nhiều nhà phê bình đã chỉ trích phong cách chính trị của ông. Một số ý kiến cho rằng những chính sách mà Tổng thống đưa ra không hiệu quả, thiếu tính thực tiễn, không mang bản sắc Mỹ. Thậm chí có lời bàn tán rằng ông Trump không phù hợp với công việc là người đứng đầu một cường quốc như Mỹ và một nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump sẽ là “thảm họa” đối với Mỹ cùng phần còn lại của thế giới.
Nhưng xét một cách công bằng, khi đánh giá về quá trình điều hành công việc tại Nhà Trắng suốt thời gian qua, Tổng thống Trump đã tạo ra được những thành tựu mà nhiều cử tri cảm thấy hài lòng. Một số chuyên gia nhận định, giờ là thời điểm thuận lợi cho ông để tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Nền kinh tế Mỹ đã trải qua đợt tăng trưởng dài nhất từ trước đến nay, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử, thị trường chứng khoán tràn đầy lạc quan, còn các doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế và lãi suất thấp.
Lịch sử chứng minh nhiều Tổng thống Mỹ giành chiến thắng nhờ sức mạnh của nền kinh tế. Những dự đoán dựa trên các chỉ số kinh tế cho thấy ông Trump nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng vang dội nếu kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận lợi thế của vai trò đương nhiệm, vì nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn các Tổng thống Mỹ đều tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong khi những đối thủ của họ phải chật vật đấu tranh trong cuộc đua đầy khốc liệt.
Theo kết quả thăm dò dư luận, thì ông Trump đang đứng sau các đối thủ đảng Dân chủ về số phiếu ủng hộ. Cuộc thăm dò do Đại học Quinnipiac công bố ngày 18/6 cho thấy, Joe Biden - một trong 14 ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ, đang tạm chiếm ưu thế trước ông Trump với tỉ lệ ủng hộ 50%-41%, còn Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng tạm dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 48%-42%. Tuy vậy, việc cử tri Mỹ lựa chọn ông Biden hay Bernie Sanders làm Tổng thống sẽ ít khả năng xảy ra bởi các nhân vật này từng thất bại trong các kỳ bầu cử trước.
Mặc dù có tỉ lệ ủng hộ ở mức thấp, nhưng cách tiếp cận linh hoạt, nhạy bén cùng lập trường cứng rắn về nhiều vấn đề gần với trọng tâm các bang chiến địa của ông dường như tiếp thêm sinh lực cho những cử tri đứng về phía ông. Ngay cả Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng phải kiềm chế khi nói về việc luận tội Tổng thống để tránh thổi bùng lửa giận dữ của các cử tri ủng hộ ông.
Với sự hiểu biết rõ về nền chính trị trong nước, Tổng thống Trump tiếp tục khai thác những vấn đề mà người Mỹ không hài lòng bấy lâu nay như nhập cư, việc làm và thương mại để tăng lợi thế cho ông. Trong bối cảnh truyền thông bận rộn 24/7 khai thác những sự kiện trước bầu cử, còn các cử tri thì bị sa lầy vào những vấn đề “cơm ăn áo mặc” thường ngày hoặc bị phân tâm bởi truyền thông xã hội, Tổng thống Trump chưa bao giờ ngừng chiến dịch vận động tranh cử. Ông đã chỉ định một nhóm nhân viên toàn thời gian thực hiện công việc này ngay khi lên nắm quyền và đến nay, đội ngũ tranh cử của ông đã quyên góp được một khoản tài chính lớn.
Nâng cao vị thế Mỹ - trọng tâm chiến dịch tranh cử
Theo tác giả Lin Suling, trọng tâm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump có thể là chính sách đối ngoại , được củng cố bằng những hành động cụ thể, cứng rắn, để từng bước mang lại chiến thắng cho nước Mỹ trên trường quốc tế.
Ông Trump đã viết lại kịch bản ngoại giao. Bằng chiến lược vừa cương vừa nhu, nhà lãnh đạo Mỹ đã khéo léo đàm phán lại thỏa thuận thương mại với các đối tác hàng đầu của Washington, khiến đồng minh cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và đầu tháng 6 vừa qua, buộc Mexico phải thắt chặt an ninh biên giới để hạn chế dòng người di cư.
Ông chủ Nhà Trắng cũng đảo ngược quyết định tấn công Iran vào phút chót, khiến Washington tránh bị sa lầy vào một cuộc chiến “hao người tốn của” tại vùng Vịnh. Song có lẽ thành tựu nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của ông là tổ chức thành công cuộc gặp Thượng đỉnh lần đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thúc đẩy Triều Tiên cam kết dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng thống Trump tiếp tục thể hiện sức mạnh của ông trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, bằng việc ban hành lệnh cấm đối với Huawei và đưa thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại hồi tuần trước. Điều này cho thấy ông sẵn sàng chiến đấu chống lại Trung Quốc – một động thái cứng rắn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Washington và nhiều khu vực khác tại nước Mỹ. Tổng thống Trump đang kéo các thành viên đảng Cộng hòa lại gần với ông hơn khi giúp họ thấy một cách làm khác khiến thương mại và thuế quan mang lại lợi ích cho nước Mỹ.
Tác giả Lin Suling cho rằng, những điểm sáng về kinh tế cùng kết quả tích cực tạo ra từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ giúp khôi phục niềm tin vào toàn cầu hóa và chinh phục trái tim người dân Mỹ, mang lại lợi thế giúp ông tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa./.