Bầu cử Mỹ 2020: Điểm yếu đối ngoại và “vũ khí” chưa được tận dụng của Biden

Kiều Anh |

Ông Biden đang có nhiều lợi thế so với ông Trump nhưng ứng viên đảng Dân chủ cũng có những điểm yếu và chưa tận dụng được “tài nguyên” sẵn có của mình.

Điểm yếu đối ngoại của Biden

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà Tổng thống Trump đã rút khỏi năm 2018 nhận định sáng 18/8 (giờ Mỹ) rằng: "Nước Mỹ xứng có một Tổng thống để kỳ vọng chứ không phải để cười nhạo", đồng thời khẳng định ông Biden là người có thể "bắt đầu nỗ lực lắp ráp lại những mảnh ghép mà Tổng thống Trump đã tách rời".

Tuy nhiên, việc ráp lại các mảnh ghép có lẽ không phải là một lựa chọn khả thi khi tình hình quốc tế đã biến động rất khác so với lần cuối ông Biden bước ra khỏi Phòng Tình huống dưới thời Tổng thống Obama.

Căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang trong khi đảng Dân chủ, vốn vẫn chú tâm vào các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016, lại ngày càng cứng rắn hơn trong việc đối phó với Moscow. Vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn rơi vào bế tắc, đối đầu Ấn Độ - Pakistan tiếp tục phức tạp trong khi những vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran khiến những chia rẽ trong lòng Trung Đông trở nên khó có thể hàn gắn.

Ông Biden hầu như đưa ra rất ít các kế hoạch chi tiết để đối phó với một thế giới đang biến động không ngừng này. Thay vào đó, thông điệp phổ biến nhất trong Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ lại là: Hãy tin vào Biden, một người từng điều hành Ủy ban Đối ngoại, từng tham gia vào quyết định tiêu diệt Osama bin Laden, giải quyết các vấn đề liên quan đến lò phản ứng hạt nhân Iran hay các cuộc tấn công mạng. Với ông Trump và những người ủng hộ ông, đây là điểm yếu của ông Biden bởi dường như quay lại chính sách đối ngoại “tiền Trump” không phải một chiến lược phù hợp với tình hình nước Mỹ hiện nay.

“Vũ khí bí mật” chưa được tận dụng

Có nhiều nhận định cho rằng chỉ trong chưa đầy 4 năm, chính quyền Tổng thống Trump đã hủy hoại sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ Latin. Tuy nhiên, Donald Trump, người từng giành được 28% tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ Latin năm 2016, vẫn là lựa chọn của gần 20% bộ phận cử tri này, một con số đủ để tạo nên khác biệt trong một cuộc đua sít sao giữa 2 ứng viên.

Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ 20% cử tri Mỹ Latin ủng hộ ông Trump thì có phải đa phần bộ phận cử tri này đang ủng hộ ông Biden hay không. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy. Trái lại, ông Biden đang phải xoay xở để tìm cách kết nối với bộ phận cử tri này.

Theo một vài ước tính, gần 60% cử tri Latin đủ điều kiện đi bỏ phiếu sinh sống ở các bang chiến địa, sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử năm 2020. Việc tập hợp các cử tri này, hầu hết là những người trẻ và có thái độ tiêu cực với ông Trump, sẽ có vai trò quan trọng để giúp ông Biden đảm bảo chiến thắng.

Nhà quan sát Chuck Rocha cho biết trên New York Times, hiện nay, chiến dịch của ông Biden đang dành 800.000 USD/tuần cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình bằng tiếng Tây Ban Nha nhưng trong thời kỳ Covid-19, cách vận động lỗi thời này có thể không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, một chiến lược "đa tầng" như tận dụng phát thanh kỹ thuật số, quảng cáo trên các tờ báo bằng tiếng Tây Ban Nha và gửi thư song ngữ giải thích kế hoạch tái xây dựng nền kinh tế, sẽ là điều kiện cần để ông Biden phát huy khả năng truyền tải thông điệp của mình.

Có một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù thông điệp chống Trump phần nào hữu ích với chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden những rõ ràng các cử tri cần nhiều hơn thế bởi họ đang cân nhắc xem nếu không phải là Trump, liệu "chính quyền Biden" sẽ đem lại điều gì cho họ.

Hiện nay, ông Biden có một "vũ khí bí mật" để thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ Latin, đó là bà Kamala Harris, người mà cựu Phó Tổng thống đã lựa chọn tham gia vào liên danh tranh cử của ông. Bà Hariss, người sống trong một gia đình nhập cư đa văn hóa, có thể là cầu nối cho ông Biden và cộng đồng người Mỹ Latin. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 52% cử tri Mỹ Latin ở các bang chiến địa cho biết việc ông Biden chọn bà Harris làm liên danh tranh cử khiến họ có khả năng bỏ phiếu cho ông nhiều hơn.

Dù vậy, theo nhà quan sát Paul Waldman nhận định trên Washington Post, khi nhìn lại các chiến dịch bầu cử Tổng thống thành công trước đó, chúng ta sẽ nhận thấy một điểm chung, đó là người chiến thắng không nhất thiết là người có tài năng nhất (mặc dù đôi khi điều này vẫn đúng) mà thay vào đó là người phù hợp nhất với thời điểm hiện tại của đất nước.

Vào đêm Donald Trump trở thành Tổng thống năm 2016, một sự thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra giữa các cử tri đảng Dân chủ. Họ không còn muốn một người thu hút nhất hay một người đề xuất một chương trình thay đổi toàn diện nhất hoặc một người có thể đảm bảo tương lai của đảng nữa. Thay vào đó, họ muốn một ứng viên ít xung đột nhất với các cử tri khác, nói cách khác là một người da trắng lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm và có thái độ ôn hòa.

Khi đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế tấn công nước Mỹ, nhu cầu về một ai đó như ông Biden - một người có kinh nghiệm, bình tĩnh và đáng tin lại càng trở nên mạnh mẽ hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại