Đây là bản tóm tắt bằng tiếng Anh Luận án Tiến sĩ “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huệ, được đăng tải trên trang web của Học viện KHXH.
Xin khẳng định ngay rằng, bản tóm tắt này là không thể chấp nhận nổi vì có chi chít những lỗi sai cả về diễn đạt lẫn thuật ngữ chuyên môn.
Về mặt diễn đạt, sử dụng từ ngữ thông dụng, thời thể của động từ, nếu nhìn qua đã thấy nhiều các lỗi sai rất cơ bản. Hầu như không có câu nào là không sai.
Chỉ xin đơn cử một vài ví dụ, ngay phần đầu tiên, “opening brief” là một lối diễn đạt khó hiểu, nếu không muốn nói là tối nghĩa.
Thực chất, tác giả dịch một cách máy móc từ cụm từ “tóm tắt mở đầu”, một cụm từ mà ngay trong tiếng Việt cũng… tối nghĩa nốt.
Ảnh tóm tắt luận án TS "Hành vi nịnh trong tiếng Việt"
Tương tự, “thông tin tóm tắt những đóng góp mới của luận án” bị dịch thành “Bulletin (?!) brief (?!) on new contributions of the thesis” thì đúng là “cao thủ” tiếng Anh phải… vái bằng sư tổ.
Hay như thời thể của động từ trong câu được dùng một cách lộn xộn và thiếu chính xác.
Nhưng nếu có ai đó còn muốn biện hộ rằng đấy chỉ là những lỗi về diễn đạt, không phải là các lỗi về tiếng Anh chuyên ngành, chuyên môn thì chúng tôi xin khẳng định thêm, đây là một bản tóm tắt tiếng Anh của người chưa nắm vững các thuật ngữ chuyên ngành của ngành học mà họ đang nghiên cứu.
Ảnh bản tóm tắt bằng tiếng Anh luận án TS "Hành vi nịnh trong tiếng Việt"
Cụ thể, rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành đã bị dịch và hiểu sai hoàn toàn trong bản tóm tắt này. Chúng tôi chỉ xin lấy một số ví dụ điển hình nhất:
1. “Lý thuyết hành vi ngôn ngữ”: đây chính là cơ sở lí thuyết CHÍNH để tác giả nghiên cứu hành vị “nịnh”.
Đây là lý thuyết do nhà triết học và ngôn ngữ học John Austin xây dựng vào những năm 1960 và sau này được John Searle phát triển.
Lý thuyết hành vi ngôn ngữ (hay có người dịch chuẩn xác hơn là “lý thuyết hành động ngôn từ”) trong tiếng Anh là “Speech act Theory”. Tuy nhiên, bản tóm tắt này đã chuyển dịch một cách hoàn toàn sai thành “linguistic behaviour theory”.
Trong ngôn ngữ học, chưa bao giờ có một thứ gọi là “linguistic behaviour theory”.
2. “Lý thuyết hội thoại” được tác giả “biến” thành “dialogue theory”. Xin thưa với tân Tiến sĩ rằng, hội thoại trong ngôn ngữ học và trong trường hợp này cần phải được dịch là “conversation”.
“Dialogue” là nói đến những hội thoại có hai người tham gia (song thoại).
Lý thuyết về hội thoại có rất nhiều trường phái, nhưng chủ chốt là “Phân tích hội thoại” (Conversation Analysis – CA) và “Phân tích diễn ngôn” (Discourse Analysis - DA).
3. Hành vi “nịnh”: Đây là thuật ngữ chính của nội dung chính mà tác giả sử dụng trong luận án, nhưng bị dịch thành “Flattery Behavior” cũng là một sai sót không thể chấp nhận.
Cái sai này có nguồn gốc từ việc sử dụng và dịch sai cụm từ “hành vi ngôn ngữ” ở trên. Đáng lý ra, cần phải dùng Act, chứ không phải Behavior.
4. “Cở sở nhận diện” hành vi nịnh mà dịch thành “identity Foundation” thì chúng tôi dám chắc người dịch vừa không thạo tiếng Anh lại vừa không thạo của chuyên môn ngữ dụng học. Đấy là chưa kể tự nhiên viết hoa chữ F (chắc do… lỗi đánh máy).
5. “Sử dụng biểu thức đánh giá cao, sử dụng từ ngữ xưng hô; sử dụng thành phần rào đón”: đây là những thuật ngữ dùng để chỉ ra các chiến lược sử dụng hành vi ngôn ngữ.
Hãy xem tác giả dịch: “Sử dụng biểu thức đánh giá cao” thành “Utilizing expression appreciation” – đúng quả là một kiểu dịch vô cùng ngô nghê theo kiểu Google Translate.
“Sử dụng từ ngữ xưng hô” thành “Utilizing addressing words” thì cũng chỉ khá hơn chút đỉnh là vì không sai về cấu trúc ngữ pháp.
Thế nhưng, thuật ngữ “từ ngữ xưng hô” hay “từ xưng hô” thì cần phải dịch là “address terms” hay “terms of address”.
“Sử dụng thành phần rào đón” thành “Utilizing marker elements” thì thêm một bằng chứng nữa thuyết phục về trình độ tiếng Anh yếu kém của tác giả ngay đối với các thuật ngữ chuyên môn hẹp.
Khái niệm “thành phần rào đón” trong ngôn ngữ học đã được nghiên cứu rất nhiều trong tiếng Anh và được gọi là “hedging devices”.
6. “Biến xã hội” mà tác giả “phát kiến” thành “social elements” thì cũng quả hết chỗ nói. Xin nói để tác giả biết “biến xã hội”, thuật ngữ rất quan trong và quen thuộc của xã hội học và ngôn ngữ học xã hội phải được dịch tương đương là “social variables”.
Ở trên là chúng tôi chỉ điểm qua những sai sót cơ bản về cách dịch và sử dụng thuật ngữ ngôn ngữ học của TS Huệ.
Nếu phân tích kĩ thêm thì chắc chắn còn nhiều những điều đáng nói nữa. Nhưng nếu chỉ đòi hỏi TS có cái gọi là “đầu ra B2” tiếng Anh thì chúng tôi nghĩ thế này là… chấp nhận được rồi!