Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bức tranh có niên đại khoảng 2.500 năm tuổi tại Calakmul, bán đảo Yucatan, Mexico. Bức tranh cổ miêu tả lại cuộc sống thường nhật của người Maya cổ, trong đó có cảnh người bán hàng đang đưa một túm đồ được gói trong lá cây cho người mua. Người mua đang cầm một chiếc thìa lớn trên tay, phía trước mặt là chiếc giỏ có thể dùng để đựng muối. Đây là bức tranh cổ miêu tả quá trình buôn bán muối cổ xưa nhất ở chợ Maya.
Muối không chỉ là gia vị, muối còn là mặt hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày, nó có giá trị quan trọng vì số lượng muối vô cùng khan hiếm tại thời điểm đấy.
Nhà khảo cổ học Heather McKillop thuộc trường Đại học Bang Louisiana (LSU) cho biết: “Những tàn tích còn sót lại của bếp chuyên sản xuất muối của người Maya cổ đã được phát hiện tại một khu rừng ngập mặn ở Belize.
Trong quá trình tìm kiếm tại đây, chúng tôi đã phát hiện những cây cột và mái che bị nhấn chìm trong nước. Vào thời đó, những hạt muối xếp thành khối được vận chuyển bằng thuyền dọc theo bờ biển và con sông ở miền nam Belize.”
Ngoài ra, McKillop và nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ với 70 địa điểm đánh dấu những công trình được xem là di chỉ muối của người Maya cổ.
Tại di chỉ Paynes Creek Salt Works, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 4.042 cọc gỗ đã chìm xuống nước cùng một chiếc thuyền đủ mái chèo. Còn có công cụ bằng ngọc chất lượng cao, công cụ bằng đá dùng để muối cá, thịt và hàng trăm mảnh đồ gốm.
“Theo tôi nghĩ, người Maya cổ làm việc tại đây là những người sản xuất muối. Họ dùng thuyền để di chuyển muối trên sông với số lượng lớn để dùng trong việc buôn bán chứ không phải dùng cho gia đình.” – McKillop chia sẻ.
Ngoài ra, McKillop còn cho biết vào thời này, có thể là người Maya đã dùng những hạt muối được xếp thành khối nhỏ dùng trong việc trao đổi hàng hóa thay vì dùng tiền.