Trong danh sách ứng cử viên tuyên bố tranh cử tổng thống có 3 cái tên, nhưng trên thực tế đây chỉ là “cuộc đua song mã” giữa một bên là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và một bên là lãnh đạo đảng Nhân dân cộng hòa đối lập, ông Kemal Kilicdaroglu.
Trong tuyên bố vận động tranh cử, ông Erdogan cam kết chính phủ mới sẽ dồn lực để giải quyết khủng hoảng kinh tế, xây nhà ở cho người thu nhập thấp, giảm tỷ lệ lạm phát đã nằm ngoài tầm kiểm soát trong một thời gian dài.
Ở bên kia cuộc đua, ứng cử viên của khối Liên minh Dân tộc gồm 6 đảng đối lập, vốn không có truyền thống đồng quan điểm về hệ tư tưởng - ông Kilicdaroglu là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản, đồng thời là nhân viên lâu năm của Bộ Tài chính.
Ông Kilicdaroglu cũng từng chạy đua trong cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011, nhưng thua cuộc. Lần này, với khẩu hiệu tranh cử: “thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc” cùng cam kết thay đổi lớn đường lối lãnh đạo đất nước, ông Kilicdaroglu đang nhận được sự ủng hộ đáng kể từ những cử tri, vốn thất vọng về cách điều hành của ông Erdogan trong những năm gần đây.
Phát biểu trước khi đi bỏ lá phiếu, ông Kilicdaroglu nhấn mạnh: "Cuộc bầu cử lần này rất quan trọng đối với nền dân chủ của chúng ta, tương lai của nền cộng hòa và các thế hệ tương lai. Tôi đến đây để bỏ lá phiếu và tôi hy vọng, mọi điều tốt lành sẽ đến với mọi người”.
Cho đến thời điểm này, ai sẽ là người giành chiến thắng vẫn được xem là ẩn số do tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên không có bứt phá, dù lợi thế có phần hơi nghiêng về ông Kilicdaroglu.
Giới quan sát cho rằng, bất kể ai là người chiến thắng, đều phải gánh vác một “sứ mệnh” vô cùng khó khăn, đó là đưa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi khủng hoảng, đặc biệt là tái thiết đất nước sau thảm họa động đất.
Ông Birol Baskan, một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Cuộc đua lần này sẽ là phép thử đối với các chính sách của Tổng thống Erdogan. Tình hình kinh tế của Thổ Nhĩ là bài toán mà người chiến thắng sẽ phải tìm cách giải quyết khi đắc cử trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao".
Số liệu thống kê gần đây nhất cho biết lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức vượt 50% trong tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 11%. Theo các chuyên gia tài chính, con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều, với lạm phát có thể lên tới hơn 100% và thất nghiệp là 23%. Trong khi đó, đồng nội tệ mất giá không phanh.
Nếu thắng cử, ông Erdogan, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ cả từ quyền lực và các thể chế điều hành nhà nước sẵn có, có thể tiếp tục hiện thực hóa những tham vọng còn dang dở. Trong khi ông Kilicdaroglu, dù có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, chưa chắc đã dễ dàng trong việc điều hành một chính phủ với 6 chính đảng vốn không có truyền thống đồng quan điểm về hệ tư tưởng.
Về đối ngoại, cuộc bầu cử lần này sẽ ảnh hưởng lớn tới khu vực vì Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng, tích cực trong tình hình Syria và cuộc đàm phán Astana, đàm phán Nga - Ukraine vấn đề lương thực từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Đông, châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang dần nối lại quan hệ với các nước láng giềng.
Cuộc bầu cử này cũng sẽ định hình lại một số vấn đề trong chính sách đối ngoại, gồm vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO; mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga; chính sách di cư; vai trò đối với bất ổn an ninh châu Âu; bất hòa với Hy Lạp; căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải…
Theo giới chuyên gia, đây cũng là những vấn đề nổi cộm nhất của chính quyền Tổng thống Erdogan trong nhiều năm qua.