Trả lời phóng viên đài RT (Nga), ông Howard Feldman, một chuyên gia phân tích ngôn ngữ cơ thể, cho biết trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ hôm 16/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có khởi đầu hơi căng thẳng dù khá tự tin khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy vậy, chuyên gia này nhận định sau khi cuộc họp kết thúc, những biểu cảm trên gương mặt hai nhà lãnh đạo có phần thoải mái hơn, có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh đã diễn ra thành công.
Ngôn ngữ cơ thể tiết lộ không khí cuộc gặp đầy căng thẳng
Cả hai ông Trump và Putin đều nhận thức rất rõ rằng cả thế giới đang theo dõi sát sao từng cử chỉ và lời nói của mình trong cuộc gặp.
"Nước Mỹ của ông Trump là nơi vô cùng khắt khe với Tổng thống của họ. Ngay trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đăng tweet 'nhắc nhở' ông Trump với câu hỏi bỏ ngỏ: 'Ông đang chơi cho đội nào thế?'.
Vậy nên ông ấy nhận thức rất rõ rằng cả nước Mỹ đều đang theo dõi từng bước đi của ông ấy, và suy đoán về những điều diễn ra giữa hai vị nguyên thủ trong phòng họp", chuyên gia Feldman cho hay.
Mặc dù ông Putin trông có vẻ thoải mái hơn đôi chút - có lẽ là nhờ quãng đường di chuyển không quá dài, và nhờ 'thành công' ông vừa đạt được trong việc tổ chức kì World Cup năm nay - nhưng ông cũng có khởi đầu căng thẳng không kém người đồng cấp Mỹ.
Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Feldman đánh giá biểu cảm của hai ông là "cực kì căng thẳng và không thoải mái".
"Trông họ như một cặp đôi vừa ly dị vậy. Họ chẳng hề vui vẻ gì khi gặp nhau", ông Feldman nói.
Thông thường ông Trump hay thực hiện kiểu bắt tay đầy sức mạnh nổi tiếng - siết chặt tay đối phương và kéo về họ phía mình - tuy nhiên, cái bắt tay đầu tiên dài đúng 3 giây của ông Trump và ông Putin tại Helsinki được cho là khá nhẹ nhàng và dè dặt, như thể họ muốn thăm dò thái độ của đối phương.
"Ta có thể thấy rằng cái bắt tay của hai ông Trump-Putin rất xa cách. Hai ông gần như không di chuyển các bộ phận khác trên cơ thể để bắt tay nhau. Vì thế, có thể kết luận đây không phải là cái bắt tay thân thiện, mà chỉ có tính chất rất xã giao. Cái bắt tay này có tính chất gần giống như kiểu chào của hai đấu sĩ chuẩn bị so găng trên võ đài".
Ông Trump có bị lép vế trước người đồng cấp 'lão luyện' Putin?
Tuy nhiên, dù lo lắng, chuyên gia Feldman cho biết kiểu đặt hai bàn tay chụm vào nhau giống hình tháp chuông cho thấy ông Trump vẫn rất tự tin trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Điều này cho thấy ông Trump đặt nhiều kì vọng lớn vào cuộc gặp thượng đỉnh lần này.
Ông Feldman cũng tinh ý phát hiện ra rằng một số cử chỉ của ông Trump trông giống như được tính toán từ trước: "Ông Trump muốn chứng tỏ với nước Mỹ rằng ông sẽ bước vào cuộc họp thượng đỉnh trong tâm thế của một nhà hòa giải cứng rắn và khó đối phó. Tôi cảm thấy ông ấy hơi 'diễn' một chút".
Tuy nhiên, kiểu đặt hai bàn tay chụm vào nhau giống hình tháp chuông cho thấy ông Trump vẫn rất tự tin trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga.
Về cái nháy mắt bất ngờ của ông Trump, chuyên gia Feldman khẳng định rằng cử chỉ đó không mang nhiều ý nghĩa, mà chỉ là một hành động nhỏ của ông Trump để giúp không khí giữa hai ông bớt căng thẳng.
"Tôi nghĩ cử chỉ đó có ý nghĩa với bản thân ông Trump nhiều hơn là đối với ông Putin. Có lẽ ông ấy chỉ muốn thư giãn bản thân một chút trong không khí căng thẳng, chứ không hề có ý định tỏ ra thân thiện hay gần gũi với đối phương vào thời điểm đó".
Tuy nhiên, sau khi trở ra từ cuộc họp riêng, hai ông Trump và Putin trông có vẻ thoải mái hơn bên cạnh đối phương, chuyên gia Feldman phân tích. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc hội đàm của họ đã có kết quả tốt.
"Khi ông Putin phát biểu [trong cuộc họp báo chung], ông Trump đã hơi nghiêng người về phía người đồng cấp. Đây là biểu hiện thoải mái khá tự nhiên chứ không gượng ép sau cuộc họp kín. Điều này có nghĩa là cuộc họp đã diễn ra thuận lợi".
Theo chuyên gia này, ông Trump dường như đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc che giấu những cảm xúc thật của mình, còn ông Putin thì đã quen với "các cử chỉ chính trị", do đã có kinh nghiệm làm Tổng thống Nga trong nhiều năm.
Ông Feldman còn dự đoán rằng nếu hai nguyên thủ gặp lại, ngôn ngữ của họ sẽ bớt căng thẳng hơn lần này, và thậm chí ông Trump còn có thể dành cho người đồng cấp một chiếc bắt tay siết chặt.
Ông Trump bắt tay ông Putin tại thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinkil.