Sau 90 phút tranh luận trực tiếp "nảy lửa" trên sóng truyền hình của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người ta nói rằng nó là “một buổi trình diễn tệ hại” (Dana Bash) hay “một con tàu lao dốc không phanh” (Ari Fleischer), theo Politico.
Nhưng tại sao như vậy? Tại sao Tổng thống Trump, người vừa bị đánh mất 6 điểm trong các cuộc thăm dò và đứng trước cơ hội cuối cùng để xoay chuyển tình thế, lại bước vào cuộc tranh luận đầu tiên với ông Joe Biden với chiến lược - nếu có thể gọi những gì đã diễn ra là như vậy - thổi bùng buổi tranh luận kéo dài 90 phút với những lời lẽ mang tính bắt nạt, liên tục ngắt lời người khác và những lập luận mang tính ngụy biện?
Sẽ chẳng phải vấn đề gì to tát nếu ông Trump là người thiếu kinh nghiệm hoặc chưa từng áp dụng cách tiếp cận khôn ngoan hơn đối với những sự kiện như thế này. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của Đảng Cộng hòa hồi năm 2015 và 2016, khi có rất nhiều ứng cử viên cùng tranh vị trí ứng viên chính thức, ông Trump đã sử dụng thủ thuật sân khấu, bêu xấu tên tuổi và chiêu bài dân túy về nhập cư và thương mại để biến mình thành trung tâm của các cuộc tranh luận. Ông đã loại bỏ dần các đối thủ, vươn lên dẫn đầu cuộc bỏ phiếu và giành được đề cử trong nội bộ đảng.
Vào mùa thu năm 2016, ông Trump đã khéo léo sử dụng các vấn đề chính sách về nhập cư, thương mại và đạo luật y tế Obamacare, và các vấn đề cá nhân trong nghi vấn tham nhũng để chống lại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Phương thức này đã mang lại chiến thắng phiếu Đại cử tri tại 3 bang miền Trung Tây - Pennsylvania, Wisconsin và Michigan – vốn từ lâu có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Những buổi tranh luận hồi đó luôn chứa đầy thông tin sai lệch từ phía ông Trump, các cuộc tấn công cá nhân vô cớ và chiến thuật làm gián đoạn quá trình tranh cử. Nhưng một sự thật cần thừa nhận là Tổng thống Trump luôn thành công trong việc lan truyền thông điệp chính của chiến dịch tranh cử và sở hữu một lập luận sắc bén về các đối thủ của mình.
Lí do gì khiến ông Trump phải dùng đến chiến lược cực đoan để đối đầu với đối thủ Biden?
Chuyện của năm 2020 đã khác trước. Cuộc tranh luận đầu tiên đã không diễn ra giống như gì đã từng xảy ra cách đây 4 năm vì 3 lý do chính.
Thứ nhất, ông Trump - "vị vua" của việc xây dựng thương hiệu chính trị thông qua khẩu hiệu đơn giản và có sức nặng - dường như đã đánh mất biệt tài của mình.
Năm 2016, ông có 4 chủ điểm tranh luận bao gồm nhập cư, thương mại, Obamacare và tham nhũng. Ông đã tạo ra những khẩu hiệu rất hiệu quả như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Xây dựng bức tường biên giới”. Tuy vây, chúng ta không tìm thấy thông điệp tranh cử chính của chiến dịch tranh cử năm nay. Thực sự không có gì nổi bật.
Trong bài phỏng vấn với tờ The New York Times gần đây, khi được hỏi ông muốn làm gì trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, ông Trump đã đề cập tới việc cắt giảm các quy định và thuế, bổ nhiệm các thẩm phán có quan điểm bảo thủ và tăng cường kiểm soát biên giới.
Phóng viên của tờ báo này đã nhanh nhẹn ghi lại câu trả lời quanh co của tổng thống và câu nói này sau đó đã nhanh chóng trở thành câu nói phổ biến trên mạng Internet: "Nhưng tôi nghĩ, tôi nghĩ nó sẽ như vậy, tôi nghĩ nó sẽ rất, rất, tôi nghĩ chúng ta sẽ có rất, rất vững chắc, chúng ta sẽ tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm. Chúng ta sẽ củng cố những gì chúng ta đã hoàn thành. Và chúng ta có còn những thứ khác cần phải thực hiện".
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đưa ra chương trình nghị sự nhiệm kỳ thứ hai với các mục tiêu rất tham vọng như: “Tạo 10 triệu việc làm mới trong 10 tháng”, “Khống chế dịch Covid-19”, và những từ ngữ phổ biến trong giới bảo thủ như “Dạy cho người Mỹ về chủ nghĩa biệt lệ”, nhưng ngài tổng thống không hề hào hứng thảo luận về chương trình nghị sự này hoặc điểm chính trong kế hoạch.
Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AP
Thứ hai, cách đây 4 năm, Tổng thống Trump đã có một chiến dịch tấn công chống lại bà Hillary Clinton với các luận điệu công kích rõ ràng và ngắn gọn khi cáo buộc bà Clinton là một quan chức tham nhũng trong chính quyền và ông Trump sẽ tống bà vào tù nếu trở thành tổng thống Mỹ. Vị tỷ phú đến từ New York đã liên tục nhấn mạnh việc cựu Ngoại trưởng Mỹ đã chủ động xóa email cá nhân.
Nhưng ông Biden dường như một mục tiêu khó tấn công hơn. Đôi khi đối thủ của ông Trump là "Ông Joe ngái ngủ", nhưng có lúc lại là một người cấp tiến nguy hiểm. Vào thời điểm này trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm, bà Clinton đã trở thành một “tội đồ” trong lòng cử tri ủng hộ ông Trump. Những cử tri năm nay dường như không thể hiện thái độ tiêu cực gì với cựu phó tổng thống Mỹ.
Cuối cùng, và quan trọng nhất, ông Trump hiện tại đang phải mang một gánh nặng về hồ sơ thuế cá nhân, một nhân tố sẽ khiến ông mất sự tín nhiệm của cử tri trong nhiều năm tới, ngay cả trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đỉnh cao. Ông Trump không phải là chính trị gia Mỹ đầu tiên thắng cử tổng thống khi tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa dân túy và không thuộc hệ thống quan chức chính phủ. Chiêu thức này đã trở nên nhàm chán với cử tri Mỹ.
Bỏ qua các lời xúc phạm và sự gián đoạn có chủ đích liên tục của ông Trump trong cuộc tranh luận, phần chủ đề mất điểm nhất của ông Trump đối với khán giả chính là việc ông bị đối thủ tranh luận về cách thức kiểm soát đại dịch COVID-19, hồi phục nền kinh tế và tăng cường năng lực ngành y tế, đặc biệt là ảnh hưởng của việc hủy bỏ đạo luật y tế Obamacare.
Tất cả những yếu tố gồm không có thông điệp tranh cử chủ đạo, không có lập luận sắc bén chống lại đối thủ và không có lý lẽ thuyết phục để biện hộ cho hồ sơ thuế cá nhân đang khiến cho ông Trump đã sử dụng đến các biện pháp cực đoan. Có lẽ đó là lý do cho thái độ bắt nạt cả đối thủ Biden và điều phối viên cuộc tranh luận Chris Wallace, người đã bất lực trong việc kiểm soát sự ngắt lời của tổng thống. "Ngài Tổng thống, xin hãy dừng lại” - câu nói của nhà báo Wallace trong cuộc tranh luận dường như đã nói lên nỗi lòng của nhiều khán giả.
Dù có đạt được thành tựu gì, thì chiến thuật tranh cử này của ông Trump rõ ràng được sinh ra từ sự tuyệt vọng từ một ứng cử viên tổng thống đang sa lầy vào một cuộc khủng hoảng y tế mà ông đã mất quyền kiểm soát, với tỉ lệ tín nhiệm cử tri trong các cuộc thăm dò lao dốc không phanh, và đang phải đấu tranh trong tuyệt vọng để thuyết phục cử tri Mỹ rằng mình vẫn xứng đáng đảm nhận thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa, Politico kết luận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: