Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kịch bản chưa từng có trong lịch sử, Tổng thống Erdogan gặp đối thủ 'cứng'

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 14/5/2023, cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội đã được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là sự kiện lịch sử hết sức quan trọng.

Các cuộc bầu cử này diễn ra vào thời điểm trùng với kỷ niệm 100 năm Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Kết quả bầu cử không chỉ nằm trong lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn vượt ra ngoài biên giới quốc gia và mang ý nghĩa toàn cầu. Trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 và những thảm họa do nó gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiến trình bầu cử.

Đây là cuộc bầu cử để chọn Tổng thống thứ 13 và Quốc hội thứ 28 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kịch bản chưa từng có trong lịch sử, Tổng thống Erdogan gặp đối thủ cứng - Ảnh 1.

Kết quả cuối cùng sẽ được quyết định tại cuộc tranh cử vòng hai ngày 28/5/2023 giữa đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (phải) và đối thủ của ông là Kemal Kilicdaroglu (trái). Ảnh: alarabya.net

Kết quả bầu cử vòng một

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ không ứng cử viên nào đạt được số phiếu cần thiết theo hiến pháp là 50% cộng 1 phiếu để đắc cử Tổng thống. Cuộc chạy đua vào chức Tổng thống buộc phải tổ chức vòng hai dự kiến vào ngày 28/5 tới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - ứng cử viên của liên minh “Quần chúng”, và Kemal Kilicdaroglu - ứng cử viên của liên minh “Quốc gia”.

Đây là cuộc bầu cử với sự tham gia đông đảo của cử tri chưa từng có trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy sự quan tâm to lớn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với nền chính trị quốc gia và quyền công dân trong việc lựa chọn người đứng đầu đất nước.

Theo kết quả cuối cùng được công bố, gần 90% tổng số cử tri trong nước và khoảng 53,20% cử tri ở ngoài nước đã đi bỏ phiếu. Ông Erdogan đã giành được 49,54% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông là Kemal Kilicdaroglu giành được 44,85%, và ứng cử viên thứ ba Sinan Ogan được 5,17%.

Về bầu cử Quốc hội, liên minh "Quần chúng" giành được 54,33% số phiếu - tương đương 326 ghế, liên minh "Quốc gia" đối lập giành được 35,66% - tương đương 214 ghế, và liên minh "Việc làm và Tự do" của người Kurd giành được 10,53% - tương đương 66 ghế. Liên minh "ATA" của ông Sinan Ogan về thứ tư với 2,45% số phiếu, theo luật bầu cử không giành được ghế nào trong Quốc hội vì không vượt qua ngưỡng 7% số phiếu bầu.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng thảm họa động đất ngày 6/2 vừa qua - được coi là “thảm họa thế kỷ” - sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số phiếu bầu cho ông Erdogan do những thiệt hại to lớn về người và vật chất mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu, đặc biệt là trước việc phe đối lập thời gian qua đã tìm mọi cách cáo buộc Tổng thống đã có nhiều thiếu sót trong quản lý khủng hoảng.

Tuy nhiên, ông Erdogan đã giành được số phiếu nhiều nhất, dẫn đầu tại 9 thành phố, trong khi đảng "Công lý và Phát triển" (AKP) cầm quyền của ông đứng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại 10 trong số 11 thành phố bị động đất tàn phá.

Một số nhà quan sát chính trị cho rằng, kết quả này đến từ 8 trong số 11 thành phố được cho là thành trì của đảng AKP mà ông Erdogan từng giành được khoảng 60% số phiếu bầu trong hai cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất.

Cuộc bầu cử lần này là cuộc bầu cử đầu tiên mà ông Erdogan buộc phải tham gia vòng hai vì không giành được tỷ lệ phiếu bầu cần thiết. Trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Erdogan đã giành được 51,79% phiếu bầu; trong khi năm 2018, tỷ lệ này tăng lên 52,38%; tức là trong năm nay, ông Erdogan đã mất khoảng 3% số phiếu ủng hộ ông trong cuộc đua tổng thống vừa qua.

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kịch bản chưa từng có trong lịch sử, Tổng thống Erdogan gặp đối thủ cứng - Ảnh 2.

Cuộc bầu cử vừa diễn ra có sự tham gia của cử tri đông đảo nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Twitter

Thổ Nhĩ Kỳ trong 20 năm cầm quyền của ông Erdogan

Ông Recep Tayyip Erdogan là Tổng thống thứ 12 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông từng là Thủ tướng trong giai đoạn 2003-2014 và Tổng thống từ năm 2014. Ông được coi là "Ataturk của thời đại mới" do những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nâng cao vị thế quốc tế của nước này.

Hơn 20 năm qua, khi đảng "Công lý và Phát triển" do ông Erdogan đứng đầu cầm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua chặng đường phát triển mạnh mẽ. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong top 5 về tốc độ tăng trưởng GDP trong nhóm G20. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 18 trên thế giới về GDP danh nghĩa, đạt 1.029 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 11.932 USD. Nếu tính theo sức mua tương đương, GDP Thổ Nhĩ Kỳ đạt hơn 3.573 tỷ USD và bình quân đầu người đạt 41.412 USD.

Nhờ những cải cách kinh tế triệt để của ông Erdogan, trong 20 năm qua, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp đôi, xuất khẩu tăng gấp 10 lần.

Từ năm 2006 đến 2017, dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện những cải cách đầy tham vọng và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Điều này đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vị thế nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2020, tỷ lệ nghèo của nước này đã giảm gần một nửa, xuống còn 9,8%.

Cũng trong hơn 20 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn lên từ một "người chơi khu vực" thành "người chơi toàn cầu" trong nền chính trị thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cường quốc quân sự lớn thứ hai trong NATO.

Tổng thống Erdogan đã tham gia vào giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu; mới đây nhất là vai trò trung gian hòa giải, tổ chức đối thoại Nga - Ukraine và đạt được thỏa thuận xuất khẩu lúa mỳ, giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu lương thực nghiêm trọng của các quốc gia Trung Đông và Châu Phi. Đồng thời, với việc tiếp nhận và cưu mang khoảng 4 triệu người tị nạn Syria, ông Erdogan cũng đã giúp châu Âu tránh được một cuộc khủng hoảng di cư lớn.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có mạng lưới cơ quan ngoại giao lớn thứ năm trên thế giới với 260 văn phòng ngoại giao và lãnh sự.

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kịch bản chưa từng có trong lịch sử, Tổng thống Erdogan gặp đối thủ cứng - Ảnh 3.

Tổng thống Erdogan đã tham gia vào giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu, như làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Al Jazeera

Xu hướng ủng hộ đương kim Tổng thống Erdogan

Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vòng hai. Tại vòng một, liên minh của Tổng thống Erdogan đã giành được đa số ghế trong Quốc hội và khối liên minh “ATA” của ông Sinan Ogan có thể gây ảnh hưởng để chuyển phiếu bầu của mình cho một trong hai ứng cử viên là Erdogan và Kemal Kilicdaroglu.

Về kết quả bầu cử Quốc hội, việc liên minh “Quần chúng” chiếm đa số trong Quốc hội sẽ thúc đẩy những cử tri còn do dự chưa quyết định lập trường của mình ở vòng đầu chuyển sang ủng hộ ông Ergogan, nhằm tránh sự bất ổn chính trị trong nước. Họ cho rằng, đất nước đang ổn định, việc ông Kemal thắng cử sẽ làm xáo trộn tình hình, đất nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, trước hết là cách chuyển đổi từ chế độ tổng thống sang chế độ nghị viện mà liên minh "Quốc gia" của ông Kemal nêu ra trong chiến dịch tranh cử sẽ tập trung vào.

Trong tình hình như vậy, liên minh “Quốc gia” rất khó có thể đảm bảo sự gắn kết liên tục của chế độ chính trị nếu liên minh không thực hiện được lời hứa của mình trong vận động tranh cử.

Khối của ông Sinan Ogan có quan điểm giống liên minh “Quần chúng” về người Kurd, đặc biệt đối với đảng Công nhân Kurdistan (PKK), rất có thể sẽ bầu cho ông Erdogan. Đây cũng chính là con bài ông Erdogan đang sử dụng để giành được lá phiếu của những người ủng hộ ông Sinan Ogan. Trong chiến dịch tranh cử, ông Erdogan luôn khẳng định quyết tâm chống lại người Kurd ở trong và ngoài nước thông qua các chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq chống lại lực lượng người Kurd để bảo vệ biên giới của đất nước khỏi mối đe dọa khủng bố.

Mặt khác, khối dân tộc chủ nghĩa có thể sẽ nghiêng về ông Erdogan trong vòng hai, vì quan điểm của ông gần với xu hướng dân tộc chủ nghĩa hơn so với đối thủ Kemal - người đã không nhận được sự ủng hộ ngay từ đầu của phe dân tộc chủ nghĩa.

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Kịch bản chưa từng có trong lịch sử, Tổng thống Erdogan gặp đối thủ cứng - Ảnh 4.

Khối dân tộc chủ nghĩa có thể sẽ nghiêng về ông Erdogan trong cuộc bầu cử vòng hai. Ảnh: Reuters

Cơ hội thắng cử của ông Kemal Kilicdaroglu

Việc ông Erdogan có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vòng hai không có nghĩa là ông Kilicdaroglu không có cơ hội chiến thắng. Theo hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, để đắc cử Tổng thống, ứng cử viên phải giành được ít nhất 50% số phiếu + 1 phiếu. Tại vòng một, Tổng thống Erdogan giành 49,51% số phiếu, trong khi đối thủ Kemal Kilicdaroglu giành được 44,88%. Số phiếu bầu còn lại thuộc về liên minh ATA của ông Sinan Ogan với 5,17%, và Muharram Ince - người đã rút khỏi cuộc đua - giành được 0,44%.

Như vậy, cuộc đua sắp tới sẽ chỉ còn đương kim Tổng thống Erdogan và ông Kemal Kilicdaroglu.

Phe đối lập đang tập trung xoáy vào những điểm yếu của ông Erdogan, đặc biệt là trong vấn đề người tị nạn và việc giải quyết các khó khăn kinh tế hiện nay. Ông Kilicdaroglu cam kết nếu thắng cử sẽ trả tất cả những người tị nạn về nước của họ, đồng thời nói rằng, nếu Tổng thống đương nhiệm Erdogan tái đắc cử, 10 triệu người xin tị nạn nữa sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Kilicdaroglu cũng đang tranh thủ lá phiếu của những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc của ông Sinan Ogan - người đã về đích ở vị trí thứ ba và sẽ không tham gia vòng loại trực tiếp. Sinan - một phần tử cực hữu giành được 5,2% số phiếu - trước đó đã tỏ ý chỉ ủng hộ ứng cử viên chống người nhập cư và chống người Kurd.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, hiện có 3,9 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ gồm những người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Pakistan, trong khi ông Kilicdaroglu lại cho rằng, con số này lên tới 10 triệu người.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ coi người nhập cư là một trong các vấn đề chính của cuộc bầu cử hiện nay. Nhà nghiên cứu di cư Murat Erdogan cho biết, hơn 85% dân chúng muốn những người tị nạn rời đi.

Trong khi đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tin tưởng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai với "cách biệt lớn". Phát biểu tại cuộc họp của đảng AKP cầm quyền, ông Erdogan nói: “Chúng tôi sẽ dễ dàng vượt quá số phiếu cần thiết và chúng tôi sẽ giành được chiến thắng”.

Ông Erdogan cho biết, chỉ có ông mới có thể đảm bảo được sự ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của người dân, lạm phát cao cũng như hậu quả của trận động đất kinh hoàng xảy ra hồi tháng 2 vừa qua.

Mặc dù liên minh đối lập do đảng “Nhân dân Cộng hoà” (CHP) đứng đầu đã gửi đơn khiếu nại về nghi ngờ gian lận trong cuộc bầu cử vừa qua dẫn đến việc ông Erdogan đạt được kết quả tốt hơn mong đợi. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng, những khiếu nại này sẽ không thay đổi được kết quả của cuộc bầu cử vòng một. Kết quả cuối cùng sẽ được quyết định tại cuộc tranh cử vòng hai ngày 28/5/2023 giữa đương kim Tổng thống Erdogan và đối thủ của ông là Kemal Kilicdaroglu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại