Từ 'bất ổn lớn' của đề thi - đáp án Ngữ văn THPT 2018, nghĩ về kiểu câu hỏi liên hệ trong nghị luận văn học

TS Trịnh Thu Tuyết |

Câu hỏi 5 điểm trong đề Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 yêu cầu học sinh liên hệ chi tiết trong 2 tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và Hai đứa trẻ (Thạch Lam).

Cụ thể, câu hỏi như sau: Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó anh/chị hãy liên hệ sự đối lập giữa thành cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Từ bất ổn lớn của đề thi - đáp án Ngữ văn THPT 2018, nghĩ về kiểu câu hỏi liên hệ trong nghị luận văn học - Ảnh 1.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), câu hỏi này và đáp án chính thức được Bộ GD&ĐT cho thấy nhiều điều bất ổn trong cách ra đề thi có câu hỏi liên hệ trong nghị luận văn học (NLVH).

Dưới đây là bài phân tích chi tiết của TS Trịnh Thu Tuyết.

Câu hỏi liên hệ trong nghị luận văn học là kiểu câu hỏi xuất hiện trong đề tham khảo cho kì thì THPT QG được Bộ công bố tháng 1/2018, cũng là kiểu câu hỏi trong câu Nghị luận văn học của đề thi THPT ngày 25/6/2018 - theo đó, phần nghị luận chính của đề thuộc chưong trình ngữ văn lớp 12, phần liên hệ thuộc chưong trình ngữ văn lớp 11 với tỷ lê khoảng 80-20! Có một vài suy nghĩ về kiểu câu hỏi này!

1. So sánh, liên hệ là một trong những thao tác của tư duy, giúp nhận thức của con người sâu sắc, thấu đáo hơn. 

Chưa cần có dạng đề so sánh 50/50 như đề thi ban D năm 2010: "Cảm nhận của anh/chị về chi tiết "bát cháo hành " mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết "ấm nước đầy và nước hãy còn ấm" mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời Thừa – Nam Cao)" hoặc ban C năm 2010 khi yêu cầu học trò trình bày cảm nhận về hai khổ thơ của Tràng giang Đây thôn Vĩ Dạ; cảm nhận về hai đoạn văn trong hai tuỳ bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường... thì các giáo viên cũng đã có ý thức dùng so sánh, liên hệ như một thủ pháp không thể thiếu trong quá trình giảng dạy, giúp học sinh hiểu rõ hơn điểm tương đồng, khác biệt trong cảm hứng sáng tác, giai đoạn văn học, phong cách nghệ thuật...của các tác giả, tác phẩm... 

Khao khát hi sinh và dâng hiến cho tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh trong hai khổ cuối bài thơ Sóng sẽ sâu sắc hơn rất nhiều nếu giáo viên giúp học trò đối chiếu với giải pháp sống mạnh mẽ tích cực khi khát khao chiếm lĩnh, tận hưởng hương sắc cuộc đời trong đoạn cuối bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. 

Sự hồi sinh những khát khao tình yêu, hạnh phúc của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân sẽ được soi sáng rõ hơn trong góc quan sát của tư tưởng nhân đạo khi liên hệ với khát khao hoàn lương của Chí Phèo trong buổi sáng đầu tiên tỉnh rượu và tỉnh táo sau khi gặp Thị Nở. 

Sự thống nhất và vận động trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cụ thể trong quan niệm nghệ thuật về con người sẽ được học sinh thấu hiểu trong tính hệ thống khi so sánh các nhân vật của Chữ người tử tù với nhân vật ông đò trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà

Chân dung hào hoa, hào hùng của chiến binh Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng càng đậm nét hơn và đuoc lý giải thuyết phục hơn khi đối sánh với chân dung những người lính thời chống Pháp trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên...

Học sinh sẽ hiểu rõ hơn phẩm chất nhà văn Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao khi so sánh ước mơ của Hộ về một "tác phẩm để đời" với ước mơ của ông già Xantiago của Heminggue khao khát câu được "một con cá lớn", với khát vọng của Vũ Như Tô mong xây được một "lâu đài bền như trăng sao, tranh tinh xảo với hoá công"..., những khát vọng thể hiện tầm vóc con người, làm nên ý nghĩa cho cuộc sống con người...

Từ bất ổn lớn của đề thi - đáp án Ngữ văn THPT 2018, nghĩ về kiểu câu hỏi liên hệ trong nghị luận văn học - Ảnh 2.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội.

2. Tuy nhiên, so sánh, liên hệ cũng có thể tạo ra nhiều tình huống phản cảm nếu khiên cưỡng so sánh những đối tượng không cùng hệ quy chiếu. Từ khi có dạng đề so sánh từ chục năm trước cho tới khi có dạng đề liên hệ năm 2018, tâm lý thi gì học nấy đã khiến phát sinh không ít những "đề luyện" dở khóc dở cười! 

Rất nhiều học sinh, phụ huynh hoang mang khi gặp những đề nghị luận văn học yêu cầu liên hệ kì quặc, ví dụ: so sánh các "cặp đôi" T'nú - A Phủ/ T'nú - Chí Phèo/ A Sử - Lý Cường...; hoặc so sánh, liên hệ các sự vật, sự việc quá khiên cưỡng như: xương rồng luộc - cháo hành - cháo cám / diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân với diễn biến tâm trạng Liên khi đợi tàu (trong khi với tính chất một "bài thơ văn xuôi", Hai đứa trẻ của Thạch Lam chỉ miêu tả những trạng thái tâm lý mơ hồ của bé Liên, điều đó hoàn toàn khác với một tác phẩm tự sự đi sâu khám phá dòng độc thoại nội tâm nhân vật như Vợ chồng A Phủ)...

Và ngay cả trong đề thi THPT QG vừa rồi, yêu cầu liên hệ hai bức tranh đối lập trong Chiếc thuyền ngoài xa Hai đứa trẻ cũng là sự so sánh bất cập trong nhiều bình diện! 

Trước hết là yêu cầu so sánh các cặp đối lập không có chung hệ quy chiếu: hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)/ cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ) - không thể so sánh hình ảnh một con thuyền hay đoàn tàu với cảnh tượng cuộc sống con người. 

Với phần kiến thức liên hệ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, có thể tạo ra cách diễn đạt logic nếu thay đổi từ "sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu" thành "sự đối lập giữa thế giới của phố huyện và "thế giới khác" mà đoàn tàu đem qua". 

Vấn đề lại không dừng lại ở diễn đạt với đơn vị kiến thức trong Chiếc thuyền ngoài xa khi bản chất của "hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài" lại không phải là đối lập, đó là sự bóc dần từng lớp hiện thực trên cơ sở rút ngắn dần cự ly quan sát, mở ra nhiều chiều, nhiều góc độ quan sát với cùng một đối tượng quan sát khi chiếc thuyền ngoài xa hiện lên như "cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh", nhưng khi chiếc thuyền tới gần, đó lại là không gian sống kinh hoàng của một gia đình hàng chài với những nghèo khổ, tăm tối và bạo lực - nên nếu có đối lập thì không phải là đối lập giữa "vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình hàng chài" như trong đề bài mà là "đối lập giữa bức tranh ngoại cảnh khi chiếc thuyền ở ngoài xa và bức tranh cuộc sống con người khi chiếc thuyền tới gần". 

Một sự so sánh khiên cưỡng nữa xuất hiện trong câu lệnh khi đề bài yêu cầu "nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả" - một tác giả xuất phát từ cảm hứng hiện thực để khám phá một hiện thực đa chiều, đa diện có nên so sánh với một tác giả thuộc dòng văn học lãng mạn, sáng tác theo cảm hứng lãng mạn với đặc trưng cơ bản là gắng vươn lên trên thực tại, hướng về thế giới của mơ tưởng, khát khao... - không thể nói Nguyễn Minh Châu nhìn hiện thực sâu sắc, đa chiều hơn Thạch Lam khi họ sáng tác theo những cảm hứng khác nhau bởi nhưng hình thái sáng tác khác nhau. 

Yêu cầu so sánh khiên cưỡng đã đưa tới sự thiếu chính xác trong đáp án chính thức khi chỉ ra sự tương đồng trong cách nhìn hiện thực của hai tác giả là: "Bằng việc tạo dựng những tương quan đối lập, cả hai tác giả đều hướng tới khám phá hiện thực ở bề sâu, phát hiện bản chất đời sống..." trong khi việc "khám phá hiện thực ở bề sâu, phát hiện bản chất đời sống" tuyệt đối không phải nhiệm vụ của các tác giả sáng tác theo cảm hứng lãng mạn như Thạch Lam!

Sự khác nhau giữa hai tác giả trong cách nhìn hiện thực cũng không chính xác khi đáp án cho rằng nếu Nguyễn Minh Châu "nhìn hiện thực với cảm hứng thế sự, bằng cái nhìn đa chiều để khám phá những nghịch lý của đời sống, cách nhìn hiện thực mang phong cách tự sự - triết lý" thì Thach Lam "nhìn hiện thực với cảm quan lãng mạn, không chỉ nhìn thấy hiện thực tăm tối tù đọng của đời sống mà còn đi sâu vào tâm hồn để khám phá khát vọng của con người, cách nhìn hiện thực mang phong cách tự sự - trữ tình" - nếu "lãng mạn" và "hiện thực" là cảm quan sáng tác của hai hình thái sáng tác khác nhau thì "tự sự" và "trữ tình" thuộc phương thức sáng tác - và truyện ngắn Hai đứa trẻ là tác phẩm văn xuôi trữ tình, một "bài thơ văn xuôi", một "truyện không có chuyện", khái niệm "phong cách tự sự - trữ tình" dành cho Hai đứa trẻ là khái niệm chưa chính xác.

Ví dụ trên đã cho thấy sự bất ổn trong các đề nghị luận văn học nếu xuất phát điểm là những yêu cầu so sánh, liên hệ khiên cưỡng.

3. Một điều bất cập nữa đặt ra trong kiểu đề liên hệ là sự giới hạn chật hẹp của vấn đề nghị luận. Có thể thấy với yêu cầu kiến thức giới hạn trong chưong trình ngữ văn lớp 12 như kì thi QG năm 2017, số lượng vấn đề nghị luận có thể xuất hiện trong đề thi vẫn nhiều hơn so với khả năng đặt ra các vấn đề so sánh theo mô hình đề liên hệ năm 2018, nhất là với tỷ lệ kiến thức lớp 12 - 11 đã được định hướng trước.

Thực tế, những tác phẩm văn học lớp 11 gồm hai bộ phận: văn học trung đại và văn học hiện đại giai đoạn 1930 - 1945, sẽ không nhiều các đơn vị kiến thức của trong các tác phẩm văn học hiện đại từ 1945 tới 2000 ở lớp 12 có thể phù hợp khi so sánh liên hệ. 

Ngoại trừ một số vấn đề có thể liên hệ như các tác phẩm cùng thể hiện cảm hứng nhân đạo (Hai đứa trẻ, Chí Phèo, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa); khuynh hướng sử thi và cảm hứng yêu nước (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tây Tiến, Đất nước, Từ ấy, Việt Bắc); các quan niệm về nghệ thuật, về mối quan hệ giữa cái đẹp và cái thiện (Chữ người tử tù, Vĩnh biệt Cửu trùng đài, Chiếc thuyền ngoài xa)..., còn lại, rất khó tìm được những vấn đề so sánh liên hệ phù hợp, ý nghĩa... Đây là nguyên nhân khiến thày trò trong các trường phổ thông có thể dễ dàng xác định khá cụ thể các dạng đề, chủ đề ôn luyện khi đã được trang bị trước đề tham khảo - sự nhàm chán xuất hiện trong cả tâm thế của thày khi ra đề và của trò khi làm đề suốt mấy tháng trời chuẩn bị cho kì thi Quốc gia, thậm chí bài kiểm tra định kì hệ số 2, bài thi học kì hệ số 3 của nhiều trường phổ thông trong cả nước hầu như cũng mô phỏng theo dạng đề tham khảo, sự chủ động sáng tạo bị thu hẹp tới mức không thể hẹp hơn. 

Một thực tế không thể phủ nhận là tuy Bộ đã công bố đề thi QG năm 2018 bao gồm cả chương trình 11&12, nhưng không ít những tác phẩm bị bỏ qua trong quá trình ôn luyện, đơn giản vì đó là những tác phẩm rất khó đặt trong sự liên hệ với các tác phẩm khác!

4. Trước khi tiến tới những kì thi đồng bộ với chương trình giao dục phổ thông mới, chúng ta rất khó đòi hỏi những đề thi phát huy cao nhất tính tích cực chủ động sáng tạo của học trò, tuy nhiên, hoàn toàn vẫn có thể tránh được những câu hỏi đóng khung nhàm chán, giới hạn chật hẹp năng lực tư duy của học trò, thậm chí dẫn tới những sai sót, khiên cưỡng ngay trong đề thi. 

Vẫn rất cần những đề minh họa, tham khảo cho các kì thi Quốc gia, tuy nhiên, cần nhiều đề, nhiều dạng đề chứ không nên đóng kín một kiểu dạng câu hỏi như mấy năm nay!

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại