Ngày 23/2/2020, người phát ngôn của Uỷ ban bầu cử tối Iran Ismail Mousavi đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội (Majlis) khoá 11. Kết quả kiểm phiếu cho thấy phe bảo thủ đã giành được thắng lợi tuyệt đối với 221 trong tổng số 290 ghế, khối những người độc lập giành 34 ghế. Trong khi đó phe cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani chỉ giành được 16 ghế. Theo luật bầu cử Iran, 19 ghế còn lại không đạt số phiếu cần thiết sẽ được bầu trong phiên thứ hai tổ chức vào ngày 18/4 tới.
Tại thủ đô Tehran, các thành viên của "Hội đồng Liên minh các lực lượng cách mạng" do cựu thị trưởng Tehran Mohammad Bagher Ghalibaf đứng đầu, người thất cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 đã giành được tất cả 30 ghế dành cho Thủ đô.
So với cuộc bầu cử năm 2016 phe cải cách giành được 119/290 ghế, lần này mất 103 ghế thì đây là thất bại thảm hại của những người có tư tưởng cải cách.
Nguyên nhân thắng lợi của phe bảo thủ và thất bại của phe cải cách
Năm 2016, Liên minh cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani giành được thắng lợi lớn vì cuộc bầu cử diễn ra ngay sau khi ký Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) với các nước P5+1 và ông H. Rouhani đã đưa ra nhiều cam kết giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện đời sống của nhân dân.
Người dân Iran coi đây là một luồng gió mới, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện nhanh chóng, không khí dễ thở hơn. Tuy nhiên, 4 năm trôi qua người dân Iran đã thất vọng, tình hình không những không được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Đất nước đang phải gồng mình đối phó với nhiều khó khăn, thách thức to lớn cả về chính trị lẫn kinh tế, người dân phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày.
Quan hệ Iran với Mỹ và phương Tây không những không được cải thiện, mà còn trở nên căng thẳng hơn. Thoả thuận hạt nhân JCPOA do Tổng thống H. Rouhani là kiến trúc sư không phát huy được tác dụng và trên thực tế đã bị tan vỡ do Mỹ rút tháng 5/2018. Nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng, năm 2019 tăng trưởng -9%, đồng tiền mất giá, tỷ lệ lạm phát phi mã lên tới 35% do các biện pháp trừng phạt toàn diện của Mỹ, trong đó có việc đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về không.
Một bộ phận không nhỏ trong xã hội Iran cho rằng, tất cả những vấn đề của Iran hiện nay không chi do chính sách cấm vận của Mỹ mà còn do sự điều hành yếu kém của chính phủ của Tổng thống H. Rouhani. Tháng 11/2019, chính phủ Iran đã tăng giá xăng dầu 33% dẫn đến giá lương thực, thực phẩm và các mặt hàng khác đều tăng làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ thắng lợi của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến nay với sự tham gia của hàng triệu người trên toàn quốc. Trong tình hình như vậy, người dân Iran muốn có sự thay đổi.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của những người theo đường lối bảo thủ, cứng rắn là việc Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (lực lượng vũ trang của phe bảo thủ), đầu năm nay đã gây hận thù lớn của người dân đối với Mỹ, đẩy họ về phía phe cứng rắn.
Tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021
Việc giành được rất ít ghế trong Quốc hội không chỉ là thất bại mà là sự mất uy tín và niềm tin của người dân cũng như lãnh đạo tối cao vào phe cải cách ôn hoà của Tổng thống H. Rouhani. Thất bại này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số phận của ông H. Rouhani tại cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến tổ chức vào năm tới. Có thể nói cuộc bầu cử lần này là một phép thử đối với phe cải cách và một cuộc tập dượt chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.
Đáng lưu ý, trước cuộc bầu cử lần này, Hội đồng bảo vệ Hiến pháp dưới sự chỉ đạo của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã gạt bỏ 75% ứng viên thuộc phe cải cách khỏi danh sách bầu cử. Điều đó có nghĩa là cả lãnh đạo và người dân đều không muốn phe cải cách có ảnh hưởng lớn trong Quốc hội.
Thất bại của phe cải cách trong bầu cử là do thất bại trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ của Tổng thống H. Rouhani. Thời gian gần đây, chính bản thân ông H. Rouhani đã 3 lần đệ đơn từ chức, nhưng Giáo chủ Ali Khamenei yêu cầu ông ở lại tiếp tục điều hành các công việc của đất nước đến hết nhiệm kỳ, mặc dù phe bảo thủ đòi ông phải ra đi ngay.
Việc phe cứng rắn bảo thủ kiểm soát Quốc hội khoá 11 có nghĩa là họ sẽ kiểm soát giới hoạch định chính sách của Iran cả về lập pháp lẫn hành pháp dưới sự dẫn dắt của Đại giáo chủ Ali Khamenei. Trong tình hình như vậy, có thể nói cánh cửa để ông H. Rouhani ra tranh cử một lần nữa tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021 sẽ rất hẹp nếu không muốn nói là đã đóng sập.
Tehran sẽ xích lại gần Nga, Trung Quốc
Mặc dù vai trò của Quốc hội ở Iran không lớn, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nắm toàn quyền, nhưng phe bảo thủ nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông có thể đặt ra hướng đi cho những thay đổi. Thắng lợi áp đảo của phe bảo thủ sẽ tạo ra một bước ngoặt trong đời sống chính trị của nước Cộng hòa Hồi giáo, cán cân quyền lực sẽ chuyển từ phe cải cách sang phe cứng rắn.
Chính sách đối ngoại của những người bảo thủ từ trước tới nay được hình thành trên cơ sở bài Mỹ và phương Tây. Trở lại quá khứ, khi phe bảo thủ của ông Mahmoud Ahmadinejad thắng cử năm 2009 đã dấy lên một cao trào chống Mỹ mạnh mẽ. Ngay trước cuộc bầu cử lần này, phe bảo thủ đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, kích động tình cảm chống Mỹ và phương Tây của người dân Iran. Đây là những dầu hiệu cho thấy sắp tới sẽ có sự thay đổi lớn trong định hướng chính sách đối ngoại của Tehran.
Nếu quan hệ giữa Tehran và Washington vốn đã hết sức căng thẳng, thì với sự trở lại của các lực lượng bảo thủ cứng rắn, mối quan hệ này với Mỹ, thậm chí với các nước châu Âu, người đã không bảo vệ được Thoả thuận hạt nhân JCPOA trước sức ép của Mỹ chắc sẽ không tốt đẹp hơn. Quốc hội Iran sẽ loại bỏ bất kỳ cơ hội đối thoại trực tiếp nào với Washington.
Tehran chắc chắn sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Thoả thuận hạt nhân JCPOA, tăng nhanh tốc độ làm giàu Uranium và không loại trừ khả năng xé bỏ hoàn toàn thoả thuận này và rút ra khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Đồng thời, phe bảo thủ sẽ có những biện pháp trả thù mạnh mẽ hơn cho cái chết của tướng Qassem Soleimani, đánh vào các lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông.
Nhiều nhà quan sát chính trị dự đoán rằng, Tehran sắp tới sẽ chuyến sang thi hành mạnh mẽ chính sách đối ngoại hướng Đông, xích lại gần hơn với Nga, Trung Quốc, các nước châu Á và sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách đối với Trung Đông, một khu vực Iran có ảnh hưởng lớn. Việc tìm kiếm một thoả hiệp cho vấn đề Syria và Yemen sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tình hình Iran còn hết sức phức tạp, chưa thể xác định được do số lượng cử tri tham gia bầu cử rất thấp. Theo Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli, tỷ lệ cử tri đi bầu ngày 21/2 vừa qua chỉ đạt 42%, thấp nhất từ năm 1979 tới nay. Nhiều thông tin lọt ra ngoài cho biết tỷ lệ người đi bầu trên toàn quốc còn thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt 30%, riêng ở Thủ đô Tehran chỉ đạt 25%.