V-League 2018 còn chưa khai màn, nhưng có thể khẳng định ngay từ lúc này: CLB TPHCM sẽ là một trong những đội bóng đáng chú ý nhất. Không chỉ vì những tân binh đáng chú ý như Rodrigo Possebon - cựu sao trẻ của Manchester United, Gustavo Santos Costa - tài năng người Brazil từng chinh chiến ở J-League hay những Phi Sơn, Hải Anh,... CLB TPHCM còn có sự hiện diện của Toshiya Miura trên ghế huấn luyện. Một trong những HLV tạo nên làn sóng chia rẽ sâu sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Miura chính thức trở lại Việt Nam để dẫn dắt CLB TPHCM.
Miura đã thành công hay thất bại sau hai năm nắm quyền tại U23 và ĐTQG? Cho đến hôm nay, đó vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Đời HLV như "làm dâu trăm họ", đến Pep Guardiola hay Jose Mourinho còn có người khen, kẻ chê, xá gì chiến lược gia còn khá vô danh trong ngày bén duyên với bóng đá Việt.
Miura được ngợi ca không ít, mà bị chê bai, vùi dập cũng nhiều. Một trong những người đả kích ông nặng nề nhất, chẳng ai khác ngoài bầu Đức.
"Miura là HLV ngoại tệ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Chưa có ai dở hơn. Lật lại lịch sử và so sánh với những HLV như Calisto xem tôi nói như thế có đúng không?
Tôi nói hoàn toàn trên phương diện cá nhân, chứ không phải tư cách gì, thế nên tôi chẳng sợ gì, tất cả chỉ muốn tốt cho bóng đá Việt Nam.
Còn ông Miura thì bóng đá Việt Nam sẽ không phát triển với lối chơi như thế và ông ta không bao giờ xài được các cầu thủ HAGL" - bầu Đức khẳng định bên lề Hội nghị BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam lần thứ 5.
Phát biểu của bầu Đức được đưa ra vỏn vẹn sáu tháng sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 28. Một cái tát chí mạng dành cho Miura, dù ông thầy người Nhật khẳng định hầu như không để tâm đến truyền thông Việt Nam, không xao nhãng với những ý kiến trái chiều bởi đơn giản: ông không biết tiếng Việt. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là câu trả lời khéo léo của Miura để không đẩy sự việc lên đến cao trào.
Bị bầu Đức đả kích, ghét bỏ? Miura biết. Bị một bộ phận người hâm mộ lên tiếng phản đối với lối chơi không phù hợp với cầu thủ Việt Nam? Miura biết. Khó nơi nào trên thế giới lại như bóng đá Việt Nam. Đội tuyển thắng (vượt qua Đài Loan với tỉ số 2-1) mà HLV bị đấu tố, mổ xẻ, chửi bới cứ như thể thất bại tơi bời.
Đánh giá về Miura, có lẽ chín người mười ý. Hãy làm một phép so sánh đơn giản thế này.
Trước khi Miura đến, tuyển Việt Nam thảm bại ở vòng bảng AFF Cup và vòng bảng SEA Games. U23 Việt Nam không biết mùi dự vòng chung kết châu Á, còn Olympic Việt Nam cũng không có thành tích thực sự khả quan ở ASIAD.
Miura đến, đưa tuyển Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup, giành huy chương đồng SEA Games. U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games 28 ghi được 23 bàn/ 7 trận - thành tích ấn tượng nhất trong lịch sử các kỳ tham dự, đồng thời giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á lần đầu tiên. Olympic Việt Nam thắng vang dội 4-1 trước Iran để vượt qua vòng bảng.
Sau ngày Miura đi, tuyển Việt Nam cũng dừng bước ở bán kết AFF Cup và U23 Việt Nam có vé dự vòng chung kết U23 châu Á. Rút kinh nghiệm so với người tiền nhiệm, HLV Hữu Thắng đã "xài các cầu thủ HAGL". U22 Việt Nam thảm bại ở vòng bảng SEA Games 29 trước khi ông thầy người Hà Tĩnh phải từ chức.
Không so sánh với những người đồng nghiệp Alfred Riedl hay Henrique Calisto với nhiều năm làm việc ở Việt Nam, không chiến lược gia nào (từ nội đến ngoại) đủ sức sánh ngang với Miura về mặt thành tích trong hai năm làm việc. Nhưng thật trái ngang, chẳng HLV nào bị chỉ trích và yêu cầu ra đi nhiều như chiến lược gia người Nhật Bản.
Chiều lòng khán giả Việt - với một bộ phận ảo tưởng về sức mạnh của đội tuyển quốc gia, không bao giờ là điều dễ dàng. Miura hiểu và chấp nhận điều đó. Ông dang đôi tay, hứng chịu sức ép và hoàn thành gần hết nhiệm vụ giữa bão tố dư luận.
Hôm nay, Miura trở lại. Bối cảnh khác, nhưng khát khao vẫn thế. Miura cần câu trả lời đanh thép để dập tan chỉ trích và định kiến ngày nào. Mà câu trả lời ấy, còn gì đáng giá và thuyết phục hơn là những chiến thắng?
Mà kể ra, "HLV ngoại tệ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam" được một trong những đội bóng giàu tham vọng nhất mùa tới chào mời, nghe đã có gì đấy... sai sai thì phải!