* LTS: Nếu bạn có nghĩ rằng "ôi diệt bọ gậy, muỗi cũng vô ích vì muỗi... nhà hàng xóm, từ bên ngoài sẽ bay vào nhà mình" thì bạn đã lầm! Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rằng: chỉ cần xử lý tốt lũ bọ gậy và muỗi trong nhà bạn là đủ! (Nếu cẩn thận hơn thì nhắc nhở hàng xóm cùng làm như mình).
Cần nhớ, dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng, diễn biến khôn lường, cả nước đã có khoảng 100.000 ca mắc, theo số liệu chính thức gần 30 người đã tử vong.
Những ngày gần đây, hầu như ai ở Thủ đô cũng thường xuyên nhận được tin nhắn vào số di động, gửi từ tài khoản ghi UBND TP Hà Nội, với nội dung khuyến cáo phòng chống sốt xuất huyết. Điều này cho thấy một nỗ lực lớn từ các ban ngành của thành phố nhằm ngăn chặn căn bệnh vô cùng nguy hiểm này.
Trong thông báo mới nhất, người viết nhận được tin nhắn với thông điệp gồm 4 mục rất rõ, trong đó ưu tiên đầu tiên là "diệt bọ gậy". Cụ thể như sau: "Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đề nghị người dân:
1. Lật úp các đồ vật chứa nước, thu gom tiêu hủy phế liệu phế thải, thả cá... để diệt bọ gậy.
2. Chấp hành việc phun thuốc để diệt muỗi truyền bệnh.
3. Nằm màn ngay cả ban ngày, dùng kem hoặc hương xua muỗi.
4. Đến ngay các cơ sở y tế khi nghi mắc sốt xuất huyết để được khám và điều trị.
Như vậy, có thể thấy trong 4 nhóm giải pháp thì nhóm giải pháp 1 và 2 là có tính chủ động, diệt dịch từ gốc, và phải được sự chung tay của từng người, từng gia đình mới mong ngăn dịch tiến triển.
Để góp phần nâng cao nhận thức đối với vấn đề này, dưới đây là bài viết giúp bạn đọc hiểu thêm tập tính của loài muỗi vằn, qua đó nâng cao ý thức tiêu diệt nguồn lây bệnh đáng sợ này.
HIỂU TẬP TÍNH MUỖI VẰN
CẢ NHÀ TRÁNH XA DỊCH BỆNH
Đặc điểm 1: Hình dáng cơ thể
Aedes aegypti (dân gian gọi là muỗi vằn) là tên khoa học của muỗi hổ châu Á - Loài muỗi có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết từ người bị bệnh sang người lành thông qua việc đốt một lần duy nhất.
Đặc điểm cơ thể để nhận biết chúng là: Chân và thân có khoang trắng, đen.
Muỗi cái hút máu để lấy dưỡng chất nuôi trứng. Khác với các loài muỗi khác, muỗi vằn đốt rất dai dẳng. Chúng chỉ từ bỏ đối tượng sau khi đã no máu!
Ngoài truyền bệnh sốt xuất huyết, muỗi vằn còn truyền các bệnh nguy hiểm khác lên hàng trăm triệu người trên thế giới mỗi năm như Zika, sốt Chikungunya và sốt gây vàng da. Theo đó, khiến khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì muỗi.
Ảnh gốc: Staticflickr.com.
Đặc điểm 2: Thời điểm "đi săn" lý tưởng của muỗi vằn
Không giống như muỗi đực, muỗi cái chuyên đi hút máu, trong đó có máu con người. Thời điểm chúng "lên đường" đi kiếm ăn được các nhà khoa học xác định là từ khoảng hai giờ trước khi Mặt trời mọc và vài giờ trước khi Mặt trời lặn (tức là vào sáng sớm và chiều tối).
Đó là khoảng thời gian đi hút máu yêu thích nhất của muỗi cái. Ngoài ra, nếu có cơ hội, chúng hoàn toàn có thể đốt chúng ta vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Ảnh gốc: Guruguay.com
Đặc điểm 3: Không gian trú ngụ yêu thích của muỗi vằn
"Muỗi thích nhà của chúng ta như chính nhà của chúng" - là cách các nhà khoa học miêu tả phạm vi sinh sôi, trú ngụ và kiếm ăn của loài muỗi vằn.
Loài muỗi vằn (cái) chuyên hút máu người có thể sống từ 30 đến 40 ngày. Cũng như nhiều loài muỗi khác, muỗi vằn có vòng đời trải qua 4 giai đoạn: Trứng muỗi, bọ gậy, cung quăng và muỗi trưởng thành.
Để diệt muỗi sinh sôi nảy nở, các nhà khoa học khuyến khích diệt chúng ngay từ khi còn là bọ gậy (vì trứng muỗi quá nhỏ để chúng ta phát hiện thấy).
Môi trường ẩm thấp, ít ánh sáng, có nước tù đọng sẽ là những nơi trong nhà chúng ta được muỗi lựa chọn để trú ngụ và đẻ trứng. Từ nắp chai chứa nước, đến các chai, lọ đến chậu cây cảnh, cốc nước... tất cả đều có thể là "bến đỗ" cho muỗi cái đẻ trứng. Trong suốt vòng đời của muỗi cái, chúng có thể đẻ tổng 500 trứng.
Vòng đời của muỗi.
Sau khi đẻ trứng tại chính các vật dụng có trong ngôi nhà chúng ta, chúng sẽ chẳng phải đi đâu xa để kiếm ăn, muỗi vằn sẽ hút máu chính những chủ nhân của ngôi nhà.
Rồi khi các con chúng có cơ hội phát triển thành muỗi trưởng thành, các con chúng sẽ lại trú ngụ trong những nơi ẩm thấp trong nhà chúng ta!
Vì theo nghiên cứu của các nhà khoa học, loài muỗi này bay xa nhất khỏi nơi chúng ở chỉ trong vòng bán kính hơn 1km!
Hiểu được phạm vi sinh sôi, tập tính sinh sống của loài muỗi vằn như trên, chúng ta đã hiểu vì sao hãy tập trung tiêu diệt chúng triệt để trong ngôi nhà của mình, để chúng không có cơ hội phát triển, hạn chế được khả năng bị hút và nhiễm bệnh nguy hiểm.
Đặc điểm 4: Những "con mồi" dễ bị muỗi tấn công
Loài muỗi có thể ngửi thấy các loại mùi yêu thích của chúng từ cơ thể chúng ta ở khoảng cách 30m. Vì chỉ sống trong phạm vi hẹp (ở chỗ tối trong nhà chúng ta) nên con người, vật nuôi là những đối tượng chúng thường đậu đến để hút máu.
Đặc biệt, với những người hơi thở có mùi hôi và mùi mồ hôi nặng thường là đối tượng "hút" muỗi nhất.
Vì thế, việc giữ gìn cơ thể sạch sẽ, thơm tho cũng là cách đuổi muỗi tránh xa.
Ảnh gốc: Almrsal.com
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...
3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
* Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, cùng cộng đồng đẩy lùi thành công dịch bệnh sốt xuất huyết!
Nguồn tham khảo: Cục Y tế Dự phòng, Megacatch.com, Oxitec.com