Mỗi công ty sẽ có những hình thức đánh giá nhân viên khác nhau. Nơi thì tổ chức hình thức thi thố, kiểm tra giống như học sinh, nơi lại thu thập kết quả thông qua trưởng bộ phận. Những đánh giá này là cơ sở để bình bầu nhân viên từ đó đưa ra quyết định khen thưởng, phê bình hợp lý.
Ở một start-up nọ với quy mô khoảng gần 50 nhân sự, sếp tổng là một người giỏi chuyên môn nhưng khả năng lãnh đạo yếu kém và chưa tốt. Đành rằng như thế đồng nghĩa với việc sếp cần học hỏi nhiều, nhưng ông ta lại mắc cái chứng "học đòi, học lỏm". Tức là đi tham khảo ở mỗi nơi một cách quản lý nhân viên rồi về áp dụng lại với công ty mình bất chấp nó có phù hợp hay không.
Đợt này, sếp đang muốn thanh lọc một số nhân sự và đề xuất tăng lương cho những người có cố gắng. Thay vì quan sát và đánh giá khách quan, sếp lại muốn tự nhân viên làm điều đó. Hắn chỉ nghĩ thiển cận là người nào bị đa số phê bình thì có nghĩa là làm ăn chẳng ra sao, bị đuổi việc cũng đúng.
Lúc đầu đưa ra quyết định này, nhiều nhân viên phản đối vì cho rằng kết quả có thể sẽ không khách quan, vả lại điều này sẽ gây mâu thuẫn nội bộ. Vì thế, sếp mới để bản đánh giá ở dạng ẩn danh, tức là chỉ bình bầu mà không kê khai thông tin gì thêm.
Sếp rất đắc chí với quyết định của mình, nghĩ rằng sau vụ này sẽ được nhân viên nể phục sát đất. Hơn nữa, đó cũng là một hình thức xứng đáng cho các start-up khác noi theo. Đặc biệt, sếp còn muốn công bố kết quả công khai, để bản thân ai yếu kém sẽ tự biết nhục mà cố gắng.
Đến hôm công bố kết quả, không một ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Hệ thống khảo sát có thể thống kê và đưa ra đáp số cuối cùng xem ai là người bị bình bầu yếu kém cũng như xuất sắc nhất.
Màn hình quay tròn tròn, cái tên được hiện ra nhiều nhất đã làm toàn công ty há hốc.
Người xuất sắc nhất là một chị làm kế toán, và kẻ bị chê bai là yếu kém nhất không ai khác chính là sếp.
Cấp trên sau khi nhìn thấy tên mình hiện to và rõ ràng trên màn hình bỗng câm nín, không còn hí hửng như phút ban đầu thông báo thể lệ bình chọn đánh giá nhân viên. Mặc dù tức nghẹn họng đến tím tái mặt mày nhưng sếp không dám bộc lộ nhiều cảm xúc bởi dù gì quy chế này cũng là do lão ta viết ra. Hơn nữa, có 78% người bình chọn nên ông ta càng không thể tức giận với tất cả mọi người do đánh giá ở chế độ ẩn danh.
Sếp đi về phòng trong tức giận và từ đó không bao giờ nhắc lại chuyện này nữa.
Hành động trên của người sếp đã đặt ra một bài học đúng đắn với những ai làm quản lý, lãnh đạo. Đánh giá một nhân viên thì có nhiều cách nhưng điều quan trọng là hãy giữ tỉnh táo và một thái độ đúng đắn để xem xét quá trình cố gắng của nhân viên khách quan. Chứ đừng ra những thông báo cảm tính, học đòi rồi bạn sẽ nhận lại kết quả hết hồn đấy!