U23 Việt Nam xuất trận: "Điền Kỵ đua ngựa" hay dao sắc chẳng gọt nổi chuôi đây?

Tâm Anh - Ảnh: Tiên Lâm |

Oái oăm thay, "ngọn núi cao" đầu tiên mà HLV Park Hang-seo phải vượt qua cùng U23 Việt Nam ở giải đấu chính thức đầu tiên lại là đội bóng quê hương - U23 Hàn Quốc.

Lựa chọn - có lựa chọn à?

Chẳng mấy khó hiểu khi HLV Park Hang-seo chọn lối chơi kiểm soát bóng với những đường chuyền ngắn, nhanh và chính xác cho U23 Việt Nam. Nhiều người đoán rằng bởi nó hợp với nhân sự của đội tuyển, chính xác hơn là với "quân bầu Đức". Cũng chẳng sai, nhưng chỉ là phần nào đó. Phần còn lại là nhà cầm quần người Hàn Quốc này chưa bao giờ chọn lối chơi khác.

Hơn 8 năm trước, HLV Park Hang-seo đã từng đụng độ với chính U23 Việt Nam lúc đó ngay trên sân Mỹ Đình với vai trò HLV trưởng của CLB Chunnam Dragons. Đội bóng của HLV Park đã chiến thắng 2-1 bằng lối chơi bóng ngắn, phối hợp nhỏ đến tận cầu môn, dù đội bóng Hàn Quốc lúc đó có lợi thế về thể hình và thể lực, hoàn toàn có thể thực hiện lối pressing đặc trưng Hàn Quốc.

Quay ngược thời gian trở về giai đoạn ông Park cầm quân tạm quyền ở ĐTQG Hàn Quốc sau khi HLV Huh Jung-Moo từ chức, lối chơi ban bật nhỏ, kiểm soát bóng cũng được ông triển khai triệt để.

U23 Việt Nam xuất trận: Điền Kỵ đua ngựa hay dao sắc chẳng gọt nổi chuôi đây? - Ảnh 1.

Trải qua rất nhiều thời kỳ, nhưng phong cách bóng đá của HLV Park Hang-seo là bất biến.

Hai năm sau, ở ASIAD 2002, U23 Hàn Quốc thất bại trước Iran ở trận bán kết bởi tay ông Park Hang-seo cũng áp dụng lối chơi tương tự. Và từ đó, cánh cửa lên đội tuyển Hàn Quốc của ông Park khép lại.

HLV Park Hang-seo đã tuyên bố sẽ "chơi sòng phẳng" với U23 Hàn Quốc. Ông có nhiều lý do để làm điều đó, thậm chí như HLV Lê Thụy Hải từng đoán, có thể là do nhà cầm quân này muốn "trả thù" Hàn Quốc vì đã không trọng dụng ông. Nhưng trên hết, bởi vì HLV Park Hang-seo không còn lựa chọn nào khác. Lối chơi ấy không phải để phòng thủ, nhất là trước một đối thủ lớn như U23 Hàn Quốc.

Ở một giải đấu lớn, sự khôn khéo bố trí sự tập trung cho từng trận đấu là cực kỳ quan trọng, ví dụ như cái cách "Điền Kỵ đua ngựa" mà Sử ký Tư Mã Thiên đã ghi lại, nói nôm na là "bỏ qua" đối thủ mạnh, dành sức tập trung vào các đối thủ "vừa sức". Nhưng với U23 Việt Nam dưới bàn tay của "tướng" Park, đấy không bao giờ là lựa chọn.

U23 Việt Nam xuất trận: Điền Kỵ đua ngựa hay dao sắc chẳng gọt nổi chuôi đây? - Ảnh 2.

Lối chơi phòng ngự tiêu cực chưa bao giờ có trong từ điển của HLV Park Hang-seo.

Người ta nói rằng sở dĩ CLB hạng 3 Hàn Quốc mà HLV Park Hang-seo dẫn dắt ngay trước khi nhận lời sang Việt Nam bết bát đến vậy, với 11 trận thua cùng 3 trận hòa ở chuỗi 14 trận gần nhất, là bởi bất chấp thực lực của CLB, ông Park vẫn một mực giữ nguyên lối chơi của mình.

Bóng ma Hữu Thắng?

Quả tình mà nói, lối chơi mà HLV Hữu Thắng từng áp dụng cho ĐTQG Việt Nam và U22 Việt Nam là rất đẹp, rất đáng xem... trước các đối thủ nhỏ và các trận giao hữu vô thưởng vô phạt, tức gặp đối thủ yếu hơn nhiều.

Lối chơi ấy giúp các cầu thủ tấn công của Việt Nam, nhất là các cầu thủ đậm chất kỹ thuật và ban bật ăn ý như quân HAGL thể hiện được rất nhiều phẩm chất kỹ thuật của mình, miễn là đối thủ "vừa miếng" đủ để thầy trò HLV xứ Nghệ "đè" được bằng lối chơi đẹp mắt ấy.

Nhưng một khi gặp các đối thủ ngang tầm và mạnh hơn, lối chơi ấy hoàn toàn phá sản. Hai thất bại nặng nề ở AFF Cup 2016 và SEA Games 29 là minh chứng rõ ràng nhất.

U23 Việt Nam xuất trận: Điền Kỵ đua ngựa hay dao sắc chẳng gọt nổi chuôi đây? - Ảnh 3.

Liệu U23 Việt Nam có thể khi bàn khi đối thủ chơi tập trung và sòng phẳng?

Trong trận đấu với CLB Ulsan Hyundai trên sân Hàng Đẫy, khi đối thủ thể hiện hai bộ mặt trái ngược rõ rệt ở hai hiệp đấu, người ta lại được thấy lại lối chơi của thầy trò Hữu Thắng ngày nào trong vóc dáng Park Hang-seo.

Hiệp thi đấu đầu tiên, khi Ulsan Hyundai đã thẳng chân, U23 Việt Nam "chết" từ những pha bóng đầu tiên và hoàn toàn không có bóng để kiểm soát, để triển khai. Đến hiệp 2, khi đội bạn chủ động "buông", cũng là lúc các cầu thủ trẻ Việt Nam tha hồ "thêu hoa dệt gấm" trên phần sân đối phương.

Đáng tiếc, lối chơi của U23 Việt Nam và đối thủ đến từ Hàn Quốc ở trận ra quân VCK U23 châu Á này có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại khác biệt quá xa về đẳng cấp.

U23 Việt Nam xuất trận: Điền Kỵ đua ngựa hay dao sắc chẳng gọt nổi chuôi đây? - Ảnh 4.

Sẽ là kỳ tích nếu thủ thành U23 Việt Nam giữ sạch mành lưới trước U23 Hàn Quốc.

Cả hai lối đá đều dựa nhiều vào thể lực và đòi hỏi sức mạnh tinh thần, nhưng trong khi triết lý bóng đá Hàn Quốc là phòng ngự chắc - phản công nhanh, chơi pressing, lấy thể lực và tính kỷ luật làm trọng, ngoài ra những cầu thủ sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt, tốc độ cao sẽ được ưu tiên sử dụng để mang tới những pha phản công hiệu quả từ biên, thì U23 Việt Nam sẽ ưu tiên ban bật nhỏ, chuyền ngắn và nhanh.

Gặp U23 Hàn Quốc, ở tình thế không thể "dựng xe bus" trước khung thành, sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo chỉ là vỏ bọc cho đội hình 5 hậu vệ, trong đó hai cầu thủ chạy cánh sẽ phải "lên công về thủ" tương đối vất vả, vừa đảm nhiệm chặn những pha thoát xuống cánh với tốc độ cao của đối phương, vừa phải dâng lên hỗ trợ tấn công.

Áp dụng lối chơi "Hàn Quốc nửa chừng" trước một đối phương tốt hơn cả về thể lực lẫn thể hình, lại cực kỳ kỷ luật trong một trận đấu bắt buộc phải thắng để làm bàn đạp tinh thần cho tham vọng vô địch, với HLV Park Hang-seo quả là "đi mắc núi, về mắc sông". Dẫu trong tay có những mũi nhọn "sắc lẹm" như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải... nhưng để "gọt được chuôi", e rằng chẳng thể!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại