Bất thường hóa lệ thường: Những trận lũ "trăm năm có một" ở TQ có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn?

Hồng Anh |

Với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều diễn biến thời tiết bất thường, những quốc gia như Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chuẩn bị đối phó với lũ lớn, theo CNA.

Trung Quốc đang phải đối phó với một đợt lũ lụt nghiêm trọng, có thể tác động nặng nề tới hàng trăm triệu người dân sinh sống tại các tỉnh miền Nam của nước này, theo Channel News Asia (CNA - Singapore).

Mực nước tại 433 con sông của nước này đã dâng cao đến ngưỡng nguy hiểm kể từ đầu tháng 6, trong đó gồm 33 con sông có mức nước dâng cao kỷ lục.

Đến giữa tháng 7, gần 38 triệu dân tại 27 tỉnh thành của Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng của lụt, với 141 người thiệt mạng hoặc mất tích. Con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Trong thông cáo ngày 9/7, Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết đã có khoảng 1,72 triệu người dân được sơ tán, 22.000 ngôi nhà bị nước lũ phá hủy, và thiệt hại kinh tế trực tiếp được ước tính vào khoảng 8,81 tỉ USD.

Chỉ 3 ngày sau thông cáo trên, số người được sơ tán đã tăng lên 2,25 triệu người; 1,26 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp, 209.000 ha đất trồng trọt bị nước lũ tàn phá, và thiệt hại kinh tế trực tiếp đã tăng thêm gần 30%, lên mức 11,75 tỉ USD, theo CNA.

Bất thường hóa lệ thường: Những trận lũ trăm năm có một ở TQ có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn? - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Lịch sử lũ lụt lâu đời

Trong suốt lịch sử phát triển đất nước, Trung Quốc thường xuyên phải hứng chịu các trận lũ lụt.

Tại Trung Quốc cổ đại 4000 năm trước, nơi những câu chuyện lịch sử thường đan xen với những truyền thuyết kỳ ảo, Hoàng đế Hạ Vũ - người thành lập nhà Hạ - được cho là đã có công phát triển các kỹ thuật trị thủy, chinh phục dòng nước lũ trên sông Hoàng Hà và cứu sống nhiều sinh mạng khỏi thiên tai.

Sông Hoàng Hà là con sông lớn thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau sông Dương Tử (Trường Giang), và là con sông lớn thứ 6 trên thế giới. Con sông này thường xuyên đón những trận lũ với quy mô khủng khiếp đến mức người dân ví những trận lũ trên sông Hoàng Hà là "nỗi đau đớn của Trung Quốc".

Trong số 10 trận lũ lớn nhất trong lịch sử thế giới 100 năm qua, 7 kỷ lục đã được ghi nhận tại Trung Quốc: 5 trận lũ lịch sử trên sông Dương Tử (vào các năm 1911, 1931, 1935, 1954 và 1998), 2 trận lũ lịch sử trên sông Hoàng Hà (vào các năm 1887 và 1938).

Thực tế, trận lũ khốc liệt nhất thế giới đã diễn ra trên sông Dương Tử và sông Hoài vào năm 1931. Sau 2 năm hạn hán nghiêm trọng, tình trạng mưa lớn liên tục tại vùng trũng đông dân bên sông Dương Tử đã gây ra trận lũ này: Khu vực bị ảnh hưởng có quy mô rộng lớn bằng diện tích của Anh và Scotland cộng lại.

Hơn 2 triệu sinh mạng đã bị trận lũ này cướp đi, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng khác là dịch bệnh và suy dinh dưỡng. Khoảng 40% những người bị trận lũ năm 1931 tại Trung Quốc ảnh hưởng đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Lũ lụt chắc chắn là một trong những loại hình thiên tai khắc nghiệt nhất, khủng khiếp nhất.

Trong giai đoạn từ năm 1995-2015, trên toàn thế giới đã ghi nhận khoảng 3.000 trận lũ lụt lớn nhỏ, ảnh hưởng tới gần 2,3 tỉ người. Kể từ năm 1980, lũ lụt đã khiến kinh tế toàn cầu tổn thất hơn 1.000 tỉ USD.

Với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều diễn biến thời tiết bất thường, những quốc gia như Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chuẩn bị đối phó với lũ lớn.

Bất thường hóa lệ thường: Những trận lũ trăm năm có một ở TQ có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn? - Ảnh 4.

Ảnh: Reuters

Nguy hiểm thực sự vẫn đang ở phía trước?

Tác động của những trận lũ gần đây đã chứng minh thiệt hại của lũ lụt có thể nghiêm trọng đến mức nào.

Tuần trước, 4 thành phố bao gồm Hàm Ninh và Trịnh Châu (tỉnh Hồ Bắc), Nam Xương và Thượng Nhiêu (tỉnh Giang Tây), đã ban bố mức cảnh báo khẩn cấp cao nhất. Chỉ riêng tại tỉnh Giang Tây, đã có 5,5 triệu người bị lũ lụt ảnh hưởng. Tính đến ngày 13/7, đã có gần 500.000 người dân của tỉnh này phải sơ tán.

Tuy nhiên, theo CNA, Trung Quốc có thể vẫn chưa bước vào giai đoạn lũ lụt nguy hiểm nhất trong năm nay. Theo dữ liệu từ những năm trước, những trận lũ lớn và nghiêm trọng nhất thường xảy ra vào khoảng cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, sau đó các trận mưa lớn mới giảm dần.

Đợt lũ gần đây nhất đã gần đạt đến quy mô của trận lũ lịch sử tại vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử năm 1998, xảy ra từ khoảng giữa tháng 6 đến đầu tháng 9 năm đó. Trận lũ năm 1998 đã ảnh hưởng tới hơn 180 triệu người dân và phá hủy 13 triệu ngôi nhà.

Tại hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, mực nước đã dâng cao đến 22,6m vào ngày 13/7 - mức cao kỷ lục trong lịch sử Trung Quốc.

Trong cuộc họp với Hội đồng Nhà nước vào ngày 8/7, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi toàn quốc nỗ lực giải cứu và cứu trợ, đồng thời đặt nhiệm vụ cứu mạng người lên hàng đầu.

Trong khi đó, cục quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc cho biết hơn 500 công trình di sản như cầu cổ, tường thành và các công trình lịch sử tại 11 tỉnh thành trên toàn quốc đã bị nước lũ tác động trên nhiều mức độ.

Bất thường hóa lệ thường: Những trận lũ trăm năm có một ở TQ có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn? - Ảnh 7.

Ảnh: Reuters

Những trận lũ "trăm năm có một" tại Trung Quốc có thể xảy đến thường xuyên hơn?

Ngoài những nỗ lực cứu hộ, viện trợ nhân đạo và xử lý thảm họa tức thời, Trung Quốc cũng cần đẩy mạnh các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng dài hạn để giảm nhẹ những tác động của lũ lụt, theo bài viết của CNA.

Điều này cần kết hợp với việc phát triển các chiến lược sử dụng đất hiệu quả, các hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống tổ chức sơ tán hiệu quả khi những trận lũ lớn ập đến.

Ngoài các công trình thủy điện, Trung Quốc cũng đã đầu tư vào các dự án đánh giá rủi ro thông qua việc xác định mức độ phát triển ở những vùng dễ bị lũ lụt tác động, điểm yếu của các khu vực này và những biện pháp khả thi để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt tấn công, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu của các khu vực này.

Những dự án nói trên bao gồm các thành phố bọt biển, phục hồi các khu đầm lầy tự nhiên, xây dựng các đầm lầy nhân tạo ở các thành phố mới và các vườn mưa ở nhiều thành phố.

Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và big data trong lĩnh vực dự báo thời tiết, theo dõi tình hình lũ lụt và cảnh báo sớm đến các địa phương.

Các cơ sở hạ tầng chống lũ dọc các con sông cũng đang được Trung Quốc tiếp tục xây dựng, bao gồm các đê, đập, hệ thống thoát nước, kênh đào, các tòa nhà chống lũ... Đặc biệt, các công trình này cũng được bổ trợ bằng những giải pháp "xanh" như dự án thành phố bọt biển, vườn mưa, đầm lầy nhân tạo, vỉa hè thấm nước...

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về việc thực hiện dự án thành phố bọt biển và kiểm soát lũ; tuy nhiên nước này và nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn gặp một vấn đề lớn trong việc xác định quy mô và thời gian lũ lụt kéo dài, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Một thực tế khắc nghiệt là ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có đủ kiến thức về việc dự đoán chính xác quy mô những trận lũ lớn có nguy cơ trở thành tình trạng khẩn cấp quốc gia. Điều Trung Quốc đang phải đối mặt gần đây chính là ví dụ trực quan cho vấn đề này.

Như vậy, mặc dù Trung Quốc đã có kinh nghiệm đầy mình trong lĩnh vực ứng phó với lũ lụt, nhưng nước này vẫn phải chật vật khi phải đối đầu với một "kẻ thù" ngày càng lớn dần về quy mô, sức mạnh và tần suất.

Rõ ràng, đã đến lúc các thành phố lớn tại Trung Quốc và toàn thế giới cần bắt đầu bảo vệ người dân của mình trước những trận lũ lớn có thể xảy ra trong các thập kỷ tới, tận dụng những sáng kiến "xanh" và các cơ sở hạ tầng của mình.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại